Nên công khai danh tính thí sinh, phụ huynh gian lận điểm thi?

Nhiều ý kiến cho rằng, cần điều tra về việc thí sinh và phụ huynh có hành vi hoặc biết hành vi gian lận hay không trước khi quyết định có công khai danh tính hay không.

Cơ quan công an đọc quyết định khởi tố với ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm. (Ảnh: TTXVN)

Cơ quan công an đọc quyết định khởi tố với ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm. (Ảnh: TTXVN)

Có nên công khai danh tính thí sinh và phụ huynh trong vụ việc gian lận điểm thi tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang hay không đang là vấn đề được dư luận đặt ra khi cơ quan điều tra Bộ Công an đã xác định được các bài thi nâng điểm và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có sách thí sinh.

Công khai danh sách để thực sự công bằng

Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả chấm thẩm định các bài thi bị can thiệp cho thấy, tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang đã có hơn 200 thí sinh được nâng điểm.

Trong đó, tại Hòa Bình có 140 bài thi trắc nghiệm và 22 bài thi tự luận được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/môn. Cao nhất có 1 thí sinh có bài thi môn Hóa học được nâng lên 9,25 điểm. Cá biệt, có thí sinh tổng điểm thi 3 môn được tăng lên đến 26,45 điểm.

Tại Sơn La, có 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi tự luận được can thiệp nâng điểm. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9 điểm.

Tại Hà Giang có 330 bài thi của 114 thí sinh được can thiệp nâng điểm, trong đó có thí sinh được nâng đến 29,95 điểm cho ba bài thi.

Hiện danh sách thí sinh gian lận vẫn là một bí mật của các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng việc không công khai danh sách thí sinh thể hiện sự nhân văn, tránh cho thí sinh bị ảnh hưởng tâm lý, tác động xã hội khi các em đang tuổi lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng nhiều ý kiến cho rằng cần công khai danh sách này để đảm bảo công bằng cho những thí sinh đã bị trượt đại học oan vì bị chiếm chỗ, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tạo sự răn đe cho những người có ý định gian lận.

“Chúng em muốn một kỳ thi thực sự công bằng. Công khai danh sách cũng là một cách để các bạn có điểm thi gian lận phải chịu trách nhiệm về việc này,” Nguyễn Hoàng Tuấn, sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải, chia sẻ.

Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo ông Khuyến, thí sinh đã đủ 18 tuổi, đủ tuổi chịu trách nhiệm công dân.

“Không chỉ công khai danh sách thí sinh, cần công khai danh sách các phụ huynh liên quan đến hành vi gian lận. Đây là vụ việc rất nghiêm trọng nên nếu không xử lý nghiêm sẽ không thể lấy lại được niềm tin của xã hội,” ông Khuyến nói.

Nhiều ý kiến cho rằng phải công khai danh sách thí sinh, phụ huynh vi phạm. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Không công khai nếu vô can

Ủng hộ việc phải công khai danh sách thí sinh, phụ huynh tham gia gian lận, tuy nhiên, ông Khuyến nhấn mạnh việc phải điều tra kỹ sự liên quan đến hành vi gian lận của các đối tượng này như thế nào trước khi công bố.

Cụ thể, nếu phụ huynh có hành vi đưa hối lộ hoặc có yêu cầu các đối tượng thực hiện nâng điểm bài thi cho con em mình thì họ đã vi phạm pháp luật và phải bị xử lý, công khai danh tính. Nếu thí sinh, phụ huynh không trực tiếp hối lộ, yêu cầu nâng điểm nhưng biết bài thi của mình được can thiệp nâng điểm mà im lặng thì đó là hành vi bao che, cũng cần xử lý và công khai danh tính.

“Nhưng nếu cơ quan điều tra không xác định được thí sinh, phụ huynh có liên quan hoặc biết việc được nâng điểm thì có thể không công khai danh tính,” ông Khuyến phân tích.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13, cho rằng, với những thí sinh chỉ được nâng một số điểm nhỏ, có thể các em sẽ không biết mình được can thiệp nâng điểm.

“Tuy nhiên, với những thí sinh được nâng với số điểm lớn, có em đến trên 26 điểm, thì không thể nói mình không biết kết quả bài thi không đúng với bài làm thật,” bà An nói.

Cùng nhận định này, ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích: một thí sinh được nâng đến gần 9 điểm/môn, có nghĩa em đó gần như không làm được một câu hỏi nào, nhưng điểm lại cao chót vót, thì em đó đương nhiên sẽ biết đó không phải là điểm của mình.

Trước nhiều ý kiến của công luận, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo mới thực hiện chấm thẩm định kết quả thi theo đề nghị của Bộ Công an. Việc gian lận, can thiệp như thế nào là vấn đề phức tạp mà Bộ Công an vẫn đang tiếp tục điều tra./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nen-cong-khai-danh-tinh-thi-sinh-phu-huynh-gian-lan-diem-thi/559640.vnp