Nền đua xe chuyên nghiệp tại Việt Nam trước cuộc chơi lớn

Giải đua Công thức 1 chính là một 'tượng đài vinh quang' của giới đua xe tốc độ trên toàn thế giới. Như một lẽ đương nhiên, để được tham gia giải đua danh giá này là một chặng đường dài đầy gian truân, vô vàn khó khăn, thách thức.

BWT Mercedes RP20 - mẫu xe đua được công bố tham gia giải đua F1 năm 2020

BWT Mercedes RP20 - mẫu xe đua được công bố tham gia giải đua F1 năm 2020

Điều gì làm nên một tay đua F1?

Nói về điểm xuất phát của hầu hết các tay đua chuyên nghiệp; có thể nói, đó chính là bộ môn Go-kart (hay còn gọi là Karting). Có thể kể đến những nhà vô địch thế giới như Ayrton Senna, Lewis Hamilton, Michael Schumacher, Sebastian Vettel, Kimi Räikkönen, Jules Bianchi, Mark Webber, …. đã bắt đầu từ đây.

Sở dĩ Go-kart được đánh giá là bước đầu “nhập môn” để đi đến định dạng Công thức 1 (F1) bởi hai bộ môn này có nhiều điểm tương đồng. Theo đó, Karting được coi là một dạng Đua Công thức 1 mini với những chiếc xe đua nhỏ, sử dụng động cơ 2 thì, giúp các tay đua học các kỹ năng cơ bản về điều khiển xe. Đáng nói, người học có thể bắt đầu từ rất sớm.

Cụ thể, giải đua Go-kart chuyên nghiệp hiện có 4 cấp bậc: Micromax (nhi đồng) từ 7-11 tuổi; Junior (tập sự) từ 12-15 tuổi; Senior (chuyên nghiệp) từ 16 trở lên; DD2 (master) ngoại hạng. Bên cạnh đó, với giá cả rẻ hơn, Karting cũng dễ tiếp cận hơn đối với mọi người so với các thể thức, định dạng khác.

Karting được coi là bước nhập môn của thể thao tốc độ

Sau Go-kart, các tay đua bắt đầu hướng đến những hạng đua cao hơn, hoặc những dòng xe lớn hơn. Thông thường, con đường chuẩn nhất ngay sau đó là chuyển lên Công thức 4 (F4) ở lứa tuổi 15 – 16. Nếu như F4 hiện đang giới hạn ở tầm giải quốc gia, thì các tay đua F4 tiềm năng lứa Junior có thể lựa chọn chuyển lên hạng cao hơn – đó là Công thức 3 (F3), để vươn lên tầm châu lục.

F3 được coi là tiền đề quan trọng để trui rèn các tay đua hướng tới giải đua F1 danh giá. Bởi lẽ, một tay đua thể hiện xuất sắc ở các giải F3 danh tiếng thường sẽ được chú ý bởi các đội đua F1. Tiếp đó, các tay đua F3 rất tài năng sẽ được tham gia vào các chương trình đào tạo nâng cao tay nghề, và thử sức ở các giải Công thức 2 (F2), GP2 trước khi thực chiến trên đường đua F1.

Theo tờ Raconteur, chuyên gia về F1 của hãng xe Mercedes - Toto Wolff ước tính “một người rất, rất tài năng muốn ghi danh vào thể thức đua F1, tính trung bình phải đầu tư khoảng 8 triệu euro (PV - khoảng 200 tỷ đồng) trong hàng chục năm”. Lộ trình tài chính cơ bản bao gồm: khoảng 1 triệu euro đầu tiên cho giai đoạn chuẩn bị của tay đua để học và tham gia các cuộc đua Go-Kart cấp cơ sở, quốc gia và quốc tế (thường bắt đầu từ rất sớm).

Tay đua có thể chuyển lên thể thức Formula 4 (F4) ở độ tuổi 15-16

Khi bắt đầu tham gia các giải F4 hoặc Formula Renault, từ đây mới bắt đầu tính năm đầu tiên tay đua này theo đuổi định dạng “formula”; chi phí cho mùa giải khoảng 350.000 euro. Năm thứ 2, tay đua sẽ phải chi trả 650.000 euro để tham gia mùa giải F3; năm thứ 4 là 1,5 triệu euro để tham gia F2 hay GP2. Nếu tay đua này thể hiện kỹ năng xuất sắc qua tất cả các chặng trên, thì đến năm thứ 5 có thể tham gia Giải đua F1, với chi phí khoảng 3 triệu euro.

