Nền kinh tế số - Xu thế tất yếu của ASEAN

Số hóa giờ đây đang dần trở thành xu thế chủ đạo trong phát triển kinh tế, là chất xúc tác thúc đẩy tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới. Không nằm ngoài xu thế đó, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang có những bước đi mạnh mẽ, phát huy những lợi thế sẵn có để nắm lấy cơ hội đổi mới kinh tế theo hướng hiện đại và năng động hơn.

Trong bối cảnh công nghệ khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng, tác động rất lớn đến bức tranh kinh tế của toàn cầu như hiện nay, hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới đều đưa ra chiến lược phát triển công nghệ số, trong đó chú trọng việc nghiên cứu áp dụng công nghệ mới vào tăng trưởng kinh tế. Công nghệ số cũng chính là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN để có thể trở thành một trong 5 nền kinh tế số hóa trên thế giới trước năm 2025.

ASEAN luôn được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng, khu vực phát triển năng động trên thế giới. Trong nửa thế kỷ qua, ASEAN đã có những thay đổi tích cực hướng đến cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Các nhà lãnh đạo ASEAN trong Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ 2018.

Đến nay, Cộng đồng ASEAN đang nỗ lực nắm bắt xu thế phát triển kinh tế số, thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc phát huy lợi thế có sẵn cũng như xây dựng kế hoạch toàn diện để trở thành nền kinh tế số lớn trên thế giới. Theo báo cáo nền kinh tế số ASEAN, khu vực này sở hữu đến hơn 330 triệu người dùng internet năm 2017, tăng mạnh từ 70 triệu năm 2015. Trong đó, số người lên mạng trên điện thoại di động đến 3,6 giờ mỗi ngày, cao hơn nhiều các nơi khác.

Theo giới chuyên gia kinh tế, hiện có 3 lĩnh vực là cơ hội cho các doanh nghiệp ASEAN tham gia mạnh vào nền kinh tế số. Thứ nhất, phát triển các liên kết giữa thương mại - người tiêu dùng (B2C) thông qua nền tảng thương mại điện tử. Đây được coi là trụ cột phát triển nhanh nhất của nền kinh tế internet. Thứ hai, dịch vụ hỗ trợ bao gồm thanh toán, bảo hiểm, phát hiện gian lận, dịch vụ khách hàng... Thứ ba, cơ sở hạ tầng gồm cơ sở dữ liệu và các trung tâm thương mại điện tử.

Có thể nói rằng, hiện giờ ASEAN có những điều kiện, cơ sở để thực hiện tham vọng về phát triển kinh tế số trong khu vực. Trước hết, lực lượng dân số ASEAN trẻ. Cộng đồng ASEAN có tổng dân số hơn 600 triệu người, trong đó, tỷ lệ người dân biết chữ là 94% và 50% dân số ASEAN dưới 30 tuổi.

Đồng thời, khoảng 90% số người dưới 30 tuổi tiếp cận được với internet. Đồng thời, với tổng GDP lên tới 2,5 nghìn tỷ USD, dự kiến tăng trưởng 6%/năm trong một thập niên tới, thu nhập của người dân ASEAN cũng sẽ tăng lên, do đó, người dân có thể dùng nhiều tiền hơn cho công nghệ.

Bên cạnh đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời có thể thúc đẩy lĩnh vực công nghệ phát triển. AEC tạo ra một thị trường đồng nhất với sự tự do dịch chuyển về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề. Từ đó, AEC mở ra nhiều cơ hội cho việc kinh doanh và cơ hội việc làm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Hiệp hội. Đặc biệt, chính phủ các nước thành viên ASEAN cũng khá quan tâm và đang nỗ lực để xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông. Các chính phủ đang tích cực đầu tư vào nhiều dự án phát triển thông tin, truyền thông với khoảng 100 tỷ USD năm 2015.

Tuy nhiên, quá trình phát triển nền kinh tế số của ASEAN cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, cản trở hành trình thực hiện các mục tiêu kinh tế số của ASEAN. Đó là việc phần lớn dân số khu vực nông thôn, đặc biệt ở các nước như Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam gặp trở ngại trong việc tiếp cận internet.

Một lượng lớn người dân ASEAN không thể tiếp cận được với các cơ sở ngân hàng, bị hạn chế trong việc mua sắm, giao dịch trực tuyến và cản trở sự phát triển của ngành công nghệ. Và kể cả trong số những người có thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng như thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, họ vẫn có tâm lý “miễn cưỡng” khi tiến hành các giao dịch trực tuyến hay chia sẻ thông tin trực tuyến.

Ngoài ra, khung pháp lý hiện hành ở một số nước thành viên ASEAN đang làm khó cho các doanh nghiệp trong nước, quy định ở một số nước ASEAN chưa hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Trong nội bộ ASEAN, các giao dịch trực tuyến đều bị đánh thuế. Và quan trọng hơn, ngoại trừ Singapore, Malaysia và Philippines, các nước ASEAN khác đều thiếu một chiến lược phát triển công nghệ số toàn diện, do vậy, khó có thể vượt qua những thách thức để phát triển tối đa tiềm năng của ngành này.

Giới phân tích cho rằng, để trở thành lực lượng tiên phong trong cuộc cách mạng số, các nước ASEAN cần có một chiến lược công nghệ số toàn diện. Trong đó, chú trọng ưu tiên hệ thống băng thông rộng, đảm bảo độ phủ của internet thông qua cải thiện và đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ ở những khu vực nông thôn, cùng với đó là thúc đẩy nhận thức của người dân về lợi ích của một nền kinh tế số.

Hơn nữa, các nước ASEAN cũng cần thúc đẩy sự đổi mới trong các dịch vụ tài chính như việc tạo ra một nền tảng thanh toán số đồng nhất trong khu vực, tạo ra các ngân hàng số hóa. Luật an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu và bảo mật cũng cần được thống nhất trong ASEAN để chống tội phạm mạng, tạo sự yên tâm cho khách hàng trong việc chia sẻ các thông tin tài chính và thực hiện giao dịch trực tuyến.

Đông Nam Á là khu vực có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới, theo dự báo của công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn Deloitte trong vòng 5 năm tới, mỗi tháng khu vực này sẽ có khoảng 4 triệu người mới truy cập. Rõ ràng, đây là những con số cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường kinh tế số ASEAN. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế đó đồng thời đáp ứng với xu thế kinh tế số phát triển như vũ bão hiện nay, đòi hỏi các nước ASEAN có những chiến lược phát triển kinh tế số mang tính tổng thể và dài hơi.

Kông Anh

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nen-kinh-te-so-xu-the-tat-yeu-cua-asean-506808/