Nên hay không việc buộc Facebook, Google... đặt máy chủ tại Việt Nam?

Thảo luận về dự án Luật an ninh mạng ngày 23/11, quy định buộc các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng ở Việt Nam là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An).

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng việc các doanh nghiệp đã kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam thì phải bình đẳng như các doanh nghiệp khác.

"Chúng ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ dữ liệu, vì máy chủ dữ liệu cung cấp cho nhiều quốc gia chứ không riêng gì cho một nước cụ thể", đại biểu Cầu nói.

Theo đại biểu Cầu, yêu cầu này đã được 14 nước trên thế giới như Mỹ, Nga, Úc, Canada, Columbia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonexia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ... thực hiện. "Vì sao các nước đó làm được, Việt Nam lại không làm được?", ông Cầu nói.

Lý giải cho câu hỏi này, ông Cầu cho biết nhiều người cho rằng các nước có công nghệ phát triển nên họ dùng công nghệ để chống lại công nghệ. Nhưng dùng công nghệ để chống lại công nghệ thực chất đã tạo ra rào cản để chống lại các thông tin độc hại.

Cũng theo đại biểu Cầu, môi trường thông tin mạng không khác gì môi trường xã hội, có cái tốt và cũng nhiều cái xấu làm băng hoại tư tưởng, làm sai lệch nhận thức, dẫn đến những hành vi sai trái của con người.

"Điều nghịch lý ở đây là hành vi tấn công nguy hiểm như vậy mà người bị tấn công vẫn phải trả tiền cho nhà mạng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thu lợi nhuận rất cao, trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước của chúng ta lại không quản lý được thu nhập, làm thất thoát một lượng tiền lớn của nhà nước", ông Cầu nói và cho rằng nhiệm vụ của nhà nước phải quản lý loại trừ bớt các thông tin độc hại cho người dùng và phải chống thất thu thuế của nhà nước.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng dự thảo luật quy định nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là trái với cam kết Tổ chức thương mại thế giới và Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam của Việt Nam.

Bà Thúy cho biết, trong cam kết Tổ chức thương mại thế giới, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam và cam kết trong Hiệp định tự do EU - Việt Nam cũng tương tự.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết ông ủng hộ đại biểu Thúy về quan điểm nói trên. "Chúng ta có thể bắt ép các công ty đa quốc gia đặt máy chủ tại Việt Nam, nhưng tôi xin đặt lại vấn đề là nếu chúng ta bắt người ta đặt máy đấy nhưng người ta không sử dụng, hay sử dụng những công nghệ đám mây thì chúng ta làm gì được", đại biểu băn khoăn.

Theo đại biểu này, nếu chúng ta quản lý cứng nhắc hiệu quả không được bao nhiêu, nhưng hình ảnh hội nhập sáng tạo của Việt Nam trên thế giới chắc chắn bị ảnh hưởng.

"Tôi cũng mong các đại biểu Quốc hội đừng thấy những con số hàng trăm triệu USD quảng cáo mà không thu được thuế là chúng ta đã bị mất hoàn toàn. Vì những quảng cáo ấy, những thông tin bổ ích mà hàng ngày mạng xã hội mang lại là một bộ phận rất quan trọng trong sự phát triển của kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống xã hội, dân trí của người dân Việt Nam, góp phần xây dựng một Chính phủ sáng tạo, hành động và liêm chính", đại biểu Hiếu nói.

Theo đại biểu này, với 80 triệu tài khoản Facebook và 50 triệu thuê bao internet, Việt Nam là một trong 7 quốc gia có tốc độ phát triển internet, mạng xã hội nhanh nhất thế giới.

"Để đảm bảo môi trường phát triển dân chủ nhưng vẫn bảo đảm an ninh quốc gia, rất cần thiết phải xem xét kỹ lưỡng, cẩn trọng trước khi đề ra điều luật để quản lý lĩnh vực hết sức nhạy cảm này", đại biểu Hiếu nhấn mạnh.

Nhiều vụ án "tịt" vì không được nhà mạng cung cấp thông tin

Tranh luận lại ý kiến của đại biểu Thúy và đại biểu Hiếu, ông Nguyễn Hữu Cầu cho biết một nguyên thủ quốc gia đã từng khuyến cáo chúng ta rằng trong tương lai ai làm chủ nắm được Internet thì người đó sẽ thắng, ai lúng túng sẽ thất bại.

"Thực tại hiện nay Việt Nam chúng ta đang còn lúng túng trong vấn đề quản lý internet như nhiều đại biểu đã phân tích", ông Cầu nói.

Đại biểu Cầu cũng cho phản biện ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng chúng ta có thể phạt nặng đến 5.000 hoặc thậm chí 50.000 USD cho những thông tin sai sự thật.

"Trong thực tế chúng tôi là những người làm án, khi các đối tượng phạm tội dùng địa chỉ IP ở nước ngoài tấn công, lừa đảo thì chúng ta không biết họ là ai, yêu cầu nhà mạng cung cấp, họ không cung cấp, như vậy chúng ta tịt toàn bộ vụ án", ông Cầu nói.

Vấn đề thứ hai theo đại biểu Cầu, chúng ta không có một luật ra đời để làm cơ sở pháp lý cho Chính phủ ra một nghị định để ban hành vấn đề xử phạt chúng ta lấy gì để chúng ta ban hành nghị định.

"Luật này có ra đời thì trên cơ sở này nghị định của Chính phủ mới ra đời để xử phạt tất cả những lĩnh vực liên quan đến vấn đề an ninh mạng", ông Cầu nói.

Cũng theo đại biểu này, Luật Tố tụng hình sự đã quy định rất rõ, nếu chúng ta không có Luật An ninh mạng với tư cách đặt cả ở nước ngoài thì chúng ta làm sao truy cho cùng các dữ liệu và thư điện tử trên đất nước chúng ta.

N.MẠNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/nen-hay-khong-viec-buoc-facebook-google-dat-may-chu-tai-viet-nam-3421849.html