Nền kinh tế Việt Nam có thể chuyển từ 'dễ bị tổn thương' sang 'có sức cạnh tranh'

Hôm nay, 15/5, Hội nghị 'Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp' đã được tổ chức tại Hà Nội. Nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra ý kiến và cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang rất cần có các giải pháp phù hợp để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

TS. Cấn Văn Lực (Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV) phát biểu tại hội nghị (Ảnh Lương Minh)

Quy mô nhỏ, độ mở lớn

Ngay đầu chương trình, trong bài phát biểu của mình, TS. Cấn Văn Lực (Chuyên gia kinh tế, Trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV) nhận định: Khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trở nên ngày càng quan trọng trước thực tế Việt Nam vẫn là một nền kinh tế quy mô còn nhỏ nhưng có độ mở lớn, còn nhiều vấn đề nội tại cần xử lý và ngày càng trở nên "dễ bị tổn thương" trước các biến động, cú sốc từ bên ngoài.

Điển hình là từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và từ nửa cuối năm 2018 đến nay, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và các rủi ro có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Theo đó, một số tổ chức, định chế tài chính lớn và chuyên gia kinh tế lo ngại khả năng khủng hoảng chu kỳ xảy ra trong một vài năm tới. Và trên thực tế, từ nửa cuối 2018 đến nay, đã có 3 rủi ro chính có nguy cơ làm giảm đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và tác động đến kinh tế Việt Nam như: Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn (Mỹ-Trung, Mỹ-EU…) diễn biến phức tạp, khó lường; Sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới và các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực châu Âu; Rủi ro địa chính trị (Brexit, cấm vận, khủng bố…) và tình hình dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường.

Tuy đứng trước bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng Việt Nam vẫn đạt được kết quả tăng trưởng tích cực với 33 năm tăng trưởng dương liên tục trong giai đoạn 1986-2018 và mức tăng trưởng bình quân 6,53%/năm. Riêng năm 2019 - 2020, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo ở mức 6,6- 6,8%. Đồng thời, ổn định vĩ mô ngày càng được củng cố, thu nhập bình quân đầu người có xu hướng tăng gần 6%/năm trong 8 năm qua, trong khi nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận nội tại kinh tế Việt Nam còn tồn tại nhiều thách; nền kinh tế Việt Nam có dễ bị tổn thương như trước hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Theo TS. Cấn Văn Lực, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải khắc phục nhiều tồn đọng trước khi khẳng định là một nền kinh tế có sức cạnh tranh, trong đó bao gồm nhiều yếu tố như: Năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực ASEAN, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn ở mức thấp so với khu vực và thế giới, hệ số ICOR trung bình giai đoạn 2011-2018 đã giảm xuống còn 5,24 lần...

Bên cạnh đó, các yếu tố khác như: Hoạt động của khu vực doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm và chưa có nhiều chuyển biến, còn tiềm ẩn rủi ro đối với một số cán cân vĩ mô trong khi khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài của nền kinh tế còn thấp cũng hết sức cần chú ý.

Cần có giải pháp cho nền kinh tế

Theo nhận định của IMF (2018), ngoài việc dư địa tài khóa và tiền tệ eo hẹp thì khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam còn bị giới hạn đáng kể bởi khung chính sách kinh tế vĩ mô chưa thực sự linh hoạt cùng thể chế và hệ thống thông tin chưa hoàn toàn sẵn sàng để chủ động phát hiện và quản lý rủi ro. Do đó, Việt Nam cần thiết phải xây dựng, sử dụng kịp thời các chính sách để hạn chế, xử lý rủi ro và củng cố các "bộ đệm" phù hợp để có khả năng chống chịu rủi ro và ổn định kinh tế vĩ mô.

Từ vấn đề trên, Hội nghị đã đi đến thảo luận và bàn về giải pháp tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cần có những kiến nghị đối với Nhà nước, Chính phủ, Bộ về rủi ro bên ngoài. Cần có kênh theo dõi sát sao, đánh giá tác động của diễn biến căng thẳng thương mại, địa chính trị thế giới và xây dựng các kịch bản ứng phó chủ động, kịp thời.

Chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, thương mại và giá cả. Xây dựng kịch bản điều hành giá, theo sát, phân tích và dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Ngoài ra, cần phải hết sức quan tâm đến việc tăng năng suất lao động, tăng đóng góp của TFP, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, ngành và nền kinh tế. Chủ động nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh và quyết liệt hơn, đồng bộ hơn các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, chú trọng khắc phục bất cập ở khâu triển khai thực hiện ở các Bộ, ngành, đơn vị, địa phương

Hội nghị cũng đưa ra việc chủ động tiếp cận và áp dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Theo các chuyên gia kinh tế, nên sớm ban hành Chiến lược Quốc gia về Cách mạng công nghệ 4.0 và Chiến lược kinh tế số đến năm 2030. Phải chú trọng đổi mới giáo dục - đào tạo, đưa một số nội dung Cách mạng công nghệ 4.0 vào các chương trình giáo dục - đào tạo từ cấp phổ thông trung học là rất cần thiết để đầu tư phát triển nền kinh tế bền vững.

Ngoài ra để có sự chuẩn bị tốt nhất cho nền kinh tế, các doanh nghiệp cần có kế hoạch ứng xử tốt, chủ động đón đường các thuận lợi, thách thức đem lại và chú trọng đến vấn đề thương hiệu để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cần nâng cao năng lực hội nhập, chú trọng việc tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực theo các Hiệp định FTA đã ký kết để tăng khả năng chống chịu đối với cú sốc bên ngoài của bản thân doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng cần nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị tài chính, cấu trúc vốn và đòn bẩy tài chính; chủ động tìm hiểu và sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính.

Lương Minh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nen-kinh-te-viet-nam-co-the-chuyen-tu-de-bi-ton-thuong-sang-co-suc-canh-tranh-post61978.html