Nên dẹp lễ hội bạo lực (*): Đừng sử dụng văn hóa, truyền thống làm bình phong!

Văn hóa, truyền thống luôn là những cụm từ được đưa ra giới thiệu cùng nhiều lễ hội tàn ác với động vật; bị lợi dụng làm bình phong cho những hành vi không còn phù hợp với xã hội văn minh

TRINH NGUYỄN, Tổ chức Động vật châu Á:

Vi phạm Luật Thú y

Ngày càng có nhiều lễ hội sử dụng động vật, nhất là mỗi dịp "hội Xuân". Có thể kể đến lễ hội chém lợn (làng Ném Thượng, tỉnh Bắc Ninh), lễ hội cầu trâu (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), lễ hội chọi trâu (xã Hải Lựu, tỉnh Vĩnh Phúc), lễ hội đền Đông Cuông (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái; mở đầu bằng lễ giết trâu tế Thánh Mẫu vào lúc nửa đêm)… Ngay đầu năm 2019, có thêm nhiều hình thức lễ hội động vật khác được tổ chức như hội đua lợn (xã Nga Liên, tỉnh Thanh Hóa); bắt lợn, bứt lông lợn cầu may (xã Hà Thạch, tỉnh Phú Thọ).

Kể từ năm 2015, các cơ quan quản lý nhà nước, từ Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đến Chính phủ đã vào cuộc và có nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm thay đổi và quản lý tốt hơn những lễ hội phản cảm, kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác, không còn phù hợp với xã hội văn minh. Những nghị định, thông tư, quy định của các cơ quan có thẩm quyền đã góp phần tạo ra những thay đổi tích cực hơn: không còn cảnh treo cổ trâu, đập đầu trâu hay chém lợn công khai giữa sân đình; nhiều địa phương đã bỏ tục đâm trâu, nhiều đề xuất xin tổ chức lễ hội chọi trâu bị bác bỏ… Tuy nhiên, những thay đổi này mới chỉ về mặt quản lý, còn thực tế người ta vẫn chọc tiết, giết thịt những "con trâu là đầu cơ nghiệp" hay những "ông Ỉn" trong chỗ kín (sau khi vẫn bị rước đi quanh làng) và những con vật sau khi đấu đá nhau tới sứt đầu mẻ trán, dù thắng hay thua đều bị tàn sát tập thể (tại các lễ hội chọi trâu, đua lợn…).

Trâu sau khi tham gia lễ hội chọi trâu bị xẻ thịt bán Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Trâu sau khi tham gia lễ hội chọi trâu bị xẻ thịt bán Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Nếu xét về tính hiệu quả của các quy định, các nghị định, rõ ràng rất nhiều lễ hội có sử dụng động vật hiện tại đều cần phải bị thay thế hoặc không được phép tổ chức. Mặc dù hiện tại chưa có quy định cụ thể về chế tài xử phạt cho những hành động vi phạm nhưng các hình thức sử dụng động vật tại các lễ hội đều vi phạm điều 21 Luật Thú y 2016 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) khi khiến động vật phải chịu đau đớn, sợ hãi... trong nhiều khâu, từ vận chuyển, giết mổ, sử dụng (đấu chọi).

"Văn hóa", "truyền thống" luôn là những cụm từ được đưa ra giới thiệu cùng nhiều lễ hội tàn ác với động vật nhưng rõ ràng, văn hóa và truyền thống đang bị lợi dụng làm bình phong cho những hành vi không còn phù hợp với xã hội văn minh. Ngoài ra, việc thể hiện văn hóa, truyền thống của dân tộc không nhất thiết phải được kỷ niệm bằng hay gắn với những hoạt động ngược đãi, bạo lực với động vật.

Việt Nam đang có rất nhiều nỗ lực trong việc thay đổi hình ảnh là một quốc gia góp phần đẩy nhiều loài động vật tới nguy cơ tuyệt chủng, cũng như đang đẩy mạnh quảng bá các vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa nhằm thu hút khách du lịch quốc tế để phát triển, hiện đại hóa đất nước. Những lễ hội tàn ác với động vật này không chỉ không phù hợp, không thể hiện đúng văn hóa, truyền thống của dân tộc, mà còn đang làm xấu đi hình ảnh quốc gia. Đã đến lúc thay đổi những điều này!

PGS-TS HUỲNH VĂN SƠN, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP HCM:

Cần quan tâm định hướng quản lý các lễ hội

Theo thống kê từ Bộ Y tế, những ngày nghỉ Tết, đã có hơn 5.000 người phải nhập viện do đánh nhau. Con số này đã tồn tại nhiều năm qua. Việc đánh nhau phản ánh một sự thật đằng sau hành vi: tính hung hăng.

