Nền hành chính hiệu quả phải gắn với chế tài, trách nhiệm cụ thể của công chức

Ban soạn thảo Dự án Luật Hành chính công vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự án luật này. Đa số ý kiến đề nghị sử dụng tên luật là Luật Hành chính công để phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị đổi tên là Luật Hoạt động hành chính công để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật.

Từ thực tiễn quản lý Nhà nước ở địa phương, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho hay, mỗi địa phương có đặc thù khác nhau, nên cũng có nhiều mô hình hành chính công khác nhau. Có nơi quy định trung tâm hành chính công của tỉnh do Sở Nội vụ quản lý, có nơi do Văn phòng UBND tỉnh quản lý và có nơi lại trực thuộc luôn UBND tỉnh. Hiệu quả mỗi nơi cũng khác nhau, nhưng từng bước được đánh giá hiệu quả. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình mong luật sớm được ban hành để điều hành công tác hành chính ở địa phương đạt kết quả tốt.

Cũng theo ông Chương, thực tế có TTHC được quy định rất rõ ràng về thời gian giải quyết, thành phần hồ sơ… nhưng lại có những TTHC vẫn chưa thể công khai, mỗi địa phương, Bộ, ngành lại có quy định riêng. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu đưa vào dự thảo Luật này để làm sao khi có Luật Hành chính công thì các TTHC công phải thống nhất, thực hiện dễ dàng.

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng, các TTHC công cần được quy định thống nhất, dễ thực hiện. Ảnh: P.Thảo

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng, các TTHC công cần được quy định thống nhất, dễ thực hiện. Ảnh: P.Thảo

Phó GĐ Sở Nội vụ Hà Nội – ông Nguyễn Chí Đoàn lại đề nghị bổ sung vào Dự thảo quy định về “thủ tục dịch vụ công” để phân biệt với thủ tục hành chính (dịch vụ hành chính công), làm cơ sở để kiểm soát thủ tục dịch vụ công và tổ chức triển khai cung ứng dịch vụ công.

Theo ông Đoàn, hiện nay, việc kiểm soát TTHC và tổ chức giải quyết các TTHC đã được quy định chặt chẽ, cụ thể tại các văn bản, tuy nhiên, hệ thống văn bản về kiểm soát thủ tục do các đơn vị sự nghiệp công, doanh nghiệp, HTX cung ứng dịch vụ công ích chưa có mô hình, cơ chế cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị này.

“Trên thực tế, hàng ngày, hàng giờ, trên cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng đang diễn ra hàng triệu giao dịch cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích (giáo dục, y tế, nước sạch, môi trường, thể thao, du lịch...) cần có sự kiểm soát trong quá trình rà soát, công khai dịch vụ, tổ chức cung ứng dịch vụ”, Phó GĐ Sở Nội vụ Hà Nội nói.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Chí Đoàn cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc và các hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện TTHC như nguyên tắc về việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện không quá một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ tại một cơ quan, công khai kết quả giải quyết hồ sơ, cấm việc yêu cầu bổ sung thành phần hồ sơ ngoài quy định…

“Nền hành chính của chúng ta là nền hành chính lạ lùng, không phụ thuộc nhiều vào các quy định của pháp luật mà phụ thuộc nhiều vào ý chí và quyết liệt của người lãnh đạo và chế tài”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó GĐ Sở Tư pháp Vĩnh Phúc nói.

Ông Nguyễn Tuấn Anh dẫn chứng: “Chỉ cần một câu nói của Thủ tướng thôi thì ngày hôm sau Bộ Công thương trình giảm ngay các TTHC. Hay như vụ việc “cà phê pin”, cần gì đến mức Thủ tướng yêu cầu xem xét để khởi tố, mà VKS huyện, CA huyện hoàn toàn có thể làm việc này. Vậy, chúng ta có pháp luật không? Có chứ, vậy tại sao không làm mà để đến khi Thủ tướng chỉ đạo mới làm”.

Đáng quan tâm, Phó GĐ Sở Tư pháp Vĩnh Phúc cho rằng: “TTHC liên quan đến lợi ích, nên rất nhiều người muốn càng có nhiều thủ tục càng tốt. Bởi có thủ tục là có lợi ích”. Còn TTHC thực hiện có tốt hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đó là trách nhiệm, trình độ của cán bộ, công chức, mà muốn có trách nhiệm, phải có chế tài phù hợp.

Góp ý cụ thể vào Điều 39 Dự thảo, ông Tuấn Anh cho rằng, các hình thức kỷ luật vi phạm trong Điều 39 chưa cụ thể nên chưa có tính răn đe trong khi quan trọng nhất cho nền hành chính hiệu quả là phải có chế tài, trách nhiệm của cán bộ, công chức cụ thể.

Ông Vũ Tiến Tuấn, Sở Nội vụ Ninh Bình cho rằng, quản lý hành chính Nhà nước ở địa phương là vấn đề quan tâm không chỉ của cán bộ công chức mà cả người dân - đối tượng thụ hưởng hiệu quả của nền hành chính.

Theo ông Tuấn, quy định cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết TTHC có trách nhiệm từ chối giải quyết TTHC cho người thân thích của mình là không hợp lý, không nên quy định là “từ chối” mà yêu cầu phải giải quyết TTHC đảm bảo khách quan. “Khi người dân có yêu cầu thì người có thẩm quyền giải quyết căn cứ trên cơ sở các quy định của pháp luật, bất luận đó là mối quan hệ như thế nào, chứ không phải trên cơ sở yếu tố thân thích”, ông Tuấn nói.

Quan điểm này được ông Trần Đức Chính, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam đồng tình. Theo ông Chính, nếu từ chối giải quyết TTHC cho anh em họ hàng thì với trường hợp sai quy định pháp luật thôi, chứ nếu không thì người dân sẽ “chạy đi đâu” để làm thủ tục?

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nen-hanh-chinh-hieu-qua-phai-gan-voi-che-tai-trach-nhiem-cu-the-cua-cong-chuc-115207.html