'Ném đá' trên mạng: Xây dựng các cơ chế luật pháp ràng buộc trách nhiệm người sử dụng

Sau khi lên tiếng bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương xây nhà hát Opera 1.500 tỷ đồng tại TP. Hồ Chí Minh, ngay lập tức ca sỹ Mỹ Linh hứng chịu cơn cuồng nộ của MXH, đỉnh điểm của vụ việc khi chồng cô – ca sĩ Anh Quân lên tiếng 'bênh vực' vợ. Nguồn cơn nào hình thành những 'cơn bão lăng nhục' khổng lồ trên mạng xã hội hiện nay? Và liệu có cách nào để các công dân mạng dừng 'ném đá' vô lý và theo phong trào mà không biết hậu quả của mỗi con chữ là vô cùng lớn?

Phản biện kiểu… “ném đá”

Chỉ cần một giờ đồng hồ “dạo” facebook, chúng ta dễ dàng bắt gặp những “thông tin” ly kỳ, có vẻ vô cùng hấp dẫn. Vấn đề càng nóng, lượt xem càng nhiều, bình luận càng rôm rả. Nhất là có ý kiến nào đi ngược lại với phần lớn thông tin được đánh giá an toàn, được đưa ở nhiều báo trước đó, thì lại càng thu hút được nhiều ý kiến bình luận.

Cũng từ đây, cụm từ “ném đá” đã trở nên phổ biến. Nhiều người sẵn sàng buông lời chê bai, chỉ trích, lên án, thậm chí miệt thị, xúc phạm một cá nhân, một tổ chức, một sản phẩm, một dịch vụ… mà họ không thích.

PGS.TS. Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa toàn thư Việt Nam) cho biết ông đã giật mình khi thấy tần số xuất hiện của cụm từ “ném đá” trên truyền thông, nhất là truyền thông mạng. Với những lý giải chi tiết ngữ nghĩa cùng văn cảnh sử dụng, theo ông, chính cụm từ này mới đáng… “ném đá” nhất, bởi xét đến cùng nó không thể thay thế cho một từ có nghĩa phê phán hay phản đối (dù ở bất kỳ mức độ nào). Thế nhưng đến nay, với sức mạnh của truyền thông, mạng xã hội, cụm từ này không những không mất đi mà ngày càng trở nên phổ biến.

Như phân tích của PGS.TS. Phạm Văn Tình, có thể cụm từ “ném đá” nghe lạ tai, dễ hiểu nên đã được người viết sử dụng với hàm ý “bị công chúng phản ứng, phê bình với mức độ cao”. Theo ông, “ném đá” phản ánh một thái độ phản ứng quá khích, thiếu tinh thần xây dựng; và dù hành vi phản cảm ấy bị đa số cộng đồng lên án mạnh mẽ, cũng không thể quy về hiện tượng ném đá, đánh hội đồng được.

Thế nhưng, thực tế là có nhiều cá nhân không đáng bị “ném đá” nhưng vẫn bị “ném” không thương tiếc khi chẳng may gây ra những sự việc khác… bình thường. “Đá” ở đây chính là sự phê bình, chỉ trích bằng ngôn từ, chúng xuất hiện và lan truyền từ người này sang người khác theo… cấp số nhân, tạo thành “hội đồng ném đá”. Và từ việc là một trong những hình thức tử hình được ghi nhận trong lịch sử loài người, “ném đá” nghiễm nhiên trở thành một kiểu ứng xử trên mạng!

Mạng xã hội, dù vô tình hay hữu ý, cuối cùng cũng đã dần chia sẻ cái gọi là “quyền lực thứ tư” với báo chí truyền thống theo cách trang bị cho mỗi người dùng một cơ hội ngang nhau về quyền lực truyền thông. Từ đó, mỗi người dùng, tùy khả năng, mục đích của bản thân mà sử dụng quyền lực đó theo cách mình muốn. Quyền lực đó không hề ảo, bởi thực tế một Phó Chủ tịch phường ở Văn Miếu bị đình chỉ, một bà mẹ phải xin lỗi cộng đồng bởi bênh con thái quá, trước áp lực truyền thông từ mạng xã hội.

Nhưng không phải đến khi những trường hợp cụ thể đó xảy ra thì người ta mới nhìn thấy quyền lực của mạng xã hội. Ngay khi một người dân giơ máy điện thoại lên như một cách thức để tự vệ thì ý thức về quyền lực đã được xác lập rồi. Tuy nhiên, đa số người dùng vẫn sử dụng quyền lực được trang bị bởi mạng xã hội với tâm thế tham gia một trò chơi trên cõi ảo.

Sự thiếu vắng trách nhiệm của người “chơi” mạng xã hội khiến họ có thể lớn tiếng xúc phạm, chửi mắng bất cứ ai, chỉ dựa trên định kiến, hoặc tình cảm của mình. Họ cũng có thể làm lây lan nỗi sợ hãi, thù ghét, sử dụng bạo lực đối với đồng loại bởi những ý nghĩ của bản thân, thông qua suy diễn ác ý, hoặc ngây thơ của cá nhân.