Vì sao người ta đánh nhau trong những ngày Xuân khi đó là ngày của yêu thương, gắn kết, vui vẻ và hạnh phúc? Nhìn nhận một cách toàn cục để thấy việc đánh nhau này xuất phát từ nhận thức, thái độ và sự ứng xử của mỗi người. Có thể đó là kiểu phản ứng thiếu kiểm soát cảm xúc, thể hiện cái tôi không phù hợp... Thế nhưng, sâu thẳm của vấn đề chính là hung tính của con người đã bị đẩy lên không nhận thức, cung cách thể hiện mang dáng dấp của những gì thiếu văn minh còn sót lại…

Không thể trách xã hội công nghiệp với guồng quay liên tiếp và nhanh đến mức khó thích ứng. Không thể đổ lỗi cho người khác khi chính bản thân ta vẫn có thể chọn cách ứng xử trong tương tác người - người... Cũng không thể dồn ép mọi gánh nặng cho pháp luật. Tuy nhiên, chắc chắn một điều trong việc định hướng quản lý các lễ hội, cần quan tâm nhiều hơn đến hành vi ứng xử của con người. Sự chỉ đạo cụ thể của các cơ quan chức năng cũng như các nhà quản lý sẽ góp phần điều chỉnh hành vi chuẩn mực và sự ứng xử xã hội.

Lễ hội cần gắn với nhân văn và đó là thương yêu chính mình, người thân, dòng tộc và cả người khác. Dòng người có thể đông nhưng những ngã rẽ dù thư giãn, nghỉ ngơi hay tham gia lễ hội cộng đồng hoặc dù về quê cha đất Tổ; dù du lịch xứ xa... vẫn hiểu rằng nhân văn là điểm tựa. Đó là lối ứng xử thương chính mình, quý người khác để có thể sống Xuân hơn. Lối sống ấy cần được tôn vinh, khai thác...

Thạc sĩ BÙI VIỆT THÀNH, Khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQG TP HCM:

Cả xã hội phải cùng thay đổi nhận thức

Có thể nói lễ hội mang tính bạo lực, đẫm máu không thiếu trên thế giới. Tuy nhiên, khi nền văn minh phát triển, những lễ hội kiểu này dần bị tẩy chay. Tất cả hoạt động liên quan đến bạo lực và máu dần thay đổi hoặc bỏ đi nhằm tìm kiếm các giá trị cố kết cộng đồng. Điều chung nhất, lễ hội là hoạt động chung của cộng đồng. Một khi loại bỏ các hình ảnh bạo lực nhằm tránh tác động xấu đến cộng đồng thì lễ hội không mất đi tính truyền thống, trái lại vẫn thực hiện đầy đủ các nghi thức và kéo thêm được nhiều người tham gia. Bởi họ được hướng đến tính nhân văn, nơi "phúc lành do con người mà ra", chứ không phải do thánh thần nào ban thưởng cho họ, hay những tranh đoạt mang tính bạo lực mà có.

Bản chất lễ hội chính là sự cố kết cộng đồng sau một năm lao động, mưu sinh và cả người xa xứ tìm về, nên lễ hội là dịp để các cá nhân gặp mặt, gắn kết. Lễ Kỳ yên tại các đình làng chẳng hạn, là dịp mọi người dân trong làng tìm về, thắp hương tưởng nhớ những người dựng làng, nhớ ơn ông bà cha mẹ, cầu mong sự an lành và sau đó là hoạt động giải trí gắn kết một cách nhẹ nhàng.

Văn hóa lễ hội về bản chất của nó mang tính động, tức là có thể thay đổi một cách mềm dẻo, đó là cách xã hội văn minh ứng xử với truyền thống. Những lễ hội mang tính bạo lực, đẫm máu sẽ phải thay đổi bằng hình thức phù hợp, chẳng hạn thay con dê sống bằng hình nộm như cách ở Tây Ban Nha đã làm. Lúc đó, các đơn vị tổ chức buộc phải tìm cách thay đổi nhằm duy trì hoạt động lễ hội mang tính truyền thống. Thay vì chém lợn sống thì có thể bằng một mô hình mà không làm mất đi bản chất của lễ hội chém lợn. Dĩ nhiên, để thành công cho việc thay đổi các hình ảnh bạo lực, đẫm máu thì xã hội cùng chung tay chứ không phải các cá nhân đơn lẻ hay chỉ là việc của chính quyền.

Một số quy định tổ chức lễ hội

Điều 4 Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22-12-2015 yêu cầu về nội dung lễ hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có quy định: Nghi lễ được tiến hành trang trọng, trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp. Theo đó, không tổ chức các lễ hội có nội dung: Kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động trong đó thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam. Cụ thể: Mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị; mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; mô tả các hành động tội ác khác.

Điều 5 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29-8-2018 quy định về nguyên tắc tổ chức lễ hội, theo đó: "Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam" (điều 5.3); "Giáo dục định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân".

Tr.Nguyễn

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-2

Phạm Dũng ghi

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/nen-dep-le-hoi-bao-luc-dung-su-dung-van-hoa-truyen-thong-lam-binh-phong-20190215215654431.htm