Nên hay không nên cho phạm nhân ra ngoài trại giam tham gia lao động sản xuất

Chiều 22/5, Quốc hội tiến hành tiếp thu ý kiến đại biểu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Nghị trường nóng lên với nhiều ý kiến tranh luận trái chiều quanh vấn đề nên hay không nên cho hàng chục ngàn phạm nhân ra ngoài trại giam tham gia lao động sản xuất.

Mục đích hình phạt tù là trừng trị và giáo dục người phạm tội

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, ông Trần Văn Mão cho rằng việc phạm nhân chấp hành hình phạt tù phải bảo đảm mục đích hình phạt là trừng trị và giáo dục người phạm tội. Đối với phạm nhân, việc giáo dục phạm nhân được thông qua nhiều hình thức, trong đó tổ chức cho phạm nhân lao động. Như vậy, lao động của phạm nhân là một biện pháp giáo dục chứ không nhằm tạo ra cơ sở vật chất để phục vụ đời sống của phạm nhân.

Đại biểu Trần Văn Mão, đặc biệt quan tâm tới công tác bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự khi để phạm nhân ra ngoài lao động. Theo ông, tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam các năm qua tuy có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp.

Khi tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài khu vực trại giam, vấn đề bảo đảm an ninh trật tự, phòng ngừa phạm nhân mang vật cấm hoặc thậm chí là cả ma túy, điện thoại di động và các hành vi vi phạm khác là hết sức cần thiết.

Còn theo Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) thì Bộ luật hình sự quy định người bị phạt tù phải chấp hành hình phạt tù tại cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập. Các trại giam hiện nay thường cách rất xa khu dân cư nên tổ chức lao động ngoài trại giam cần nghiên cứu thêm các vấn đề như thời gian đi lao động bao lâu? Nếu thời gian lao động kéo dài thì việc học tập, cải tạo của phạm nhân sẽ ra sao? Điều kiện đảm bảo an ninh trật tự nơi sản xuất của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mà phạm nhân sẽ đến lao động. Ông đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm những vấn đề này.

Nhiều đại biểu lo lắng về vấn đề an ninh trật tự khi phạm nhân ra ngoài xã hội lao động

Nhiều đại biểu lo lắng về vấn đề an ninh trật tự khi phạm nhân ra ngoài xã hội lao động

Cùng quan điểm đó, nhưng đại biểu Lý Tiết Hạnh tỉnh Bình Định lại nhấn mạnh vấn đề quy định rõ trách nhiệm của người quản lý cũng như trách nhiệm của người sử dụng lao động trong các quy định của luật để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả và tránh sự lạm dụng.

Đại biểu tỉnh Bình Định cho rằng phạm nhân khi được xem xét đưa ra ngoài lao động thì phạm nhân đó so với các phạm nhân khác rõ ràng có đặc quyền hơn, có nhiều quyền lợi hơn, đặc biệt là việc xem xét trong quá trình thi hành án, đánh giá, khen thưởng, đồng thời quy định phạm nhân được hưởng tiền từ thành quả lao động. Ông rất lo lắng và các cử tri cũng quan ngại có thể dự thảo Luật sửa đổi sẽ bị xuyên tạc nếu có vấn đề gì xảy ra, làm sai đi bản chất của việc phạm nhân tham gia lao động ngoài trại giam.

Cần tận dụng hàng chục ngàn lao động

Đại biểu Phạm Đình Cúc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có quan điểm có thể tổ chức sản xuất ở điểm lao động ngoài trại giam. Ông cho rằng, nếu làm tốt điều này, chúng ta sẽ tận dụng được hàng chục ngàn lao động để đưa vào sản xuất và làm ra của cải vật chất, góp phần xây dựng lại các cơ sở giam giữ, trại giam.

Tuy nhiên, với cương vị là Viện trưởng VKSND tỉnh, ông hiểu rõ có nhiều phạm nhân rất ăn năn, hối cải, quyết tâm cải tạo để trở về sớm hòa nhập cộng đồng, nhưng có nhiều phạm nhân tìm mọi cách chống đối nên việc quản lý các đối tượng này trong trại giam đã khó, quản lý ngoài trại giam càng khó khăn hơn. Do vậy, đề nghị quy định chặt chẽ, không để trốn, không để xảy ra bạo loạn ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực nơi sản xuất, nơi lân cận.

Viện trưởng VKSND tỉnh, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Cúc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho ý kiến tại phiên thảo luận chiều 22/5

Đại biểu Phạm Đình Cúc tiếp tục góp ý về sử dụng kết quả lao động. Theo ông, nên quy định rõ phần công lao động của phạm nhân là bao nhiêu vì vấn đề này vừa để động viên phạm nhân, vừa tạo tâm lý phấn khởi để phạm nhân tích cực lao động sản xuất tốt hơn, yên tâm cải tạo sớm trở về với cộng đồng.

Tuy nhiên, cần phải làm rõ ngoài việc cơ quan quản lý thi hành án cấp trên của trại giam thì cơ quan nào có quyền kiểm soát nguồn này? Việc quản lý này có bị các cơ quan khác thanh tra, kiểm tra theo quy định pháp luật không và cơ quan kiểm soát việc chấp hành án hình sự có được kiểm soát toàn bộ phần quỹ này không? Kết quả lao động này có phải đóng thuế theo quy định pháp luật không?

Cùng quan điểm với Viện trưởng VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Thủy, tỉnh Bắc Kạn trấn an sự lo lắng về an ninh trật tự đối với phạm nhân ra ngoài trại lao động theo hình thức liên kết với các doanh nghiệp. Theo bà, gần đây Bộ Công an đã tổ chức thí điểm cho phạm nhân lao động ngoài trại giam thì trong 7.000 phạm nhân lao động chỉ có một phạm nhân bỏ trốn. Quan điểm của Đại biểu tỉnh Bắc Kạn là vấn đề lưu ý an ninh trật tự là cần thiết nhưng không vì e ngại mà chúng ta bỏ đi cơ hội và nhu cầu chính đáng của phạm nhân được cải tạo thông qua lao động.

Bà Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, lao động không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền, là nhu cầu của phạm nhân. Việc cải tạo phạm nhân thông qua lao động đã được thực tế chứng minh là biện pháp hiệu quả và bền vững nhất.

Điều này cũng phù hợp với các Công ước Quốc tế về quyền con người, với các nước khác. Các nước phát triển như Anh, Thụy Sỹ cũng quy định cho phép kết hợp với doanh nghiệp để tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam. Do đó, trách nhiệm của nhà nước là phải tổ chức cho phạm nhân lao động và phải bảo đảm việc lao động được an toàn.

Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) là một dự án luật lớn gồm 16 chương, 209 điều, đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Dự án Luật đã được trình Quốc hội xin ý kiến ở kỳ họp thứ 6, dự thảo luật lần này đã rút gọn nội dung và cơ cấu điều luật từ 232 điều xuống còn 209 điều.

Minh Tú

Nguồn Kiểm Sát: https://kiemsat.vn/nen-hay-khong-nen-cho-pham-nhan-ra-ngoai-trai-giam-tham-gia-lao-dong-san-xuat-52401.html