'Ném đá' thời trang đường phố: Một khuyết thiếu về nhận thức?

Vừa qua, trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam thu đông 2018, hoạt động Thời trang đường phố đã thu hút hàng trăm bạn trẻ tham gia. Ngay sau đó, hàng loạt trang phục đường phố bị đưa lên báo, mạng với những bình luận dè bỉu và ném đá không thương tiếc. Giới sành thời trang cho đây là một hành xử kém văn minh và 'chả hiểu gì về thời trang'.

Các bạn trẻ tạo dáng rất chuyên nghiệp

Các bạn trẻ tạo dáng rất chuyên nghiệp

Thảm họa, xấu xí gây chú ý...

Ngay từ 20/10, hoạt động street style (thời trang đường phố) đã bắt đầu để chuẩn bị cho Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam thu đông 2018. Giới trẻ yêu thích thời trang đổ về phố Tràng Tiền - nơi diễn ra hoạt động street style và phô diễn những bộ cánh cực kỳ lạ mắt. Rất nhiều trào lưu được tái hiện, từ Grunge, Retro-hippie, cho đến Punk, Goth, Preppy... Người đi đường xô đến chụp ảnh, đăng lên facebook và hỉ hả “ném đá”. “Mày khác là mày chết” - có người bình luận.

Stylist Jun Vũ bị ném đá vì trang phục khác người

Các tín đồ thời trang chính thức “nhận gạch xây nhà” khi trang phục của họ được đưa lên báo mạng và hứng chịu cơn phẫn nộ tập thể.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên:

Điều tôi sợ nhất ở một số người trẻ là họ không có khả năng chấp nhận những sự khác biệt. Cứ thấy người nào, việc gì... khác mình là phải tìm cách phủ nhận trước đã. Mà thường cách phủ nhận của những người này đều không theo lý lẽ nào cả. Họ không chỉ ra được hay, dở, tốt, xấu, văn minh, hay lạc hậu. Họ chỉ chỉ trích cá nhân.

Những cụm bình luận như: phản cảm, thảm họa, lòe loẹt, dị, xấu ma chê quỷ hờn... lặp đi lặp lại trong hầu hết comment. Quá khích hơn, một số người quay qua mạt sát cá nhân: tâm thần xổng trại, xấu xí gây chú ý, đú đởn v.v... Ăn mặc khác người bị nâng lên thành “tội”. Rất may là hầu hết những người yêu thời trang miễn nhiễm với những bình luận ác ý. Bằng chứng là những ngày street style tiếp theo, họ vẫn tiếp tục “khác người và gây sốc”.

Stylist Jun Vũ liên tục trưng kiểu tóc đuôi ngựa đặc biệt với phục trang được bình luận là “đậm chất Halloween”. Cô chia sẻ: mặc như thế là bình thường, nếu tiết chế một chút thì không khác đồ mặc nhà là mấy, vì ở nhà cô cũng mặc kiểu này.

Fashionista Kelly Trần nói rằng, cô không quan tâm những lời ném đá, bởi chỉ những người không hiểu gì về thời trang mới có thể phát ngôn như vậy. Trong giới, cách diện trang phục cầu kỳ, lòe loẹt hay khác người... là bình thường và cô đã phải rất nỗ lực để gây hiệu ứng thị giác bởi bây giờ mọi người diện đồ đều có cá tính nên khó mà gây chú ý cho người khác.

Nhà thiết kế trẻ Linh Bazkit cho biết: tôi bị sốc vì phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng trước phong trào thời trang đường phố, nhất là khi các bạn cay cú nói sang câu chuyện về nhân cách và liêm sỉ. Thời nào rồi mà vẫn có những người trẻ không chịu nổi khi thấy một người ăn mặc khác mình?

Mừng vì giới trẻ bắt đầu có gu

Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện cuộc chơi mang tên Thời trang đường phố. Một đại diện của Công ty Cổ phần Truyền thông Đa phương tiện Multimedia JSC - đơn vị tổ chức chương trình Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam thu đông 2018 cho biết: “The Best Street Style” là một hoạt động trong khuôn khổ chương trình và được giới trẻ Thủ đô vô cùng mong chờ, bởi đây chính là nơi họ được tự do thể hiện phong cách thời trang và gout thẩm mỹ cá nhân riêng biệt. Năm ngoái, những bộ trang phục street style cũng đã bị nhiều người chê thảm họa, song điều đó không ảnh hưởng đến nhiệt tình của những tín đồ thời trang với cuộc chơi này.

Trang phục nữ bị coi là "hầm hố"

Bên cạnh những lời chê bai, một số người trẻ lại ra mặt bênh vực cho những thử nghiệm thị giác của những người cùng trang lứa.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hoa:

Khả năng chấp nhận sự khác biệt đòi hỏi năng lực thấu hiểu và thấu cảm. Khả năng đó cần được học hỏi và luyện tập thường xuyên. Không biết chấp nhận sự khác biệt được coi như một khuyết thiếu về nhận thức. Ở những nước phát triển, khả năng chấp nhận của người ta cao hơn. Từ nhỏ trẻ em đã được dạy cách tôn trọng và chấp nhận khác biệt. Thế giới rộng lớn mà ai cũng giống ai thì buồn tẻ bao nhiêu.

