Nền bóng đá liên thông và khoảng trống

Thật lý thú khi những ngày tháng này, bóng đá nước nhà cùng lúc có đến 3 đội tuyển các lứa tuổi U và đội tuyển quốc gia đang tập luyện và thi đấu.

Nếu như thời gian qua, đã có hiện tượng hàng loạt cầu thủ phải liên tục ra sân trên các mặt trận CLB và đội tuyển hay HLV Park Hang-seo phải “phân thân” chỉ đạo, huấn luyện các đội tuyển U22 và tuyển quốc gia thì lúc này đây, đến mọi cổ động viên cũng phải “phân thân” dõi theo cả 4 đội tuyển. Đáp lại là những niềm hứng khởi, cùng những âu lo được sẻ chia.

Rõ ràng là đã có chút bất ngờ khi đội U21 tuyển chọn chơi hay hơn nhiều người tưởng. Nã vào lưới đội sinh viên Đại học Hanyang Hàn Quốc đến 4 bàn chỉ là chuyện tỷ số, quan trọng hơn là sự gắn kết, mạch lạc. Đằng sau một đội mới tập hợp, lắp ghép trong thời gian rất ngắn là gì? Thực ra hầu hết các tuyển thủ đều xuất thân từ một lò đào tạo của CLB Hà Nội. Hiện nay họ hoặc khoác áo trẻ Hà Nội hoặc đứng trong đội hình Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Trong số đó cũng đã có nhiều cầu thủ được góp mặt cả ở các đội hình dự tuyển U19, U20, U22 trước đây và cả trong thời kỳ của HLV Park Hang-seo. Nghĩa là tất cả đều đã trải qua quá trình huấn luyện bài bản và thi đấu tại các giải trẻ và cả giải hạng Nhất. Họ có chung một lối đá và ở lứa tuổi của mình không ai không nung nấu chí khí phấn đấu xứng danh cầu thủ chuyên nghiệp, sẵn sàng ra trận vì màu cờ sắc áo CLB. Và hiển nhiên là giấc mơ lên tuyển. Không ngẫu nhiên HLV Dương Hồng Sơn có ý định giới thiệu những cầu thủ U21 để thầy Park tuyển chọn bổ sung vào đội tuyển U22. Bước đầu là những Văn Đạt, Văn Bửu, Xuân Tú, Danh Trung… Cũng không ngẫu nhiên thầy Park đã lên kế hoạch đến sân Hòa Xuân trực tiếp xem trận U21 tuyển chọn Việt Nam đá với U19 Sarajero.

Thế đấy, đã có một sự liên thông giữa các lứa tuyển. Những Quang Hải, Văn Hậu… đã vừa đá cho tuyển quốc gia, vừa đá cho U22. Ngược lại, như thầy Park đã nói, dù biên chế vào U22 nhưng Tiến Linh cũng đã và rất có thể định đưa lên tuyển quốc gia ngay trong những trận đấu sắp tới. Và giờ là khả năng tăng cường cho U22 từ U21. Chưa bao giờ có được sự gần gũi đồng nhất giữa các lứa tuyển thủ của bóng đá Việt Nam như hiện nay. Chính là mục tiêu chinh phục các đấu trường quốc tế đã gắn kết tất cả những người làm bóng đá, các cầu thủ; và tất nhiên, mọi người hâm mộ Việt Nam.

Chính là chiến công giục gọi chiến công, hiệu quả của cách làm mới tiếp sức mở mang cho sự đổi mới không ngừng nghỉ. Ước mơ những giải đấu trẻ U13, U15, U17 được tổ chức quy mô, quy củ hơn cùng giấc mơ thúc đẩy bóng đá học đường đang gần lại. Cũng đã có nhiều hơn những bàn tay doanh nghiệp, xã hội gom góp làm bệ đỡ phát triển bóng đá chuyên nghiệp và bóng đá trẻ nước nhà.

Ngay sau ngày kết thúc giải U21 quốc tế là ngày U19 ra trận đấu vòng loại U19 châu Á 2020 tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 6 đến ngày 10-11. Không lạ là cái đội tuyển trẻ rất mới này lại được dư luận châu lục quan tâm sít sao. Vì bóng đá Việt Nam đang lên, vì khát vọng của sự tiếp nối và mục tiêu cao hơn hướng tới các đấu trường châu lục và thế giới và vì “phù thủy trắng” Ph.Troussier đã quyết ra tay nắm đội bóng trẻ tinh này.

Trở lại với câu chuyện về các lò đào tạo bóng đá của chúng ta. Rõ ràng có một sự tương đồng, tương thích nhất định giữa định hướng lối chơi và phương pháp tuyển chọn, huấn luyện của các lò Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội FC, Viettel, PVF, Nghệ An. Đó là cơ sở thuận lợi để HLV các đội tuyển tuyển chọn và dụng quân, bài binh bố trận theo ý tưởng của họ. Tuy nhiên, chỗ thiếu khuyết đáng kể nhất mà các CLB không thể cung cấp cho các đội tuyển chính là vị trí trung phong. Không phải lúc này mà trong một chiều dài V.League và các hạng đấu Nhất, Nhì, bóng đá nước nhà rất hiếm khi có được một trung phong xuất sắc. Đây là điều HLV Park Hang-seo nhận thấy ngay từ khi bắt đầu nắm đội U23, rồi tuyển quốc gia. Đây cũng là thách thức đau đầu nhất và thầy Park đã tìm nhiều cách để khắc phục. Ông kéo Anh Đức dù tuổi đã cao trở lại. Ông dùng các phương án Công Phượng, Văn Toàn, Hà Đức Chinh, rồi bồi dưỡng và hy vọng vào Tiến Linh, Hà Minh Tuấn với các phương án phối hợp khác nhau để hàng công có thể đạt được hiệu quả. Đó cũng là lý do mà những Văn Quyết, Minh Vương hay Mạc Hồng Quân rất khó lọt được vào sơ đồ tấn công thiếu trung phong cắm, thiếu người làm tường hay tiền đạo mục tiêu. Trong trận chung kết Cúp quốc gia 2019 vừa diễn ra, sở dĩ Văn Quyết lập được công đầu bởi anh đã được tiền đạo Papa Ibou Kebe làm tường nhả bóng trong pha ghi bàn và sau đó anh chuyền bóng cho Kebe bắt tốc độ tạo nên bàn thắng quyết định.

Muốn hay không bóng đá trẻ Việt Nam phải đào tạo được những trung phong. Đương nhiên việc này cực khó khi CLB nào cũng phải dụng đến ngoại binh để có thành tích. Về phần việc phải “liệu cơm gắp mắm”, phải “thiếu bột” mà vẫn “gột nên hồ”, thầy Park đã tổ chức nhiều phương án để ghi bàn. Ngoài các tiền vệ mà điển hình là Quang Hải được đá tự do, bất thần trở thành mũi nhọn thì gần đây các trung vệ, hậu vệ cánh đã thể hiện được khả năng dứt điểm. Vượt qua hạn chế, sức tấn công của các đội tuyển trong tay thầy Park đã trở nên đa dạng và khó lường vì vậy.

Dầu gì thì khoảng trống trung phong nội vẫn là điểm yếu cố hữu. Phải chăng cần có cách làm mới của các lò đào tạo với sự hỗ trợ đắc lực từ các tổ chức bóng đá nước nhà.

ANH NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/nen-bong-da-lien-thong-va-khoang-trong-598844