Nền kinh tế nông nghiệp chưa đủ sức giữ chân người dân

ĐBSCL có nhiều lợi thế về nông nghiệp, thủy sản, du lịch, làng nghề nhưng tại sao chưa đủ sức giữ chân người dân nơi đây?

 ĐBSCL được xem là vựa trái cây đặc sản có giá trị xuất khẩu cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

ĐBSCL được xem là vựa trái cây đặc sản có giá trị xuất khẩu cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Miền Tây Nam Bộ có tiếng địa lợi nhờ “sự rộng lượng và đôn hậu” của các nhánh sông. Có thể nói, thiên nhiên ĐBSCL “ít khi trở chứng" cho rất nhiều, nhưng hiếm khi lấy lại. Hiện tượng lụt hàng năm không gây tác hại lớn, nếu con người biết nắm bắt quy luật. Còn vùng biển cũng khá hiền hòa, năm thì mười họa mới gây nên bão dữ.

Ở đất này, theo nhà văn Sơn Nam: “Nếu con người biết xử lý khôn khéo thì lần hồi họ sẽ có lúa, có cá đồng, cá biển, cây củi, vườn cây trái hoa màu, gió sẽ mát hơn, nắng bớt oi bức, mưa bớt lầy lội...”. Nhìn chung, đó sẽ là vùng “đất hứa” đáng sống.

Hoa – trái - du lịch nhiều triển vọng

ĐBSCL hiện đóng góp hơn 50% diện tích lúa của cả nước, 54% sản lượng gạo ở Việt Nam, 90% sản lượng gạo xuất khẩu từ những tỉnh có sản lượng lớn trên dưới 2 triệu tấn/năm, như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang và Long An…

Nhiều vùng cây trái đặc sản có giá trị xuất khẩu cao, như Chợ Lách, Mỏ Cày, Châu Thành (Bến Tre) Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành (Tiền Giang), Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung (Đồng Tháp), Long Hồ, Bình Minh (Vĩnh Long), Phong Điền, Thốt Nốt (Cần Thơ), Châu Thành, Long Mỹ (Hậu Giang) và Cù Lao Dung (Sóc Trăng).

Kinh tế thủ công, dịch vụ cũng có bước phát triển thu hút nhiều công ăn việc làm cho người dân trong vùng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhiều vùng hoa kiểng cũng mang lại nguồn lợi xuất khẩu từ các nước Đông Nam Á, như kiểng hình, kiểng thú, bonsai của làng hoa kiểng Cái Mơn, Sa Đéc, Tân Phong, Bà Bộ tại các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ.

Cùng với đặc sản trái cây, hoa kiểng là sản lượng thủy sản nuôi trồng và đánh bắt cá, tôm, cua, mực, nghêu, sò… tại các tỉnh biển Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang. Tây Nam Bộ đóng góp trên 71% diện tích nuôi trồng thủy sản và 54% sản lượng thủy sản của cả nước.

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng: Với tiềm năng và lợi thế rất lớn, nhưng bao năm qua, du lịch ĐBSCL luôn bị đánh giá là tụt hậu, kém phát triển nhất trong 7 vùng du lịch của cả nước. Những hạn chế về cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống lưu trú, chất lượng nguồn nhân lực và tư duy, định hướng phát triển du lịch là những lực cản cho sự phát triển du lịch vùng.

Nhận định về thế mạnh nông nghiệp tỉnh An Giang, TS. Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh khái quát: Hàng năm tỉnh sản xuất khoảng 625.000 ha lúa, hơn 54.700 ha rau màu các loại, 18.000 ha cây ăn trái và nuôi thủy sản với sản lượng khoảng 532.000 tấn/năm. Hầu hết được khuyến khích sản xuất theo hướng liên kết, ứng dụng các mô hình VietGAP, công nghệ cao để nâng chất lượng và giá trị sản phẩm.

Kinh tế thủ công, dịch vụ cũng có bước phát triển thu hút nhiều công ăn việc làm cho người dân trong vùng, như: làng gốm ở Vĩnh Long: Mang Thít, TP. Vĩnh Long, làng nghề sản phẩm tre, dừa ở Bến Tre: Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú; làng mộc, chạm khắc gỗ, thủ thờ… ở Chợ Thủ - Chợ Mới, Gò Công…; làng chiếu Tân Thành (Cà Mau), Long Định (Tiền Giang), Nhơn Thạnh (Bến Tre)…

Bên cạnh là những sản phẩm ẩm thực địa phương nổi tiếng từ lâu đời, như: bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc (Giồng Trôm), kẹo mứt Bến Tre, bánh Pía Vũng Thơm, lạp xưởng Sóc Trăng, khô Cà Mau, mắm Châu Đốc, nem Lai Vung, “nước mắt quê hương”: rượu Gò Đen (Bến Lức), Phú Lễ (Bến Tre), Xuân Thạnh (Trà Vinh)…

Đề cập tới ưu thế làng nghề tiểu thủ công, TS. Huỳnh Công Tín, Trung tâm Văn hóa học Lí luận và Ứng dụng, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG - TP. HCM, đã từng có những nhận xét triển vọng cho sự phát triển Hội thảo làng nghề truyền thống và phát triển du lịch tại Bến Tre như sau: Chỉ tính từng năm, trên bình diện du lịch, các làng nghề đã thu hút trên 100 ngàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Sản phẩm mây, tre, lá buông, gốm sứ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Anh, Pháp và các nước khác trong khu vực đã lên đến cả trăm ngàn USD.