Sinh viết: “Tuần lễ thời trang là để cho giới trẻ tự do sáng tạo những bộ trang phục dành cho riêng mình và giao lưu với những người đam mê về thời trang chứ ai cũng mặc quần jean áo thun như nhau thì giao lưu cái gì”?

Tiến trả lời những bình luận quá khích: “Tôi thấy việc họ mặc như vậy không có vấn đề gì để bị chỉ trích cả, cuộc đời của họ họ sống, miễn không vi phạm pháp luật, không ảnh hưởng đến người khác là được”.

Fashionisto Thuận Nguyễn (một người nổi tiếng trong giới thời trang mặc dù đã gần 70 tuổi) tỏ ra lạc quan: “Xu hướng thời trang ở Việt Nam ngày một tiến bộ. Tuy nhiên, thời trang là hành trình dài không phải nay mai có thể thay đổi một thế hệ. Tôi thấy như giờ rất tốt, giới trẻ bắt đầu có phong cách, có gu và ăn mặc sáng tạo”.

Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Thành (sáng lập Queer Forever, đồng sáng lập Nhà sàn Collective), từng có thời gian chụp ảnh thời trang đường phố tại những fashion week quốc tế chia sẻ: “Tuần lễ thời trang là nơi để giới yêu thời trang khoe quần áo hiệu hoặc gây sốc như việc mặc drag hay mặc các loại trang phục không thông thường. Họ gây sốc nhưng vẫn theo trường phái kiểu punk rock hay glam hay gothic... Nhưng đấy là ngày xưa, giờ mọi người ăn mặc tự do hơn nên cũng khó gây sốc hơn”.

Khi được hỏi, những gì mà giới trẻ Việt Nam thể hiện trong tuần lễ thời trang vừa rồi, có được gọi là gây sốc so với phương Tây, anh Thành trả lời: “Nó có lẽ gây sốc với vài người bình thường hoặc khách du lịch nhưng không là gì ở những trung tâm thời trang như Paris hay Milan”. Anh Thành cho biết thêm: “Ở phương Tây, người ta chỉ bị phản ứng về trang phục khi ăn mặc có tính gây xung đột chính trị, tôn giáo, nhập cư, liên quan đến màu da..., chứ nói về gu thẩm mỹ thì không. Người phương Tây có câu “gu thì không bàn” là để nói những trường hợp tương tự”.

Không chấp nhận được sự khác biệt là một khuyết thiếu về nhận thức

Nhận xét về hiện tượng ném đá những trang phục “không giống bình thường”, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Thành cho biết: “Ném đá bây giờ thành hiện tượng mạng, làm gì cũng bị ném, không chỉ gu ăn mặc”.

Quay lại không gian thời trang đường phố, nó được lập ra chính là để cho người ta ăn mặc sáng tạo, ăn mặc “bình thường” vào đấy mới vô duyên.

Việc ăn mặc làm cho người khác choáng chứng tỏ quần áo vẫn có khả năng chất vấn hiện thực, là mọi thứ không như mọi người vẫn tưởng. Kiểu nó phá vỡ vẻ “yên bình” làm lộ ra những thứ “thật” bên trong”.

Một số người trong cuộc, trái lại có cái nhìn lạc quan hơn trong cơn mưa gạch đá lần này. Nhà thiết kế Hoài Trần chia sẻ: “Gu ăn mặc mỗi người mỗi khác, và điều đó làm nên sự phong phú, ngược lại sẽ giống như cả xã hội mặc đồng phục. Trong thời trang, ranh giới xấu, đẹp đôi khi không rõ ràng, cái xấu của hôm nay có khi là trend (xu hướng) của ngày mai. Tôi không nản vì bị ném đá nhưng tôi hơi buồn vì cách các bạn phản ứng. Càng là những lời quá quắt thì chỉ càng chứng tỏ đẳng cấp của bạn thấp quá mà thôi”.

Stylist Hoàng Goth cho biết: “Tôi sẽ vẫn mặc như tôi muốn và tôi thích, không vì người này chê, người kia mắng mà ép bản thân phải ăn mặc giống họ. Có điều lời chê cũng sẽ khiến tôi nhìn lại, trang phục của mình đã thật đẹp chưa, mình còn cần phải cố gắng hơn nữa để sau này, ngay cả những người không thích phong cách của mình nhưng vẫn phải công nhận: cách lên đồ cá tính, hoặc là ngầu, hoặc là đẹp”.

Những tín đồ thời trang tìm mọi cách gây chú ý trong ngày street style

Hạnh Đỗ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/nem-da-thoi-trang-duong-pho-mot-khuyet-thieu-ve-nhan-thuc-1339159.tpo