Nên cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để cứu thị trường vàng trang sức?

Mới đây Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng nguyên liệu trở lại để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong nước khi nguồn vàng nguyên liệu ngày càng giảm.

Ảnh minh họa

Năm 2012, thị trường vàng trong nước xảy ra nhiều bất ổn, nhiều người đầu cơ tích trữ làm rối loạn thị trường và tạo ra các cơn sốt vàng. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm khắc phục bất cập của các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức lại thị trường vàng theo hướng phát triển ổn định và bền vững, tăng cường quản lý đối với thị trường vàng, khắc phục tình trạng đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Sau gần 5 năm doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng và tính đến thời điểm hiện nay, thị trường vàng trong nước về cơ bản đã ổn định nên một số quy định tại Nghị định 24 được cho là không còn phù hợp. Cụ thể là thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng thường xuyên kêu khó trong việc tìm nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong nước.

VGTA cho rằng việc doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng nhưng không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để phục vụ sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là một bất cập lớn. Bởi doanh nghiệp sẽ phải mua vàng trôi nổi trên thị trường trong nước với giá cao hơn nhiều so với giá vàng quốc tế, khiến giá thành tăng cao, mất lợi thế cạnh tranh. Thậm chí, theo VGTA, việc cấm doanh nghiệp nhập khẩu vàng trang sức có thể vô tình dẫn đến tình trạng mua bán vàng bất hợp pháp... Theo đó, VGTA đã có kiến nghị một lần nữa lên Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Vậy xét trong bối cảnh hiện nay, việc cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng liệu có hợp lý? Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng vàng trang sức hiện nay đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế.

Thị trường vàng hiện nay cũng đã ổn định trở lại, loại vàng này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đáp ứng cả nhu cầu xuất khẩu, trong khi xuất khẩu vàng của Việt Nam hiện nay ngày càng thấp. Theo Bộ Công Thương, trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu vàng trang sức, đá quý của Việt Nam đạt 800 triệu USD (tương đương gần 18.000 tỉ đồng). Đây là một con số rất thấp, kém gấp 15 lần so với nước láng giềng Thái Lan.

"Theo đó, tôi ủng hộ đề xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu trở lại của VGTA. Đây sẽ là thời điểm mở rộng cho một số nhà kinh doanh vàng có năng lực tài chính, tính thanh khoản cao, có uy tín trên thị trường nhập khẩu vàng nguyên liệu để làm vàng trang sức. Ngoài ra, đề xuất này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu vàng vì họ muốn xuất khẩu vàng trang sức thì họ phải có đủ vàng nguyên liệu. Việc không được phép nhập khẩu vàng sẽ làm khó cho doanh nghiệp xuất khẩu vàng trang sức", ông Hiếu cho biết.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng lưu ý việc nhập khẩu vàng sẽ cần một lượng ngoại tệ tương đương, chắc chắn sẽ tác động đến chính sách ngoại hối. Cơ quan quản lý nên thử nghiệm, thả lỏng cho nhập vàng nguyên liệu trong thời gian 1 năm, theo dõi với lượng cung ứng mới, thị trường có chuyển biến tốt hơn, giá vàng trong nước có tốt hơn không, sau đó đưa ra quyết định.

Ông Hiếu cũng đề xuất Chính phủ cần phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ thị trường nếu cho phép nhập khẩu, vì sẽ không loại trừ rủi ro biến tướng, nhập vàng nguyên liệu tuồn ra thị trường làm ảnh hưởng đến thị trường vàng miếng.

Theo ước tính của VGTA, nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ở Việt Nam sẽ rơi vào khoảng hơn 20 tấn/năm. Do vậy, nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu, thì cũng không đáng ngại. Bởi vì giá vàng trong nước đang theo sát giá vàng quốc tế nên hoạt động xuất khẩu và xuất khẩu tại chỗ vàng trang sức, mỹ nghệ của các doanh nghiệp sẽ tái tạo ngoại tệ, góp phần cân đối cung cầu ngoại tệ cho đất nước.

Cũng theo VGTA, để tránh việc nhập khẩu vàng nguyên liệu tràn lan để làm vàng nhẫn hay bán nguyên liệu ra thị trường tự do, ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước, thì Ngân hàng Nhà nước chỉ nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho những doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/nen-cho-phep-nhap-khau-vang-nguyen-lieu-de-cuu-thi-truong-vang-trang-suc-47117.html