Nên có Luật cổ phần hóa DNNN

Nhiều kiến nghị cho rằng cần sớm nghiên cứu ban hành Luật cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và các văn bản pháp quy để quản lý vốn, tài sản Nhà nước và hoạt động cổ phần hóa hiệu quả hơn.

Thực tế hiện nay, bên cạnh Luật doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, doanh nghiệp Nhà nước đang là đối tượng điều chỉnh ở nhiều Luật và Bộ Luật khác, ví dụ Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Chứng khoán, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra...

Các thương vụ bán cổ phần Sabeco và một số doanh nghiệp dầu khí, điện lực... trong thời gian qua được coi là thành công, nhưng nhìn chung, bức tranh cổ phần hóa DNNN có vẻ như chậm lại.

Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo Luật nào?

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, Nhà nước phải nắm giữ 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp thì đó mới được coi là doanh nghiệp Nhà nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ tỷ lệ cổ phần dưới 100% - có nghĩa là doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa, vẫn đang ở trong hiện trạng được xem là doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục thực thi thoái vốn.

Điều đáng nói là, chính vì chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật trong khi lại không có Luật nào đầy đủ, riêng và hoàn chỉnh thấu suốt để áp là khung pháp lý nền - cơ bản cho hoạt động cổ phần hóa và bán vốn tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nên việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản và Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần DNNN vẫn còn vướng nhiều hạn chế, bất cập.

Trong khi gần đây, hoạt động cổ phần hóa DNNN đang được đẩy mạnh bằng việc bán vốn nhà nước với khối lượng lớn, từ đó góp phần làm giảm số lượng DNNN trong cơ cấu doanh nghiệp của nền kinh tế.

Một chuyên gia đánh giá, mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật về DNNN, bán cổ phần giai đoạn 2011-2016 đã khắc phục được nhiều điểm bất cập trong quá trình bán vốn Nhà nước. Ví dụ như xác định cổ đông chiến lược, xác định giá trị doanh nghiệp, hạn chế việc định giá bỏ qua giá trị tài nguyên đất đai và để “chảy máu” đất vàng vào tay tư nhân thông qua cổ phần hóa. Năm 2017, thị trường cũng đã có nhiều thương vụ tiếp tục bán vốn nhà nước được xem thành công như thương vụ bán cổ phần Sabeco và một số doanh nghiệp dầu khí, điện lực. Nhưng nhìn chung, bức tranh cổ phần hóa DNNN có vẻ như chậm lại.

Hoàn thiện khung pháp lý quản lý vốn, tài sản nhà nước

Đáng chú ý ngay cả với những thương vụ bán vốn thành công bước đầu như vậy, ngoại trừ khoản tiền thu được từ bán vốn Nhà nước, thì theo đánh giá, cũng cần được xem lại.

Ví dụ với Sabeco, sau bán vốn thu về gần 5 tỷ USD, Sabeco đã và đang có những bước thay máu - vẫn là thương hiệu bia Việt nhưng đã không còn “hồn vía” và thuộc quyền sở hữu, hay bản sắc của doanh nghiệp Việt. Trong 10 năm tới, nếu “mất” hoàn toàn Sabeco về tay người Thái, cái giá được trả 5 tỷ USD lúc đó, có cần được xem xét lại?

Nói cách khác, từ Sabeco và rất nhiều vấn đề, trường hợp khác đã và đang diễn ra trong thực tế, nhu cầu hoàn thiện khung pháp lý quản lý vốn, tài sản Nhà nước đang rất cần một Luật cổ phần hóa.

Trong đó, có cả những quy định chi tiết được ban hành trên cơ sở các nhà soạn thảo Luật cần được cung cấp những nghiên cứu xác thực đánh giá, xác định cổ đông chiến lược và lợi ích doanh nghiệp khi thực thi cổ phần hóa ở giai đoạn qua. Từ đó, việc xác định giá trị tài sản doanh nghiệp và đối tác chiến lược trong Luật tương lai, cần hướng về tầm nhìn dài hạn, hơn là chỉ vì hiệu quả tiền thu về trước mắt.

Luật cổ phần hóa cũng cần quy định rõ những doanh nghiệp như thế nào, theo tiêu chí nào được xác định là doanh nghiệp “bán không cần băn khoăn”, hay được định giá bán đảm bảo quá trình thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn, giảm sự can thiệp đa ngành vào thị trường. Đồng thời quy định những doanh nghiệp nào với những tiêu chí nào thì cần được “cân lên đặt xuống” - vì lợi ích phát triển dài hạn của những rường cột thương hiệu quốc gia.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp: Xác định giá trị đất là căn nguyên lớn làm chậm CPH

Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa 85 doanh nghiệp, đến nay mới cổ phần hóa được 19 doanh nghiệp.

Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, đất đai nhiều, phạm vi hoạt động rộng nên việc xác định giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài. Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện. Một nguyên nhân lớn được chỉ ra đến từ việc xác định giá trị đất đai. Điển hình là 2 địa phương Hà Nội và TP HCM, hai địa phương đang chiếm 70% số DNNN cần cổ phần và thoái vốn nhà nước.

Ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC):
Hoàn thiện khung pháp luật về thoái vốn

Để hoàn thiện khung pháp luật về hoạt động thoái vốn, tôi kiến nghị sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 32/2018/NĐ-CP, ban hành quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phần. Đồng thời, đồng bộ hóa giữa Luật doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa SCIC với các tổ chức mua bán nợ trong đó có Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC).

Lê Mỹ

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/nen-co-luat-co-phan-hoa-dnnn-133986.html