Nên bắt đầu từ dịch vụ công trực tuyến

Hiện nay, một số đô thị ở Việt Nam đang triển khai đề án thành phố thông minh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong nhiều lĩnh vực như giao thông, y tế, an toàn thực phẩm, cải cách hành chính, chỉnh trang đô thị... Tuy nhiên, nếu thực hiện nửa vời, từ cả cơ quan hành chính và người dân, thì không chỉ lãng phí tiền bạc, thời gian, mà cả các cơ hội phát triển khác.

Thủ tục hành chính: giảm tối đa liên lạc trực tiếp

Với sự phát triển của Internet, số hóa và hạ tầng công nghệ của Việt Nam hiện nay, việc thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến 100% là hoàn toàn thực hiện được.

Với sự phát triển của Internet, số hóa và hạ tầng công nghệ của Việt Nam hiện nay, việc thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến 100% là hoàn toàn thực hiện được. Lợi ích của việc này là tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức cho người dân, rộng ra là lợi ích cho cả nền kinh tế.

Bản thân người viết đang sống tại Pháp, và mấy năm trở lại đây, hầu như không đến trực tiếp các cơ quan nhà nước. Các dịch vụ như yêu cầu bản sao giấy khai sinh, thay đổi thông tin đăng ký xe, đăng ký trường học, trả tiền căn tin cho trẻ, khai thuế và đóng thuế... đều được thực hiện trực tuyến, bất kỳ lúc nào khi có thời gian phù hợp, chứ không theo giờ hành chính cố định. Sau khi thực hiện yêu cầu trực tuyến, các giấy tờ được yêu cầu sẽ được gửi qua đường bưu điện sau đó.

Việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến còn có một lợi ích quan trọng hơn rất nhiều, đặc biệt đối với Việt Nam, đó là không có liên lạc trực tiếp với người xử lý hồ sơ nên sẽ không còn nhũng nhiễu và tham nhũng. Ngoài ra, nó còn giúp việc lưu trữ hồ sơ minh bạch, thuận tiện cho việc kiểm tra giám sát về sau. Rất nhiều quốc gia đã thực hiện số hóa trong việc giải quyết thủ tục hành chính, tiêu biểu nhất có thể kể đến là Estonia (e-services). Ngoài ra, nhiều quốc gia khác cũng đã dựa trên số hóa là động lực để phát triển (digital economy).

Mặc dù Nhà nước đã triển khai một loạt dịch vụ hành chính công trực tuyến, nhưng việc thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, ít cả lượng người sử dụng và dịch vụ ở cấp độ 4.

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến, từ mức độ 1 đến mức độ 4, trong đó phổ biến nhất vẫn là cấp độ 2 và một số ở cấp độ 3 (cấp độ 2: cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu, sau đó hồ sơ được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; cấp độ 3: cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ). Hàng trăm dịch vụ hành chính công được giải quyết một phần trực tuyến thông qua Internet ở địa chỉ www.dichvucong.tentinhthanh.gov.vn chẳng hạn www.dichvucong.hochiminhcity.gov.vn. Người dân từ đó có thể lựa chọn dịch vụ và cơ quan giải quyết thủ tục phù hợp để thực hiện yêu cầu của mình.

Cần sự tích cực của cả người dân lẫn cơ quan hành chính

Mặc dù Nhà nước đã triển khai một loạt dịch vụ hành chính công trực tuyến, nhưng việc thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, ít cả lượng người sử dụng và dịch vụ ở cấp độ 4.

Nguyên nhân đầu tiên có lẽ do chữ ký điện tử chưa được sử dụng rộng rãi dù đã có Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Thực tế hiện nay, phần lớn các giao dịch hay thủ tục đều phải thực hiện ký trên bản giấy, chưa kể trong nhiều trường hợp, có chữ ký rồi mà phải có thêm con dấu của tổ chức để xác nhận. Những quy định này là không cần thiết vì người ký đã chịu trách nhiệm cá nhân với chữ ký của mình.

Cũng liên quan đến chữ ký điện tử là việc xác định nhân thân của người yêu cầu thủ tục hành chính. Việc quản lý thông tin của công dân là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, vì vậy việc xác minh nhân thân cũng là trách nhiệm của Nhà nước, việc này dễ dàng hơn với hệ thống lưu trữ chia sẻ thông tin số hóa. Người dân không thể cứ mỗi lần phát sinh giao dịch thủ tục hành chính lại tự mình thực hiện thêm các thủ tục để xác nhận tình trạng hợp pháp của mình.

Nguyên nhân thứ hai cũng không kém phần quan trọng là người dân chưa biết đến và sử dụng nhiều các dịch vụ hành chính công trực tuyến. Tâm lý của nhiều người dân hiện nay khi yêu cầu dịch vụ hành chính công là cần phải chạy chọt, nhờ vả hay qua dịch vụ trung gian. Việc ít sử dụng dịch vụ trực tuyến của người dân sẽ dẫn đến hiệu quả sử dụng thấp, từ đó không thể thuyết phục Nhà nước tiếp tục đầu tư, mở rộng các dịch vụ trực tuyến. Đây là sẽ một vòng luẩn quẩn vì ít sử dụng - đầu tư ít - hiệu quả thấp - ít sử dụng.

Võ Đình Trí

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/265641/nen-bat-dau-tu-dich-vu-cong-truc-tuyen.html