Theo ông Toto, chi phí trên không thể cắt giảm thấp hơn nữa. Từ đó cho thấy, con đường tiến tới thể thức đua Công thức 1 rất tốn kém mà không phải tay đua nào cũng đủ kỹ thuật và tài chính để theo định dạng này tới cùng. Những tay đua rất có tiềm năng thường phải đồng hành với các nhà tài trợ.

Dù vậy, sự nghiệp đua xe của các tay đua sẽ không chấm dứt chỉ bởi vì họ không tham gia được F1. Các tay đua chuyên nghiệp vẫn có thể tiếp tục thể hiện kỹ năng ở các thể thức, giải đua khác cũng được theo dõi rất đông như “Touring”, “Sport Car Racing”/ “Grand Tourers” (GT) và Rally.

Cơ hội và thách thức

Năm 2019, bộ môn đua Go-kart đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ. Theo đó, sự xuất hiện của Giải đua GoKart Formula Racing Vietnam (FRV) 2019 – 2020 là giải đua Karting chuyên nghiệp đầu tiên trong nước. Dù vậy, đây mới chỉ là một số tín hiệu manh nha về tương lai của ngành đua xe chuyên nghiệp tại Việt Nam. Về xuất phát điểm, kể cả với bộ môn “nhập môn” Karting, Việt Nam cũng bắt đầu muộn hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới; ngay trong Đông Nam Á, cũng đi sau Thái Lan, Campuchia, Singapore và Maylaysia.

Phạm Hoàng Nam (Doug Phạm) hiện là tay đua Go-Kart trẻ tuổi nhất Việt Nam

Còn rất nhiều thách thức để phát triển bộ môn Karting nói riêng, và thể thao tốc độ nói chung. Giới tốc độ Việt Nam đánh giá, hiện nội địa chỉ có duy nhất trường đua Đại Nam (Bình Dương) được coi đạt đủ tiêu chuẩn để cung cấp những điều kiện cơ bản cho việc trải nghiệm và luyện tập Go-kart. Ngoài ra, xã hội người Việt còn rất nhiều định kiến về đua xe và các môn thể thao tốc độ. Phần lớn bố mẹ Việt sẽ không muốn cho con theo đuổi loại hình này.

Nhưng “hóc búa” nhất chính là vẫn chưa có hành lang pháp lý cho việc phát triển môn thể thao tốc độ với xe bốn bánh ở Việt Nam. Ví dụ, pháp luật Việt Nam hiện hành cấm người dưới 18 tuổi tham gia các giải đua xe; như vậy việc các tay đua tập luyện từ nhỏ để tiến đến con đường chuyên nghiệp cạnh tranh với các tay đua quốc tế là rất khó. Theo đó, việc thành lập các CLB đua xe ở bất kỳ định dạng nào đều rất khó khăn.

Quan trọng hơn hết, vẫn là những tay đua tài năng được “nuôi dưỡng” trong môi trường phù hợp mới có thể “trưởng thành”, đủ khả năng gánh vác được danh hiệu Việt Nam tại những giải đua tầm cỡ thế giới. Hiện trong làng đua xe, Doug Pham (Phạm Hoàng Nam) hiện đang được đánh giá là tay đua đầy tiềm năng, từ câu lạc bộ Go-Kart chuyên nghiệp TrippleX Karting.

Được biết, cậu bé bắt đầu học Karting từ năm 10 tuổi. Dù vậy, nếu so với các tay đua trên thế giới thì độ tuổi này cũng hơi muộn. Ví dụ, tay đua 7 lần đạt danh hiệu vô dịch thế giới Michael Schumacher đã bắt đầu học lái Go-Kart từ năm 4 tuổi.

Quả thực, nhìn về con đường phía trước của nền đua xe bốn bánh tại Việt Nam sẽ là một chặng đường dài, nhiều thách thức, khó khăn nhưng cũng nhiều cơ hội. Nên nhớ, sự kiện Việt Nam đăng cai một chặng trong giải đua F1 đã tạo nên một nguồn động lực rất lớn đối giới đua xe chuyên và không chuyên trong nước. Chúng ta có quyền hy vọng, trong tương lai, sẽ có tay đua Việt Nam ghi danh mình trên các “đấu trường tượng đài” của thế giới, trong đó có giải đua F1.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/cau-chuyen-phap-luat/nen-dua-xe-chuyen-nghiep-tai-viet-nam-truoc-cuoc-choi-lon-497003.html