Nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam: Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế

Ngày 28/4, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam và Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ đã tổ chức hội thảo trực tuyến quốc tế về điện ảnh Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo "Nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam: Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế".

Các đại biểu tham dự hội thảo "Nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam: Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế".

Ngày 28/4, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA), Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) đã chủ trì, phối hợp với Viện Ngôn ngữ - Quốc tế học (ILACS) thuộc Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) và Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam – Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế”.

Đây là lần đầu tiên một cuộc hội thảo trực tuyến quốc tế về điện ảnh Việt Nam do VDFA và MPA đồng tổ chức. MPA là Hiệp hội thương mại đại diện cho 6 hãng phim lớn ở Hollywood (Paramount Pictures, Sony Pictures, Universal Pictures, Walt Disney Studios, Warner Bros và Netflix).

Sự kiện có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, điện ảnh, cơ quan hợp tác văn hóa quốc tế, các chuyên gia, nhà làm phim trong nước và quốc tế.

Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) Ngô Phương Lan chia sẻ: "Từ trước đến nay ở Việt Nam thường quan niệm điện ảnh chỉ là một ngành nghệ thuật, chỉ là tác phẩm mà thôi. Chúng ta quan tâm đến điện ảnh và muốn phát triển thì phải quan tâm đầy đủ, có nghĩa điện ảnh là ngành kinh tế, là ngành công nghiệp. Hội thảo hôm nay đi vào trọng tâm làm sao xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam vừa phát triển bền vững và hướng tới có sức cạnh tranh quốc tế".

Bà Ngô Phương Lan phát biểu khai mạc sự kiện.

Đại diện Film Group, Giám đốc, cố vấn Nelson Mok cho biết, để phim Việt Nam thành công ở nước ngoài, trước hết phải thành công trong nước. Để làm được điều này thì cần phải có sự quảng bá, có thể thông qua truyền thông nước ngoài.

Những thông tin về phòng chiếu ở Việt Nam cần xuất hiện để các nhà làm phim nước ngoài tiếp cận và hiểu được bầu không khí điện ảnh ở Việt Nam. Nhắc lại thành công của phim “Bố già” mới đây không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Sinpapore, ông Nelson Mok tin tưởng điện ảnh Việt Nam sẽ thành công hơn nữa trên thị trường quốc tế trong tương lai.

Tại hội thảo, các đại biểu lo lắng về vấn đề bản quyền tại Việt Nam khi nhiều bộ phim trước khi công chiếu đã bị phát lậu trên nền tảng internet, có bộ phim bị độc giả vô tư livestream khi đang chiếu rạp nhưng mức phạt lại quá nhẹ. Từ đó đại biểu đánh giá việc phát lậu có tác động rất mạnh đến nền điện ảnh và cả kinh tế khi bị mất thuế.

Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh Marie C. Damour tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Hiện nay, có nhiều trang web phát lậu và liên tục đổi tên miền để vi phạm bản quyền, những trang này có lượt truy cập lên đến cả trăm triệu view mỗi tháng. Để các nhà làm phim an tâm, nhiều nhà làm phim đề nghị cần phải có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn vấn nạn trên.

Hội thảo đã đưa ra những vấn đề mang lại lợi ích cho điện ảnh Việt Nam và các nhà làm phim quốc tế. Cụ thể như xây dựng năng lực sản xuất, cơ chế ưu đãi sản xuất để làm ra những bộ phim có tiếng vang lớn trong nước và quốc tế; tầm quan trọng của bản quyền và các giải pháp xử lý việc khai thác phim không có bản quyền; cách thức giải quyết những vấn đề còn tồn tại và góp phần xây dựng nền công nghiệp điện ảnh phát triển, an toàn và bền vững.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan cho rằng, công nghiệp điện ảnh Việt vẫn ở giai đoạn manh nha nhưng không thiếu tiềm năng, cần cởi bỏ khó khăn để thu hút nước ngoài. Nhân dịp Luật Điện ảnh sửa đổi, những ý kiến đóng góp sẽ rất cần thiết để cùng góp phần tạo ra một hành lang pháp lý cập nhật, minh bạch và giúp điện ảnh Việt ngày càng phát triển.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nen-cong-nghiep-dien-anh-viet-nam-phat-trien-ben-vung-va-mang-tinh-canh-tranh-quoc-te-143627.html