Ngoài ra, hoạt động du lịch trong những năm gần đây cũng có nhiều khởi sắc. Mỗi tỉnh, thành cũng có trên 10 điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tiêu biểu như: du lịch chợ nổi tại Cái Răng (Cần Thơ), Trà Ôn (Vĩnh Long), Phụng Hiệp (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng).

Du lịch sinh thái ở Đồng Tháp: vườn Quốc gia Tràm Chim, làng hoa Sa Đéc, khu di tích Xẻo Quýt, Gáo Giồng…Du lịch đảo biển ở Kiên Giang: Hà Tiên, Phú Quốc, Hòn Tre, Hòn Phụ Tử, Đảo Nam Du, Hải Tặc, Bà Lụa.

Dù du lịch trong những năm gần đây có những khởi sắc riêng của vùng, nhưng qua nhận định so sánh chung với cả nước, du lịch ĐBSCL vẫn còn là điểm yếu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tham quan những ngôi nhà cổ nổi tiếng của các đại phú, dân cậu của vùng, như: Nhà công tử Bạc Liêu của Hội đồng Trạch, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Sa Đéc), nhà đại điền Huỳnh Phủ (Thạnh Phú).

Du lịch đình chùa đặc thù của vùng sông nước, như: đình thờ các Thành hoàng bổn cảnh: Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh (Châu Đốc), đình thần (Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá), Thủ Khoa Huân (Mỹ Tho), cụm chùa Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang… và hàng trăm làng du lịch, khu sinh thái, Homestay được mở ra đón du khách thạp phương trong, ngoài nước những năm gần đây.

Dù du lịch trong những năm gần đây có những khởi sắc riêng của vùng, nhưng qua nhận định so sánh chung với cả nước, du lịch ĐBSCL vẫn còn là điểm yếu.

Vẫn là vùng trũng trong phát triển kinh tế

Có thể nói các hoạt động kinh tế tại ĐBSCL, nhìn chung mang lại thu nhập rất thấp cho người dân. Về kinh tế ruộng ở ĐBSCL, bình quân mỗi hộ gia đình trong vùng chỉ có từ 1-2 ha. Với tỷ suất lợi nhuận từ trồng lúa chỉ ở mức bình quân 30% so với tổng thu, năm nào giá tăng cao thì lợi nhuận cũng chỉ ở mức hơn 40%.

Như vậy, mỗi hộ gia đình cũng chỉ có thu nhập khoảng 40 đến 60 triệu đồng/năm từ nghề trồng lúa. Với một gia đình trẻ 4 nhân khẩu thì chi ra bình quân đầu người cũng chỉ quanh quẩn ở mức 1 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này quá thấp so với nhu cầu sống hiện nay, chưa nói đến bao nhiêu thứ phải chi tiêu như con cái học hành, bệnh tật, đám tiệc. Rồi còn phải tích lũy cho phát triển, xây dựng nhà cửa.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết: Toàn huyện Gò Quao có trên 38 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp, năm 2020 giá trị sản xuất nông nông thủy sản ước đạt hơn 6.952 tỷ. Như vậy, tính ra giá trị bình quân/ha đất nông nghiệp của huyện đạt khoảng 182 triệu đồng/năm. Số hộ nông nghiệp trên địa bàn huyện là ngần 22 ngàn hộ, tính ra thu nhập trên đầu hộ là hơn 300 triệu đồng/năm.

Đó là con số tổng doanh thu trên đầu hộ, còn tính theo mức lợi nhuận trung bình trong sản xuất nông nghiệp là 30% thì mỗi hộ cũng chỉ có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

ĐBSCL hiện đóng góp hơn 50% diện tích lúa của cả nước, 54% sản lượng gạo ở Việt Nam, 90% sản lượng gạo xuất khẩu từ những tỉnh có sản lượng lớn trên dưới 2 triệu tấn/năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Về kinh tế thủy sản, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu đánh giá: Đối với những hộ dân làm ruộng thì 1 ha lúa mỗi năm làm 3 vụ thu về lợi nhuận tối đa khoảng 100 triệu đồng. Trong khi đó, đối với 1 ha tôm nuôi quảng canh hay tôm - lúa thông thường thì lợi nhuận cũng hơn 200 tiệu đồng.

Gia đình có 4 người thì mỗi người được hơn 50 triệu đồng/năm, trên 4 triệu đồng/người/tháng, đây được xem là mức sống trung bình tại vùng nông thôn hiện nay. Tuy nhiên, không phải nuôi tôm vụ nào cũng trúng mùa, cũng được giá, có những năm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhiều hộ nuôi tôm trắng tay liên tiếp.

Anh Nguyễn Văn Linh, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu) dẫn chứng: Gia đình có 1 ha lúa – tôm, thu nhập trung bình khoảng 150 triệu đồng/năm. Gia đình 4 người, 2 vợ chồng và 2 đứa con, tính trung bình mỗi người chỉ có trên 3 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, 2 đứa con nhỏ, đứa lớn mới học lớp 4, đứa còn lại đang học mẫu giáo phải tốn rất nhiều chi phí.

Về kinh tế vườn, tỉnh Vĩnh Long là địa phương có diện tích cây ăn quả vào top đầu ĐBSCL. Năm 2020 đạt trên 60.300 ha, sản lượng thu hoạch đạt 705.580 tấn. Ông Lê văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu đạt giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân từ 2-2,5%/năm, giá trị sản xuất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên 1 ha diện tích canh tác năm 2025 đạt 280 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, kinh tế vườn những năm gần đây gặp rất nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu.

THẠCH THẢO – CHÁNH VŨ – LINH ĐẢM

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bai-2-nen-kinh-te-nong-nghiep-chua-du-suc-giu-chan-nguoi-dan-d285626.html