Nên có kế hoạch tài chính để tránh phí phát sinh khi dùng thẻ tín dụng

Dư luận đang xôn xao về việc một khách hàng bị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thu phí trả chậm gần 200 nghìn đồng do chậm thanh toán 1.580 đồng dư nợ từ phí nhắn tin hằng tháng.

Theo đó, khoảng 3 tháng sau khi mở thẻ tín dụng để mua khóa học tiếng Anh cho con, vị khách hàng đã trả toàn bộ gốc lẫn lãi và chịu thêm khoản phạt trả sớm. Tuy nhiên, sau đó, anh liên tục nhận được tin nhắn từ tổng đài, cuộc gọi của nhân viên chăm sóc khách hàng giục thanh toán dư nợ là 1.580 đồng, tối thiểu 79 đồng.

Vài ngày sau, khi đến điểm giao dịch, anh được giải thích số tiền 1.580 đồng phát sinh là phí SMS (phí nhắn tin hằng tháng), do đã tất toán mà không khóa thẻ.

Hỏi về thủ tục khóa thẻ, anh được yêu cầu gọi lên tổng đài 1900545415 do không hỗ trợ khóa thẻ trực tiếp. Tuy nhiên, sau nhiều lần gọi tổng đài 1900545415, kể cả từ khi mới nhận được tin nhắn thông báo nợ, vị khách hàng đều không kết nối được.

Câu chuyện của vị khách hàng này nhận được sự quan tâm lớn của dư luận bởi mức phạt 199.000 đồng phí trả chậm, gấp 125 lần tiền gốc. Tổng số tiền khách hàng này phải thanh toán là 206.000 đồng (gồm 199.000 đồng phí trả chậm, 4.500 đồng phí SMS và dư nợ 1.580 đồng). Bên cạnh đó, việc không khóa thẻ trực tiếp cũng được cho là gây khó khăn cho khách hàng. Trên một số diễn đàn, nhiều người cũng cho biết, đã “cạch mặt” ngân hàng này do nhiều lần bị “móc túi” đẹp.

Tổng số tiền vị khách hàng phải trả là 206.000 đồng (gồm 199.000 đồng phí trả chậm, 4.500 đồng phí SMS và dư nợ 1.580 đồng) (ảnh Tuổi trẻ).

Tổng số tiền vị khách hàng phải trả là 206.000 đồng (gồm 199.000 đồng phí trả chậm, 4.500 đồng phí SMS và dư nợ 1.580 đồng) (ảnh Tuổi trẻ).

Trao đổi với PetroTimes, đại diện VPBank cho biết, khách hàng này mở và sử dụng thẻ tín dụng VPBank StepUp từ tháng 12/2019. Từ ngày 16/12/2019, VPBank ban hành biểu phí thẻ tín dụng khách hàng cá nhân, trong đó quy định mức phí dịch vụ thông báo biến động số dư qua SMS đối với tất cả các thẻ tín dụng cá nhân do VPBank phát hành.

Ngoài ra, tại thời điểm ký kết hợp đồng mở và sử dụng thẻ tín dụng, cán bộ bán hàng của VPBank có trách nhiệm phải thông báo tới khách hàng về những khoản phí phải trả và khách hàng sẽ thể hiện việc đã nắm rõ thông tin này bằng cách ký vào phần đã đọc và hiểu thông tin.

Về việc không kết nối được với tổng đài để hủy thẻ, đại diện VPBank thừa nhận là do tổng đài bị quá tải với các cuộc gọi của khách hàng Timo.

“Thời điểm đó vô tình trùng hợp với thời điểm ứng dụng ngân hàng số Timo chuyển đổi từ đối tác VPBank sang đối tác khác nên số cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ phát sinh đột biến” - đại diện VPBank nói.

Việc này chưa làm phát sinh thêm thiệt hại về mặt vật chất với khách hàng nhưng VPBank nhận thấy điều này cũng gây ra khá nhiều bất tiện cho khách hàng, vì vậy, VPBank gửi lời xin lỗi chân thành tới khách hàng” - đại diện VPBank nói thêm.

Về quy trình hủy thẻ tín dụng không tài sản bảo đảm, đại diện VPBank cho biết, chủ thẻ phải sử dụng số điện thoại đã đăng ký với ngân hàng để gọi hotline yêu cầu hỗ trợ. Việc này nhằm mục đích loại trừ yếu tố rủi ro và còn là để ghi lại đầy đủ những thông tin cần thiết bảo chứng cho ý chí của chủ thẻ. Yêu cầu hủy thẻ của chủ thẻ sẽ được các tổng đài viên hỗ trợ thực hiện ngay lập tức.

Đối với các trường hợp chỉ yêu cầu khóa thẻ khẩn cấp do nghi ngờ rủi ro gian lận, do mất thẻ, chủ thẻ không cần đợi kết nối với tổng đài viên mà có thể bấm vào các nhánh 1 hoặc 2 của tổng đài để thực hiện theo hướng dẫn hoặc tự thao tác khóa thẻ tạm thời trên ứng dụng VPBank Online (nếu có sử dụng).

“Ngân hàng đã trao đổi với khách hàng về việc sẽ hoàn lại toàn bộ phần phí gửi tin nhắn biến động số dư tháng này kèm theo toàn bộ phần lãi phát sinh của phí này trong kỳ sao kê tương ứng. Tuy nhiên, do khách hàng không còn nhu cầu tiếp tục sử dụng thẻ nên đã tự tất toán toàn bộ số dư hiện có và hoàn tất việc đóng thẻ” - đại diện VPBank cho biết thêm.

Từng trao đổi với báo chí về vấn đề sử dụng thẻ tín dụng, chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh cho rằng, thẻ tín dụng cũng là một khoản vay tín chấp nên khi khách hàng điền đơn yêu cầu cấp thẻ cũng là đã ký hợp đồng tín dụng.

Về mặt nguyên tắc, khách hàng phải có nghĩa vụ thanh toán nợ đúng hạn. Khi khách hàng trả trễ, hệ thống ngân hàng sẽ tự động tính lãi quá hạn, lãi phạt và cộng vào nợ gốc, khiến tổng chi phí khoản nợ phải trả sau nhiều năm sẽ tăng lên rất cao so với nợ gốc.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, người tiêu dùng nên lập kế hoạch tài chính trước khi vay hoặc dùng thẻ tín dụng nhằm trả nợ đúng hạn, tránh bị ảnh hưởng đến uy tín tài chính và phát sinh những khoản lãi ngoài ý muốn, cũng tránh bị ghi nhận trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia - CIC nếu không may có nợ xấu, làm ảnh hưởng đến những dự định tài chính sau này.

Xuân Hinh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nen-co-ke-hoach-tai-chinh-de-tranh-phi-phat-sinh-khi-dung-the-tin-dung-579290.html