Nên giảm giờ làm cho người lao động

Mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị giảm giờ làm trong khu vực doanh nghiệp (DN), giảm xuống còn 44 giờ/tuần, tức là người lao động (NLĐ) được nghỉ chiều thứ bảy và chủ nhật để tạo điều kiện cho họ chăm sóc gia đình, tái tạo sức khỏe...

Theo lý giải của Tổng LĐLĐ Việt Nam, giảm giờ làm việc trong tuần là xu hướng tiến bộ trên thế giới. Đây không phải là lần đầu Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị giảm giờ làm cho NLĐ.

Xã hội ngày càng phát triển thì xu thế giảm giờ làm cho NLĐ càng trở thành điều tất yếu và bức thiết. Lâu nay, có một bất hợp lý về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi diễn ra ở các DN. Đó là một bộ phận cán bộ, nhân viên, NLĐ làm việc gián tiếp chỉ làm 44 giờ, thậm chí 40 giờ/tuần. Trong khi đó, những công nhân trực tiếp thì làm việc quần quật ở một môi trường nắng nóng, khói bụi, nặng nhọc và độc hại đủ 48 giờ/tuần, thậm chí có khi phải tăng ca, làm cả ngày chủ nhật, cả tuần không có lấy 1 ngày nghỉ. Đáng lý họ phải là người được nghỉ ngơi nhiều hơn. Có thể có người cho rằng so sánh trên là khập khiễng. Tuy nhiên, có so sánh mới thấy được rằng NLĐ dù là đối tượng lao động trực tiếp hay gián tiếp đều cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý trong tuần nhằm để tái tạo sức khỏe sau một thời gian làm việc, đồng thời có thời gian dành cho gia đình, chăm sóc con cái. Thực tế tại một số DN cho thấy, khi có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ, NLĐ sẽ bắt đầu một tuần làm việc mới đầy hưng phấn, kéo theo đó là năng suất lao động sẽ tăng và tai nạn lao động cũng được hạn chế...

Số đông công nhân mong muốn giảm giờ làm để có thời gian chăm sóc gia đình Ảnh: AN KHÁNH

Số đông công nhân mong muốn giảm giờ làm để có thời gian chăm sóc gia đình Ảnh: AN KHÁNH

Do đó, đề xuất giảm giờ làm việc trong tuần của Tổng LĐLĐ Việt Nam đối với NLĐ trong các DN, đặc biệt là đối tượng lao động làm việc ở những môi trường nắng nóng, khói bụi, độc hại và nguy hiểm, rất được NLĐ quan tâm bởi đây chính là nguyện vọng của họ. Bản thân tôi cũng là NLĐ đang làm việc trong DN, tôi rất mong sửa đổi Bộ Luật Lao động lần này, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi sẽ được điều chỉnh một cách hợp lý và công bằng với tất cả đối tượng lao động. Cụ thể, cần quy định thời giờ làm việc trong tuần tối đa không quá 44 giờ đối với tất cả đối tượng lao động.

Nguyễn Đước (quận 5, TP HCM)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/nen-giam-gio-lam-cho-nguoi-lao-dong-20191108210717493.htm