Nên có cơ quan thẩm định giá?

Chưa bao giờ, từ khóa 'lan đột biến' lại 'hot' như hiện nay.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Đến mức có những ví von rằng giờ có trúng Vietlott cũng “không lại” với lan đột biến bởi giá mỗi 1cm không thể tính bằng tiền triệu mà phải là chục triệu, trăm triệu, thậm chí chục tỷ, trăm tỷ đồng.

Vậy lan đột biến có gì hấp dẫn? Hiển nhiên đó là đẹp, là quý - nhưng không phải hiếm. Trong tự nhiên, việc một loại cây, hoa nào đó xảy ra đột biến là bình thường, dù tỷ lệ này rất thấp.

Các loại lan cũng không phải ngoại lệ nhưng vì nhiều lý do, từ những chuyện bình thường trong tự nhiên qua “bàn tay” con người lại trở thành không bình thường, thể hiện qua các giao dịch chục tỷ, trăm tỷ đồng nhưng mức độ thật đến đâu lại không thể kiểm chứng...

Về lý thuyết, giá của hàng hóa, trong đó có lan đột biến tùy thuộc vào giá trị và giá trị sử dụng, vào cân đối cung - cầu, phương thức sản xuất, phân phối, tiêu dùng, nhất là sự ưa chuộng, tin tưởng về chất lượng của người tiêu dùng và năng lực, hiệu lực quản lý Nhà nước…

Tuy nhiên, để có thể lưu thông một cách bình thường trên thị trường, cần phải xác lập một mức giá phù hợp, tương xứng với chất lượng. Hoặc giả chăng có mức giá đột biến thì cũng chỉ trong một khoảng thời gian nhất định sẽ trở lại trạng thái bình thường.

Nếu theo logic này thì hoặc lan đột biến đang bị “làm giá”, “thổi giá” hoặc đang trong giai đoạn “đạt đỉnh” trên thị trường. Và đương nhiên, theo chu kỳ, sẽ phải giảm giá hoặc trở về giá trị thực.

Những điều này có thể chứng minh qua phân tích rằng với trình độ công nghệ sinh học hiện nay, các phòng thí nghiệm về nuôi cấy mô hoàn toàn có thể nhân được hàng loạt cây giống hệt các loại lan đột biến đang có trên thị trường với giá thành rất rẻ… Thế nhưng, đáng tiếc, “cơn sốt” lan đột biến vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Có một điều cần lưu ý rằng, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã cảnh báo một số hoạt động mua bán lan đột biến thời gian gần đây là không có thật, chủ yếu “giao dịch ảo” nhằm đánh bóng tên tuổi, tạo thông điệp giả về lợi nhuận và nhu cầu thị trường, từ đó trục lợi nếu nhiều người cả tin tham gia vào thị trường.

Hơn nữa, theo quy định của Luật Trồng trọt và Nghị định 94, chỉ có 6 giống cây gồm lúa, ngô, cà phê, cam, bưởi, chuối muốn được lưu hành phải thông qua khảo nghiệm. Với loại cây trồng khác, mọi tổ chức, cá nhân muốn lưu hành, buôn bán phải thực hiện tự công bố lưu hành theo quy định của Luật Trồng trọt, Nghị định 94 và tự chịu trách nhiệm với những thông tin công bố.

Vậy nhưng đến nay, Bộ NN&PTNT cũng chưa công nhận lan đột biến là một giống chính thức được lưu hành trên thị trường.

Hiện thị trường cây cảnh nói chung và hoa nói riêng không có mức giá chung, pháp luật cũng không quy định về giá nên cơ quan Nhà nước không thể áp đặt mức giá với các giao dịch.

Bởi vậy, để có thể “hạ nhiệt” được “cơn sốt” lan đột biến hiện nay, rất cần sự chủ động vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm rà soát các quy định hiện hành, nhằm đưa ra các biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Đặc biệt, cần sớm xây dựng Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh từ 2020 đến 2030 với mục đích điều tra, đánh giá đầy đủ thông tin về giá cả, tiềm năng của ngành hàng, định hướng phát triển, xây dựng chính sách quản lý, thúc đẩy phát triển thị trường này, thậm chí nên có cơ quan độc lập để thẩm định giá như đề xuất của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/nen-co-co-quan-tham-dinh-gia-iMl4JuuMR.html