Nên chăng dùng cầu thủ Việt kiều cho tuyển quốc gia?

Sau tấm gương Đặng Văn Lâm, nhiều cầu thủ nước ngoài gốc Việt muốn được về Việt Nam thi đấu cho đội tuyển quốc gia và các CLB trong nước.

Chỉ cần liên đoàn bóng đá Việt Nam gật đầu, ĐT Việt Nam sẽ có chân sút người Na Uy gốc Việt Alexander Dang. Đây là cầu thủ chủ lực của CLB Nest-Sotra IL ở giải hạng nhất của Na Uy.

Một nguồn thạo tin cho biết người đại diện Mikail Adampour của cầu thủ này khẳng định sẽ làm mọi cách để đưa Alexander Dang về Việt Nam phục vụ đội tuyển nếu được triệu tập, từ việc lo hộ chiếu Việt Nam cho đến những thủ tục để Alex có quốc tịch Việt Nam.

Chân sút này là cầu thủ quan trọng bậc nhất của đội bóng Na Uy khi khoác áo số 10. Anh có thể hình lý tưởng, cao tới 1m85 và có khả năng dứt điểm bằng cả hai chân và dứt điểm bằng đầu rất tốt. Theo Tempo Sports Group, chân sút này đã ghi được 38 bàn sau 61 cho Nest-Sotra. Tổng cộng anh đã ghi được 186 bàn trong 177 trận.

Đây cũng là cầu thủ có giá trị chuyển nhượng cao nhất của CLB Nest-Sotra với định giá khoảng 300.000 euro, tương đương với thủ môn Đặng Văn Lâm của tuyển Việt Nam.

Alexander Dang - trung phong số 1 của CLB giải hạng nhất Na Uy

Alexander Dang - trung phong số 1 của CLB giải hạng nhất Na Uy

Nếu VFF triệu tập Alexander Dang, đây sẽ là một sự lựa chọn sáng suốt trong bối cảnh vị trí tiền đạo mũi nhọn của Việt Nam đang rất khan hiếm khi Đức Chinh ngày càng sa sút phong độ, còn Tiến Linh chưa trưởng thành ở các giải đấu quốc tế.

Ngoài ra, một cầu thủ Việt kiều khác mang hai dòng máu Việt-Séc là Filip Nguyễn đã bắn tín hiệu muốn được chơi bóng ở Việt Nam và sẵn sàng cạnh tranh cho vị trí thủ môn chính thức tại tuyển Việt Nam nếu được triệu tập.

Thủ môn này năm nay 27 tuổi, cao 1m9, thi đấu cho Slovan Liberec thuộc giải đấu cấp độ cao nhất của CH Séc. Theo thống kê của TransferMarkt, Filip Nguyễn có giá trị chuyển nhượng tới 450.000 euro.

Việc các cầu thủ Việt kiều bắn tin muốn trở về thi đấu cho đội tuyển Việt Nam, và họ đều là các cầu thủ trụ cột, có chỗ đứng trong giải quốc nội của các nền bóng đá châu Âu đã chứng minh sự trưởng thành của bóng đá Việt Nam. Đội tuyển bây giờ đã có sức sống hơn và có đủ sức hút để mời gọi các chân sút có dòng máu Việt ở nước ngoài.

Sức hút ấy thể hiện không chỉ ở các thành công của đội tuyển, mà còn ở việc các cầu thủ nhận được sự yêu quý nồng nhiệt của người hâm mộ, đời sống kinh tế của cầu thủ được cải thiện rất nhiều. Thậm chí, các cầu thủ có tài năng thực sự đã có thể làm giàu từ nghề của họ.

Câu hỏi đặt ra, là Việt Nam có nên mời những cầu thủ này về thi đấu cho đội tuyển quốc gia?

Thực tế cho thấy người Việt ở khắp thế giới đều luôn có tinh thần hướng về dân tộc. Riêng trong lĩnh vực bóng đá, nếu nền bóng đá phát triển và tiệm cận với trình độ quốc tế, việc thu hút được các nhân tài hồi hương là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Sự hồi hương này sẽ mang lại các lợi thế: thứ nhất là giải quyết vấn đề chuyên môn cho đội tuyển. Ví dụ như vị trí trung phong cắm của Việt Nam chưa có cầu thủ nào có kỹ năng và kinh nghiệm đủ để giúp Việt Nam cạnh tranh trong các trận đấu quốc tế.

Filip Nguyễn - thủ môn chính của Slovan Liberec, thi đấu cho giải đấu cao nhất của CH Séc

Thứ hai, các cầu thủ Việt kiều sẽ mang lại một làn sóng cạnh tranh rất mới. Họ đều là các cầu thủ có kỹ năng, có chất lượng, các cầu thủ nội địa sẽ phải cạnh tranh nhưng đồng thời cũng được tiếp xúc với các cá nhân được đào tạo từ nhiều nền bóng đá khác nhau và tiên tiến. Đây là bàn đạp rất tốt để thay đổi cách nhìn về nghề nghiệp của các cầu thủ.

Thứ ba, bóng đá Việt Nam tiếp tục quảng bá được hình ảnh và thu thập được nhiều nhân tài người Việt từ khắp thế giới.

Tuy nhiên, sẽ còn đó một số hạn chế. Đó là việc kết hợp song song những đôi chân Việt kiều với các cầu thủ nội địa. Thành công của bóng đá Việt Nam ngày hôm nay không phải từ việc sử dụng các cầu thủ đào tạo từ nước ngoài, mà là cả thập kỷ đào tạo cầu thủ trẻ trước đó để có những tài năng như Công Phượng, Quang Hải...

Philippines, Thái Lan đã từng có quan điểm sử dụng đội quân ngoại binh để chinh chiến cho các mục tiêu trước mắt như AFF Suzuki Cup 2018 hay ASIAN Cup 2019 vừa rồi. Tuy nhiên, họ đã tự chứng tỏ cách làm ngắt ngọn ấy không thể hiệu quả bằng cách làm bóng đá từ gốc rễ của Việt Nam.

Vì thế, tuyển Việt Nam cần có cái nhìn khách quan, mọi hoạt động liên quan đến cầu thủ đều phải vận động dựa theo chiến lược phát triển bóng đá xuyên suốt cả thập kỷ qua: chú trọng đào tạo bóng đá trẻ bao gồm cả đạo đức và chất lượng kỹ thuật.

Hồng Hải

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-thao/tin-tuc-bong-da/nen-chang-dung-cau-thu-viet-kieu-cho-tuyen-quoc-gia-3375662/