Nelson Mandela, nhà thể thao vĩ đại của Nam Phi

Đặt chân đến Nam Phi, trong tôi có suy nghĩ: Phải đến ngay Cape Town, địa danh du lịch hàng đầu ở đất nước giàu có nhất lục địa đen này và bởi ở đó có sân vận động màu trắng nổi tiếng mang tên thành phố-sân bóng được xem là hiện đại và đẹp nhất châu Phi.

Từ Cape Town, tôi đã bắt tàu đi ra đảo Robben, cách thành phố Cape Town chỉ 15 cây số, nơi có nhà tù nổi tiếng Robben, nơi mà Nelson Mandeda và các bạn tù của ông đã biến bóng đá trở thành chính trị, và là một trong những vũ khí quan trọng giải phóng dân tộc Nam Phi. Tại nhà tù Robben, tôi đã được đọc cuốn sách “More than just a game”, (tạm dịch: Hơn cả một trận đấu) của tác giả Chuck Korr và Marvin Close. Sau đó, tôi đã đến thăm Bảo tàng Quận 6 ở Cape Town, nơi lưu giữ những tư liệu về các tù nhân nổi tiếng ở nhà tù Robben, giúp tôi thêm hiểu lãnh tụ vĩ đại Nelson Mandela, hiểu về nguyên Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, người đã từng có câu nói nổi tiếng khi bị giam ở nhà tù Robben: “Nếu chúng ta có thể tiến hành một giải bóng đá trong điều kiện khắc nghiệt như thế này, thì chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức, lãnh đạo cả một đất nước”.

 Sân vận động màu trắng nổi tiếng ở Cape Town.

Sân vận động màu trắng nổi tiếng ở Cape Town.

Khi hoa phượng bắt đầu nở đỏ rực ở xứ mình thì tại Nam Phi, bắt đầu mùa đông lạnh đến tê người. Trong cái lạnh xuống gần 0 độ C, tôi đến thăm nhà Nelson Mandela, ngôi nhà mang tên gọi “Quỹ Nelson Mandela” dù nó đã được biết đến như là một bảo tàng về nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng này. Những người dân Nam Phi hàng ngày xếp hàng vào thăm cố Tổng thống Nelson Mandela với một đức tin kỳ lạ. Họ bảo với tôi rằng ông đang ở gần chúng ta, có khi ông trên thiên đường nhưng khoảng cách xa-gần thì bạn-tôi đều có thể chạm được vào ông, cảm nhận được tinh thần của ông, ý chí chiến đấu của ông, khát vọng của ông về một Nam Phi giàu mạnh, bình đẳng, tự do khi bước chân vào ngôi nhà này. Người Nam Phi đến ngôi nhà của Nelson Mandela vẫn hay lầm rầm đọc lại những bài phát biểu của ông, họ thuộc làu làu cứ như thể những bài phát biểu đó đang chảy trong huyết quản của họ.

Đến đây, tôi lại chợt nhớ tới lễ trao giải thưởng thể thao danh giá Laureus tại Công quốc Monaco hồi năm 2000. Khi lãnh tụ Nelson Mandela lên phát biểu ghi nhận những đóng góp của các vận động viên thể thao nổi tiếng cho nền hòa bình thế giới, cả khán phòng im phăng phắc. Nhà lãnh đạo Nam Phi nói không dài, chừng 10 phút thôi nhưng tôi tin là cá nhân tôi và những ai nghe thấy ông trình bày bài diễn văn này qua truyền hình chắc không thể nào quên.

Không có Nelson Mandela, không có World Cup 2010 được tổ chức ở Nam Phi. Nhờ có bóng đá nói riêng, thể thao nói chung mà Nam Phi đã được hàn gắn phần nào, giúp cho người dân ở quốc gia này tạm quên đi những bộn bề vất vả, lo toan trong cuộc sống hàng ngày.

Tại nhà tù Robben vào những năm 60 thế kỷ trước, Nelson Mandela đã đứng ra thành lập Liên đoàn Bóng đá Makana của các tù nhân chính trị với 9 câu lạc bộ tham dự. Năm 2007, FIFA đã công nhận Liên đoàn Bóng đá Makana là thành viên danh dự.

Bài và ảnh: TRUNG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/nelson-mandela-nha-the-thao-vi-dai-cua-nam-phi-573207