Đã có những cá nhân phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng mạng xã hội để truyền thông sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng. Nhưng, đó đều là những trường hợp cá biệt, khi thông tin đó gây hậu quả nghiêm trọng, và rõ ràng như vụ hoang tin máy bay rơi gần đây. Vì những tin tức bịa đặt mà đã có những người vô tội bị đánh như hai phụ nữ bán tăm, có người bị đốt xe như chuyện ở Hải Dương. Song, những kẻ loan tin sai sự thật dẫn đến hậu quả đó thì chưa hề bị buộc chịu trách nhiệm.

Quyền lực không bao giờ là một trò chơi, quyền lực luôn có khả năng làm tha hóa con người, quyền lực tuyệt đối sẽ có thể dẫn đến tha hóa tuyệt đối. Vì thế mà quyền lực luôn phải được kiểm soát. Chỉ có quyền lực truyền thông trên mạng xã hội thì chưa phải chịu bất cứ sự kiểm soát nào.

Xu hướng lạm dụng quyền lực truyền thông trên mạng xã hội đang dần trở nên phổ biến trong mọi hành vi ứng xử giữa con người với con người. Vì thế, đã đến lúc, thứ quyền lực đấy cần được kiểm soát bằng luật lệ, bằng quy định và bằng những chế tài nghiêm túc. Đã đến lúc không thể tiếp tục coi việc sử dụng mạng xã hội giống như một trò chơi.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trách nhiệm thuộc về nhiều bên. Thứ nhất, luật pháp của mỗi quốc gia sẽ có nhưng quy định cụ thể trong bộ luật hình sự và dân sự để xử lý các trường hợp này.

Tại Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp Việt Nam có quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Điều này cũng được thể chế hóa tại Bộ luật dân sự, khoản 1 Điều 34 quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”; tại Điều 226 Bộ luật Hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet. Theo đó, người nào xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác đều bị xử lý. Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, hành vi đó có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, mặc dù Việt Nam đã có những chế tài pháp lý nhất định nhưng vẫn phải thừa nhận rằng, chúng ta chưa làm tốt việc ngăn chặn những thông tin giả, nói xấu, bôi nhọ của người dùng trên mạng xã hội. Tồn tại thực trạng đó là do, việc truy tìm thủ phạm tung thông tin xấu độc, thông tin xuyên tạc gặp rất nhiều khó khăn vì các máy chủ đặt tại nước ngoài. Địa chỉ IP truy cập ẩn danh, nên khó khăn trong công tác điều tra. Đồng thời, sự hợp tác, quan hệ phối hợp của các nhà cung cấp dịch vụ chi phối lớn kết quả truy tìm thủ phạm.

Trách nhiệm từ các nhà cung cấp thông tin gây ảnh hưởng hình ảnh tới cá nhân hay tổ chức người dùng.

Như đã biết, các nhà cung cấp thông tin hiện nay như facebook, youtube, twiter, google... đều có những điều khoản chung ràng buộc người dùng và yêu cầu người dùng phải thực hiện các nội dung đó, ngược lại họ có quyền gỡ bỏ các nội dung mà họ xác định là vi phạm. Theo đó, khi một thông tin được phát tán trên các đơn vị này mà họ chưa xác định được vi phạm thì họ không tự tiện gỡ bỏ các thông tin đó. Nếu một tổ chức, cá nhân thứ 3 liên quan nào, nếu phát hiện bất cứ thông tin nào được cho là vi phạm, gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của mình, thì có quyền yêu cầu các đơn vị cung cấp thông tin gỡ bỏ thông tin đó xuống.

Cho tới thời điểm hiện tại, chúng ta chỉ có “quyền yêu cầu”, chứ không phát sinh một nghĩa vụ bắt buộc các đơn vị cung cấp thông tin phải thực hiện. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng họ sẽ thiếu trách nhiệm cũng như làm việc theo cảm tính khi các cơ quan điều tra của Việt Nam có yêu cầu.

Chính vì vậy, chúng ta cần phải yêu cầu các nhà cung cấp thông tin như Google, Facebook, Youtube hay bất cứ một đơn vị doanh nghiệp nước ngoài nào sẽ phải có đại diện tại Việt Nam để xác định được tư cách pháp nhân của họ. Và khi có vấn đề nào đó xảy ra, chúng ta sẽ có đủ cơ sở pháp lý để kiện họ ra tòa cũng như bắt buộc họ phải chịu xử phạt theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, từ những điều kiện ràng buộc với pháp luật Việt Nam, các nhà cung cấp thông tin buộc phải chủ động và có chính sách kiểm duyệt gắt gao hơn trong việc cho phép đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng, mang tính lăng mạ, hạ nhục uy tín, danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên bùng nổ công nghệ, chính vì thế mà ngày càng phải cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để biến nó trở thành một môi trường an toàn, lành mạnh, đầy đủ thông tin nhưng phải trung thực và tôn trọng người khác. Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc xây dựng các cơ chế luật pháp nhằm đảm bảo khả năng chịu trách nhiệm của người dùng mạng xã hội là cần thiết. Và các cơ chế đó phải phù hợp với các quy định của pháp luật.

Khánh An

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/dien-dan-cong-luan/nem-da-tren-mang-xay-dung-cac-co-che-luat-phap-rang-buoc-trach-nhiem-nguoi-su-dung-46913