Nên có thêm chế tài xử lý bạo hành trẻ dưới 5 tuổi

Mấy ngày qua, dư luận phẫn nộ khi xem đoạn video người giúp việc bạo hành trẻ em tại Hà Nam.

Công an tỉnh Hà Nam đã bắt khẩn cấp đối tượng có hành vi bạo hành, tuy nhiên dư luận vẫn chưa ngừng lên án hành vi vô nhân tính đó…

Hành vi bị lên án mạnh mẽ
Tối 22/11, một tài khoản facebook đã đăng tải trên trang cá nhân 3 đoạn video ghi lại hình ảnh bạo hành trẻ tại nhà riêng ở TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Đoạn video cho thấy một người phụ nữ lớn tuổi liên tục dùng tay đánh vào người, mặt em bé sơ sinh. Một đoạn video khác cho thấy người phụ nữ này tung hứng em bé rất nguy hiểm. Thời gian hiển thị trên camera cho thấy, em bé bị bạo hành trong hai ngày 20 và 21/11. Người đăng tải video chia sẻ, em bé bị bạo hành là con ruột mình, mới được 1 tháng 17 ngày tuổi. Trước đó khoảng 2 tháng, gia đình thuê người giúp việc thông qua một trung tâm môi giới việc làm. Do nghi vấn, gia đình đã lắp camera giám sát và phát hiện sự việc...

Hình ảnh người giúp việc bạo hành cháu bé được đăng tải trên mạng intenet.

Tiếp nhận thông tin từ gia đình, ngày 23/11, Công an TP Phủ Lý xác định, người giúp việc trong video là Nguyễn Thị Hàn (SN 1960, quê Nam Định). Khẩn trương thu thập chứng cứ của những người liên quan, cơ quan công an đã bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Hàn để điều tra hành vi hành hạ người khác. Đối tượng đã bị tạm giữ và sẽ phải chịu tránh nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, dư luận vẫn phẫn nộ bày tỏ nhiều quan điểm lên án hành vi vô nhân tính này. Thông qua mạng xã hội, hàng chục nghìn người cho rằng phải xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi bạo hành trẻ nhỏ. Chị Vũ Thị Bích Huệ (quận Tây Hồ, Hà Nội) còn cho rằng, tìm người giúp việc đủ tin tưởng đang là e ngại lớn đối với nhiều gia đình có con nhỏ. Trước nhu cầu xã hội, cần nhìn nhận giúp việc, chăm sóc trẻ nhỏ là một nghề và đã là nghề cần có quy định, quy chuẩn nhất định do cơ quan có thẩm quyền đánh giá.
Chế tài nào cho hành vi bạo hành trẻ nhỏ?
Liên quan đến góc độ pháp luật, Luật sư Vi Văn A – Đoàn Luật sư TP Hà Nội bày tỏ: Nếu hành vi ngược đãi, hành hạ của người giúp việc khiến cháu bé gần 2 tháng tuổi bị thương tích, thì căn cứ kết luận giám định của cơ quan chuyên môn, tỷ lệ thương tật từ 11 - 30% hoặc dưới 11% thuộc một trong các trường hợp: Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; Đối với trẻ em dưới 16 tuổi, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp cháu bé không bị thương tích, nếu đủ căn cứ cấu thành tội phạm, người giúp việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ người khác (theo Điều 110 BLHS). Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Đối với người già, trẻ em dưới 16 tuổi, phụ nữ biết đang có thai hoặc người tàn tật… thì bị phạt tù từ 1 -3 năm. Ngoài ra, còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của các bé.
Bày tỏ quan điểm cá nhân, Luật sư Vi Văn A còn nhìn nhận, đối với trẻ quá nhỏ, việc xác định tình tiết tăng nặng là có gây rối loạn tâm thần khá khó đánh giá. Vì vậy, pháp luật nên xem xét, có thêm chế tài xử lý mạnh đối với trường hợp nạn nhân bị bạo hành là trẻ dưới 5 tuổi.

Đông Phong

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nen-co-them-che-tai-xu-ly-bao-hanh-tre-duoi-5-tuoi-303792.html