Nên có cuộc tổng rà soát sách giáo khoa

Sách giáo khoa là sách dùng cho việc dạy và học trong nhà trường nên tuyệt đối không được sự sai sót. Mỗi một chữ, một câu phải đảm tính khách quan, tính khoa học, tính nhân văn và tính trung thực!

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vừa rồi có dịp dạy con môn Lịch sử và Địa lí lớp 4, cũng chính cuốn sách này ngay trang đầu phần: Buổi đầu dựng nước và giữ nước (khoảng năm 700 TCN đến năm 179 TCN), Bài 1: Nước Văn Lang có nội dung như sau: “Khoảng năm 700 TCN, ở khu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả nơi người Lạc Việt sinh sống, nước Văn Lang đã ra đời. Đứng đầu Nhà nước có vua, gọi là Hùng Vương. Giúp Vua Hùng cai quản đất nước có lạc hầu, lạc tướng. Vua, lạc hầu, lạc tướng thuộc tầng lớp giàu có trong xã hội. Dân thường thì được gọi là lạc dân, tầng lớp thấp kém, nghèo hèn nhất là nô tì”.

Mọi điều không có gì đáng bàn, nếu dẫn luận mà các nhà biên soạn ghi: “Lạc hầu, lạc tướng thuộc tầng lớp giàu có trong xã hội’. Tuy nhiên, khi dẫn luận: “Vua, lạc hầu, lạc tướng thuộc tầng lớp giàu có trong xã hội” lại trở thành vấn đề đáng bàn, thậm chí theo người viết là sai sót nghiêm trọng về mặt nhãn quan chính trị.

Trải qua hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, chúng ta luôn luôn tự hào là con Lạc, cháu Hồng và các Vua Hùng chính là những vị Vua đã có công dựng nước và giữ nước. Ngày nay, đền thờ Hùng Vương ở Phong Châu tỉnh Phú Thọ là địa chỉ cho ngày Quốc Giỗ 10/3 âm lịch hàng năm. Các bậc tiền nhân từ đời Đinh, Lê, Lý, Trần… và chúng ta hiện nay đều suy tôn công lao trời biển của các Vua Hùng.

Trong bài thơ “Lịch sử nước ta” sáng tác năm 1942 nhằm ca ngợi những trang sử vẻ vang của dân dộc, Bác Hồ viết: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam/Kể năm hơn bốn ngàn năm/Tổ tiên rực rỡ anh em thuận hòa/Hồng Bàng là tổ nước ta/Nước ta khi ấy gọi là Văn Lang…”. Vậy mà khi các chuyên gia biên soạn sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí lớp 4, các “nhà” thẩm định sách để cho xuất bản vẫn “xếp hạng”: “Vua (thời Hùng Vương-PV) thuộc “tầng lớp” giàu có trong xã hội” thì sẽ dạy các cháu học sinh về bài học đạo đức như thế nào?

Khi nói đến Vua, đặc biệt là các đời Vua Hùng, bao giờ chúng ta cũng nghĩ tới những vị Vua trị vì, đức độ; những vị Vua đã có công dựng nước và giữ nước, chứ không thể xếp Vua nói chung, Vua (thời Hùng Vương-PV” nói riêng thành cái gọi là “tầng lớp” được. Sử dụng cụm từ “tầng lớp” đã phạm húy, huống gì dẫn luận “Vua… thuộc tầng lớp giàu có trong xã hội” thì càng phạm húy hơn!

Đặc biệt, khi nói đến các Vua Hùng được xếp vào tầng lớp giàu có trong xã hội, học sinh sẽ có cái nhìn hoài nghi không tốt về lịch sử, không tốt về đức độ của các bậc tiền nhân, các đời Vua Hùng đã có công dựng nước, giữ nước. Chỉ một từ thôi nhưng đủ dẫn đến góc nhìn lệch chuẩn. Vì vậy, xếp Vua thuộc tầng lớp thì không được.

Lịch sử không chỉ “chép” lại những gì xảy ra trong quá khứ, mà quan trọng học lịch sử là để gieo vào lòng học sinh lòng tự hào dân tộc, tinh thần tự tôn dân tộc; đồng thời cũng góp phần giáo dục nhân cách học sinh. Nếu sách giáo khoa viết không chuẩn, biên tập và kiểm duyệt không kỹ hậu quả sẽ khôn lường! Không những thế, ngoài sự chuẩn mực, sách giáo khoa như Văn học, tiếng Việt cần mang đến cho học sinh sự nhân văn.

Nhân Bộ Giáo dục- Đào tạo yêu cầu thanh tra, kiểm tra việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, thì Bộ cần có cuộc tổng rà soát về nội dung sách giáo khoa hiện nay!

H.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nen-co-cuoc-tong-ra-soat-sach-giao-khoa-113384.html