Nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng

Nền kinh tế đang trên đà bứt phá, tăng trưởng ấn tượng. Trong đó phải kể đến những dấu ấn đậm nét của một số lĩnh vực quan trọng như xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Đây là những đánh giá tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2018, do Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 28-9.

Lĩnh vực xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt con số tăng trưởng ấn tượng.

GDP tăng cao nhất trong 8 năm gần đây

GDP trong 9 tháng năm 2018 đã tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2017, mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 8 năm gần đây. Theo đó, các ngành nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến chế tạo và xuất khẩu tiếp tục là động lực phát triển của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, lạm phát bình quân hiện ở mức tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm trước đã thể hiện tính hiệu quả trong công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Tiêu dùng cuối cùng tăng 7,09%, tích lũy tài sản tăng 7,71%, thanh khoản của VNĐ trên toàn hệ thống tiếp tục được bảo đảm, hoạt động của các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định và thông suốt.

Xét về từng lĩnh vực thì khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng GDP chung; khu vực dịch vụ tăng 6,89%, đóng góp 42,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, đóng góp 48,7%. Đặc biệt, trong 9 tháng qua, cả nước có thêm 96.611 doanh nghiệp mới ra đời, tăng 2,8% về số lượng doanh nghiệp và tăng 6,7% về vốn đăng ký.

Từ đầu năm 2018 đến nay là khoảng thời gian chứng kiến sự gia tăng ấn tượng về xuất khẩu. Cụ thể, nền kinh tế đạt kim ngạch xuất khẩu gần 188 tỷ USD, tăng 15,4% (chỉ tiêu đề ra đầu năm 2018 là 10%). Đáng ghi nhận, đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, duy trì chỗ đứng tại các thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN. Ngoài ra, cả nước đã thu hút khoảng 25,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 9 tháng, thể hiện sức vươn mạnh mẽ và cao hơn hẳn kết quả của nhiều năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,6% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất từ năm 2012 trở lại đây. Trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng, với mức tăng 12,9%. Tổng cục Thống kê cho rằng, nhiều năng lực sản xuất công nghiệp mới, hiện đại đang được bổ sung vào nền kinh tế, hứa hẹn sự gia tăng cả về tốc độ cũng như chất lượng của các ngành công nghiệp nói chung.

“Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực thực hiện của các bộ, ngành, địa phương ngay từ đầu năm 2018” - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định.

Chủ động thúc đẩy tăng trưởng

Một số lĩnh vực như đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, nông nghiệp và công nghiệp đã thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trong 9 tháng qua. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, với thực tế, điều kiện và xu hướng như hiện tại, rất có khả năng nền kinh tế sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mức 6,7% như kế hoạch đề ra cho năm 2018.

Tuy vậy, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng không hẳn suôn sẻ hoàn toàn. Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, đến nay độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, dẫn đến sự gắn kết chặt chẽ và phản ứng nhanh với diễn biến kinh tế quốc tế. Vì vậy, cần có sự quan tâm, tìm biện pháp phù hợp để ứng phó với thực trạng các nước dựng rào cản thương mại, áp dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế xuất khẩu của nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, giá xăng dầu thế giới đang phức tạp, lại đứng ở mức cao nên sẽ gây bị động cho các nước nhập khẩu nhiên liệu...

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, các cấp điều hành đã xác định cần chủ động thực hiện các biện pháp như: Kiên trì các biện pháp kiểm soát lạm phát, phản ứng linh hoạt trong điều hành tỷ giá, hoạt động tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Cơ quan chức năng cũng cần theo dõi thường xuyên và thúc đẩy thực hiện đầu tư công, hướng tới mức giải ngân cao nhất kết hợp với việc sớm đưa các công trình và dự án quan trọng vào hoạt động.

Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần chủ động đẩy mạnh hợp tác đa phương cũng như thực hiện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Trong đó, có tính đến bối cảnh tranh chấp thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc diễn ra gay gắt để mở rộng quy mô xuất khẩu, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi từ vấn đề này.

Các cấp có thẩm quyền cũng nên tăng cường "gọi" đầu tư nước ngoài, hướng vào các tập đoàn xuyên quốc gia, sẵn sàng đón nhận những dự án có công nghệ nguồn, công nghệ cao cũng như kiên quyết từ chối dự án công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...

Ngày 28-9, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 9-2018 tăng 0,59% so với tháng trước và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2017. CPI bình quân 9 tháng qua tăng 3,57% so với cùng kỳ. Trong đó, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tháng 9 tăng so với tháng trước.

Cùng ngày, Cục Thống kê Hà Nội đã công bố CPI tháng 9 trên địa bàn thành phố tăng 1,08% so với tháng trước và tăng 5,16% so cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân khiến chỉ số giá tháng này tăng so tháng trước là do ảnh hưởng của nhóm giáo dục.

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/914264/nen-kinh-te-tang-truong-an-tuong