'Nền kinh tế' từ trang phục xưa, lối sống cũ

Những chiếc gối xếp, áo dài xưa, bộ sập tủ đã cũ được làm mới theo cách riêng biệt. Một thị trường, một 'nền kinh tế' từ trang phục xưa, lối sống cũ đang lớn dần.

Sản phẩm trang phục và gối theo kiểu xưa - Ảnh: ẢNH: TRINH NGUYỄN

Mặc như… các cụ

Ông Vũ Kim Lộc đã bay từ TP.HCM ra Hà Nội để dự lễ ra mắt Công ty Ỷ Vân Hiên với tư cách là một cố vấn chuyên môn. Là người đã phục chế những chiếc mũ vua, quan thời Nguyễn từ những vụn vải nát, những chi tiết vàng son bẹp dúm, ông Lộc là một nghệ nhân kiêm nhà nghiên cứu tự do hiếm có. “Tôi ủng hộ những người trẻ yêu mến và kinh doanh trang phục cổ vô điều kiện. Vì thế, tôi cũng sẽ tặng Ỷ Vân Hiên tư liệu về chiếc trâm cổ đã được phục dựng”, ông Lộc nói. Những chiếc trâm này có thể sẽ có phiên bản để bán ra thị trường, cùng với các trang phục cổ khác mà chủ của công ty này - ông Nguyễn Đức Lộc, đang tiếp tục sản xuất và đưa ra thị trường.

Tại TP.HCM hiện có ít nhất 3 nhóm đang tiếp tục nghiên cứu sản xuất các trang phục như vậy. Một nhà thiết kế giấu tên trong số đó cho biết việc sản xuất và khách hàng của anh khá ổn định. Đây là nhóm đối tượng khách hiểu giá trị của sản phẩm, chấp nhận giá cao vì các sản phẩm trang phục của anh (áo dài xưa, các mẫu áo của quan lại, khánh…) thường rất cầu kỳ về chất liệu cũng như hình thêu, hình vẽ. Anh cũng có những trao đổi chuyên môn với nhà nghiên cứu Trịnh Bách để được hướng dẫn.

Ông Bách là người yêu mến lối sống xưa, và có nhiều tư liệu, hiện vật trang phục cổ. Bản thân ông Bách cũng đang có những dự án cá nhân để phục hồi các trang phục xưa như giày, nón… Ông muốn tìm lại những nghệ nhân, hoặc đào tạo những người có khả năng để cùng ông mang di sản quá khứ trở về. Nghệ nhân Vũ Giỏi (Hà Nội) cũng đã thêu lại những chiếc áo vua dưới sự hướng dẫn của ông.

Trong khi đó, nhóm S.River (Hà Nội) lại chọn con đường khác. Họ lấy những họa tiết xưa để lắp vào trang phục nay. Nhóm đã có những thiết kế thử nghiệm. Chẳng hạn, đôi giày màu vàng với họa tiết dựa trên bức tranh Hàng Trống Trê Cóc. Bức tranh mang hàm ý châm biếm về việc vợ chồng giàu có nhà Trê cướp con của vợ chồng Cóc từ khi con còn là nòng nọc chưa rụng đuôi. “Sắp tới, chúng tôi sẽ còn có các dự án khác”, giảng viên Trịnh Thu Trang (ĐH Kiến trúc Hà Nội), trưởng nhóm S.River, nói.

Nhóm S.River ưu tiên dùng các sản phẩm lụa VN của các làng nghề, nghệ nhân trong nước. Họ cũng chú ý các phom dáng cổ xưa. Ngoài quần áo, còn có khăn, mũ, giày.

Nếp xưa, lối nay

Không chỉ có trang phục cổ, nhiều người hiện cũng đang đeo đuổi việc giữ nếp bằng cách phục chế hay sản xuất lại các đồ dùng xưa. Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt là một trong những người như thế. Ông Đạt đi tìm những món đồ đã cũ, chủ nhà không còn muốn sử dụng nữa rồi dựng lại. “Có món đồ tôi gặp tình cờ, trông lam lũ và xộc xệch lắm. Những người ở cạnh coi thường vì họ không hề biết đó là một kiệt tác vào thời của nó”, ông Đạt nhớ lại.

Tất nhiên, ông không để nguyên trạng như cũ mà đắp vào những sáng tạo của riêng mình. Đây cũng là một thị trường riêng chứ không chỉ là mua gỗ mới về rồi đục chạm lại như kiểu dáng cũ. Nhiều món đồ sau “trùng tu” đã trở thành tác phẩm nghệ thuật.

Ngay cả những vật nhỏ nhắn như gối cũng đang được làm lại. Đang nắm trong tay cách làm gối xếp là nghệ nhân Công Tôn Nữ Trí Huệ (Huế). Những chiếc gối chính tay cụ làm ra khi xưa rất được lòng Đức Từ Cung và vua Bảo Đại. Nhà vua cũng đặt gối của cụ làm quà cho những người bạn Pháp. Giờ đây, loại gối này vẫn tiếp tục được sản xuất, Ỷ Vân Hiên cũng có mặt hàng này.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thu Hòa lại theo đuổi việc đưa tranh dân gian trở lại. Bà cũng đã phục dựng được tranh Kim Hoàng, dòng tranh thất truyền từ lâu. Những bức tranh tết treo hai bên cửa để trừ tà cũng đã được bán lại tại thị trường Hà Nội 2 mùa. Tại Huế, ông Đỗ Hữu Triết nghiên cứu, phục dựng lại pháp lam Huế. Ông còn mở Công ty pháp lam Thái Hưng, cùng với nghệ nhân gốm, họa sĩ, thợ sơn mài giữ lửa nghề thủ công. Công ty có các sản phẩm như tranh pháp lam, pháp lam trên gốm, pháp lam trang trí nội thất cùng nhiều sản phẩm lưu niệm, đồ trang sức pháp lam...

Về tiềm năng của thị trường, ông Nguyễn Đức Lộc cho rằng, đây là thị trường có khả năng phát triển do số người tìm hiểu về cổ phong, cổ phục trẻ đang tăng lên. Ông Đinh Công Đạt cũng lạc quan: “Thay vì đi mua đồ nhái phom dáng nước ngoài thì hiện nay các gia đình có điều kiện kinh tế dư giả đã chú ý mang những giá trị văn hóa xưa về ngôi nhà đầy yêu thương của họ. Thị trường đồ xưa và trang phục xưa có khách hàng là người thành đạt hoặc điều kiện sống tốt. Họ hầu hết trên 30 tuổi, nhưng không nhiều người trên 60 tuổi. Trình độ học vấn của họ cao”.

Xu hướng chung

Một người khá quen thuộc với vai trò cố vấn trong vài dự án phục cổ là nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tác giả cuốn sách Ngàn năm áo mũ. Về xu hướng phục cổ, ông Đức cho biết: “Xu hướng này là chung. Không chỉ VN mà cả Hàn Quốc, Malaysia, cộng đồng Hoa kiều... cũng có phong trào khôi phục trang phục truyền thống. Sau khi trải qua những cơn sang chấn văn hóa giữa các luồng văn hóa ngoại lai, người Việt có nhu cầu định vị lại, cái này của VN, cái kia của ngoại lai và đi sâu tìm hiểu nguyên nhân. Đó là nhu cầu chính đáng và cần cổ vũ”.

Trinh Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/nen-kinh-te-tu-trang-phuc-xua-loi-song-cu-999018.html