Nền kinh tế Pháp vẫn đối mặt nhiều rủi ro

Sau hơn hai tuần dỡ bỏ lệnh phong tỏa, nền kinh tế Pháp đang phục hồi nhanh nhưng còn rất mong manh. Nhiều doanh nghiệp đang đối mặt một số nguy cơ, trong đó có làn sóng phá sản do kinh doanh không hiệu quả trong một vài tuần hoặc tháng tới khi Nhà nước cắt giảm hỗ trợ.

Dịch chưa hết và biên giới còn đóng cửa, ngành Du lịch Pháp bị thiệt hại nặng nề trong năm nay.

Dịch chưa hết và biên giới còn đóng cửa, ngành Du lịch Pháp bị thiệt hại nặng nề trong năm nay.

Theo thống kê do Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Pháp (INSEE) công bố ngày 27-5, hoạt động kinh tế gia tăng từ 2/3 trong những ngày đầu tháng 5 lên 4/5 so mức trước khi xảy ra khủng hoảng bệnh dịch. Sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa từ ngày 11-5, các hộ gia đình đã dần trở lại thói quen chi tiêu. Ngành công nghiệp cũng đã phục hồi nhanh chóng, hiện ở mức 62% so 25% trong thời gian có lệnh phong tỏa.

Dù vậy, tác động của giai đoạn phong tỏa đối với GDP của quý II vẫn ở mức rất nặng nề. Nền kinh tế sẽ bị sụt giảm tới 20% trong quý II. Ông Julien Pouget, Giám đốc nghiên cứu kinh tế tại INSEE cho biết, hoạt động của nền kinh tế đã giảm 20% và là mức tổn thất rất lớn. GDP đã giảm 5,8% trong quý đầu tiên của năm 2020.

Trong bối cảnh còn nhiều bất ổn như vậy, INSEE không đưa ra dự báo cho cả năm. Ngay cả khi hoạt động kinh tế hồi phục hoàn toàn vào tháng 7 tới như mức trước khi xảy ra khủng hoảng, GDP của Pháp có thể sẽ giảm 8% vào năm 2020. Tuy nhiên, sự hồi phục nhanh trở lại như bình thường dường như không thực tế và khó xảy ra căn cứ theo tình hình hiện nay.

Thực tế, nhiều lĩnh vực kinh tế ở Pháp còn ngưng trệ như du lịch, dịch vụ ăn uống hoặc văn hóa và giải trí. Chỉ riêng ngành Du lịch đã đóng góp hơn 8% GDP trong năm 2019, nhưng hiện chưa được hoạt động trở lại và chịu thiệt hại rất nghiêm trọng, nhất là trong mấy tháng hè cao điểm. Việc duy trì các biện pháp ngăn ngừa đợt lây nhiễm thứ 2 đang hạn chế mức độ hoạt động cũng như năng suất của các doanh nghiệp đã được mở cửa trở lại.

Ngoài ra, nhiều người còn duy trì việc làm từ xa hoặc chưa muốn đi làm trở lại do lo ngại nguy cơ nhiễm bệnh. Theo dữ liệu từ thống kê của Google Mobility, mức độ di chuyển tới nơi làm việc vẫn ở mức rất thấp, hơn 41,8% trong thời gian từ ngày 11 đến 16-5 so bình thường.

Một yếu tố khác dẫn tới sự thận trọng khi đi lại là chỉ số niềm tin hộ gia đình. Ngày càng có nhiều hộ gia đình tin rằng, giá cả đã tăng trong 12 tháng qua. Nhiều người Pháp cho rằng, trong những điều kiện có nhiều rủi ro như hiện nay, tiết kiệm là một lựa chọn hợp lý và chờ tình hình ổn định. Đây là nguyên nhân tác động đến sự gia tăng mạnh mẽ trong tiêu dùng, yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trong những tháng tới.

Tâm lý "chờ xem" cũng xảy ra với các doanh nghiệp. Theo phân tích của Viện Xerfi, một số lượng đáng kể, 1/4 nhân viên của các doanh nghiệp cho biết họ không rõ khi nào hoạt động mới hồi phục hoàn toàn. Một trong hai doanh nghiệp ước tính rằng công suất hoạt động chỉ có thể đạt được khoảng 72% từ tháng 9 trở đi. Và phải đến giữa năm 2021, chín trong số 10 doanh nghiệp mới trở lại hoạt động bình thường.

Sự phục hồi chậm và theo lộ trình dần dần như hiện nay cho thấy các doanh nghiệp tại Pháp có nguy cơ đối mặt rất nhiều rủi ro trong thời gian tới. Trong thời gian ngắn sắp tới, Nhà nước sẽ giảm mức hỗ trợ. Khi đó các doanh nghiệp sẽ phải trả các khoản phí, tiền thuê được trả chậm hay các khoản vay được Nhà nước bảo lãnh. Cùng lúc, công suất sử dụng tài sản sản xuất như máy móc hay thiết bị có thể vẫn ở mức độ hạn chế.

Chính phủ Pháp đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ để duy trì trong thời gian phong tỏa và khôi phục hoạt động từ ngày 11-5. Theo Bộ Tài chính và Kinh tế Pháp, tính đến ngày 22-5, 80 tỷ euro do Nhà nước bảo lãnh đã được cấp cho 445 nghìn doanh nghiệp. Tuy nhiên tình hình hiện nay còn rất nhiều khó khăn, nhất là những doanh nghiệp có hợp đồng quốc tế. Khả năng sản xuất cũng như sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Pháp đã bị suy yếu rất nhiều.

Sau quyết định chi 12 tỷ euro để giải cứu Hãng hàng không Air France và hãng ô-tô Renault vào cuối tháng 4, ngày 26-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục công bố kế hoạch "lịch sử" chi thêm hơn tám tỷ euro để giúp ngành công nghệ ô-tô hiện đại hóa, nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay và trở thành nước đi đầu về xe ô-tô chạy bằng điện. Cùng với việc đầu tư cho sản xuất, Chính phủ Pháp cũng sẽ hỗ trợ bảy nghìn euro cho cá nhân và sáu nghìn euro cho doanh nghiệp mua xe ô-tô điện nhằm tăng sức mua. Hiện, còn nhiều doanh nghiệp lớn của Pháp cũng cần Nhà nước hỗ trợ để đứng vững trong giai đoạn đầy thách thức hiện nay.

Trước những điều kiện thách thức như hiện nay, nguy cơ phá sản và sa thải hàng loạt là rất đáng lo ngại. Hiệu ứng domino của cuộc khủng hoảng Covid-19 đang hiện rõ khi các doanh nghiệp tại Pháp phải tự tìm cách tồn tại trong giai đoạn còn nhiều hạn chế về hoạt động kinh doanh và nguồn tiêu thụ. Ngày 22-5, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo rằng "sẽ có hàng loạt vụ phá sản và sa thải". Vì vậy các nhà kinh tế Pháp cho rằng, thời điểm phục hồi hoàn toàn hoạt động kinh tế là yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết.

KHẢI HOÀN

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44627102-nen-kinh-te-phap-van-doi-mat-nhieu-rui-ro.html