Nên cấp chứng chỉ THPT, các trường tự tổ chức thi đại học?

Tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra, Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được các đại biểu thống nhất đề nghị Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và các chuyên gia. Trong đó, vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là có nên duy trì mô hình thi hai trong một và tìm ra mô hình đổi mới công tác thi cử, tuyển sinh đai học, cao đẳng thế nào vừa khoa học vừa hiệu quả nhất.

Như chúng ta đã biết, mỗi một hình thức thi đều có những mặt tích cực và hạn chế riêng của nó. Vấn đề đặt ra, phải gợi đục khơi trong để nên tìm hình thức nào đạt hiệu quả cao nhất đó là mới là quan trọng.

Bỏ qua khâu thi tốt nghiệp THPT bằng hình thức cấp Chứng chỉ công nhận học sinh đã học hết PTTH và để các trường tự làm công tác tuyển sinh, nên chăng? (ảnh mang tính minh họa- báo NTD)

Trước năm 2015, tất cả các học sinh đều phải thi tốt nghiệp THPT, nếu đậu trong kỳ thi này, thí sinh sẽ được trường cấp giấy công nhân (tạm thời khi chờ cấp bằng) thì thí sinh mới đủ điều kiện tham gia thi vào các trường đại học, cao đẳng… Còn các trường là đơn vị trực tiếp đứng ra tổ chức thi (từ khâu coi thi đến chấm thi và đưa ra điểm chuẩn). Bộ GDĐT chỉ có việc ra đề thi, chỉ đạo điều hành kỳ thi nghiêm minh, thanh tra và công nhận kết quả thi của các trường.

Nhược điểm của cách thi này là gây tốn kém tiền của Nhà nước và phụ huynh. Vì mỗi kỳ thi, các em học sinh và phụ huynh phải “rồng rắn” lên các đô thị lớn để dự thi. Tuy nhiên, ưu điểm lớn nhất của hình thức thi này là các trường tự tổ chức thi, chấm thi, nên chất lượng coi thi, chấm thi rất tốt. Rất ít xảy ra tiêu cực. Vì nếu các trường tự buông xuôi đồng nghĩa với việc tự đánh mất mình. Uy tín sẽ sụt giảm. Nên sự sàng lọc các thí sinh là thật.

Còn kể từ năm 2015 đến nay, Bộ GDĐT quyết định bỏ kỳ thi THPT và đại học, cao đẳng thành kỳ thi THPT quốc gia. Nghĩa là các học sinh có quyền đăng ký ngyện vọng vào học các trường đại, học cao đẳng tùy thích. Sau khi tiến hành xong kỳ thi THPT quốc gia, các trường đại học - cao đẳng sẽ căn cứ vào kết quả kỳ thi của học sinh cộng thêm với thành tích trong 3 năm học phổ thông để xét tuyển.

Hình thức thi này có ưu điểm đỡ tốn kém ngân sách Nhà nước và tiền của cũng như công sức của các bậc phụ huynh và các em học sinh. Song thi như vậy lại nảy sinh nhiều nhược điểm mà 3 năm qua chưa hề khắc phục. Thứ nhất, trong việc xét tuyển vào đại học ngoài điểm thi THPT còn có kết quả học tập trong 3 năm học phổ thông. Chính điều kiện này đã làm cho các em học sinh vô cùng mệt mỏi vì cái sự học. Cụ thể, học sinh nào cũng phải lăn ra học, nếu không học kết quả sẽ không tốt. Đấy là chưa kể sự tiêu cực trong quá trình học ví như sự “cầu cạnh” thầy cô, rồi vấn nạn dạy thêm, học thêm tràn lan. Thứ hai, nếu như thi như trước các trường được phép tự tổ chức thi, thì hình thức thi mới là giao phó cho các địa phương. Chính việc “giao phó” cho các địa phương đã dẫn đến những tiêu cực về gian thận thi cử, nâng điểm bài thi như tại một số địa phương Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La… và một số địa phương đang có dậu hiệu gian lận khiến các cơ quan chức năng đang phải vào cuộc là ví dụ điển hình.

Vậy vấn đề đặt ra nên tổ chức thi thế nào là khoa học và hợp lý nhất? Nhân sự kiện Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ lấy ý kiến người dân về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) trong đó có vấn đề nên tổ chức thi thế nào đạt hiệu quả, chất lượng cao nhất. Với tư cách là cử tri, người viết nghĩ rằng nếu vẫn tiến hành tổ chức thi theo hai hình thức trên thì vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Trong thời kỳ phổ cập giáo dục đã ở mức rất cao, có lẽ đến lúc chúng ta phải xem xét lại có nên tổ chức thi THPT để cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh hay không? Hay thay vào đó là không cần thi THPT mà chỉ cấp Chứng chỉ cho học sinh để công nhận học sinh đó đã học hết chương trình THPT, đủ điều kiện đăng ký dự thi đại học, cao đẳng.

Còn thi đại học, cao đẳng sau khi học sinh học hết THPT, học sinh có quyền đăng ký vào bất kỳ trường nào mình muốn dựa theo đúng năng lực của mình. Các trường được tự đứng ra tổ chức thi, chấm thi theo đúng quy định của pháp luật. Bộ GDĐT với tư cách cơ quản quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm về đề thi, ra đề thi chung. Nếu triển khai theo cách mới này, có thể sẽ hạn chế được tiêu cực về thi cử như kỳ thi THPT vừa qua mà vẫn không cần tổ chức thi theo hình thức hai trong một

L.Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nen-cap-chung-chi-thpt-cac-truong-tu-to-chuc-thi-dai-hoc-78129.html