'Né' hạn, lũ cho vựa lúa ĐBSCL

Việc lập bản đồ nguy cơ rủi ro thiên tai và kế hoạch thích ứng trong sản xuất lúa cho vùng ĐBSCL sẽ giúp các tỉnh hạn chế được những thiệt hại đáng tiếc.

Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, chỉ trong 6 tháng đầu năm, thiên tai đã đã gây thiệt hại về vật chất hơn 808 tỷ đồng. Trong đó, tại ĐBSCL, biến đổi khí hậu (BĐKH) tiếp tục là mối đe dọa lớn đối với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa. Thực trạng này đặt ra nhu cầu cấp bách về xây dựng các phương án dự báo, phòng tránh và có kế hoạch sản xuất lúa phù hợp với tình hình thời tiết, thiên tai, bão lũ…

Dự đoán đúng, tránh thiệt hại

Để chủ động đối phó với các rủi ro liên quan tới khí hậu, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương đồng thời hài hòa trong định hướng phát triển liên kết vùng, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) và Chương trình Nghiên cứu BĐKH, nông nghiệp và an ninh lương thực khu vực Đông Nam Á đã phối hợp xây dựng phương pháp lập bản đồ nguy cơ rủi ro thiên tai và kế hoạch thích ứng trong sản xuất lúa cho các tỉnh vùng ĐBSCL.

Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa chạy lũ. Ảnh: Duy Khương

Hoạt động này hỗ trợ cho Cục Trồng trọt và các tỉnh tự xây dựng phương án quản lý sản xuất lúa thích ứng với BĐKH thông qua việc lập bản đồ về nguy cơ ngập lụt, hạn hán và xâm nhập mặn quy mô tỉnh.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch thích ứng trong sản xuất lúa cho từng tỉnh và cho toàn vùng. Phương pháp này đã được thử nghiệm từ cuối năm 2016 và sau đó triển khai cho 13 tỉnh ĐBSCL từ đầu năm 2017 đến nay.

Thạc sỹ Lê Thanh Tùng - Trưởng Văn phòng Cục Trồng trọt phía Nam (Bộ NNPTNT), cho biết, ở ĐBSCL, các loại thiên tai liên quan tới khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất lúa được xác định là ngập lũ, hạn hán và xâm nhập mặn. Trong đó, ngập lũ thường xảy ra ở vụ hè - thu, còn hạn hán và xâm nhập mặn thường xảy ra đồng thời và có tác động cộng hưởng (hạn-mặn) ở vụ đông-xuân.

Các bước xây dựng phương án thích ứng
với thiên tai cho vùng trồng lúa ĐBSCL

(Nguồn: Cục Trồng trọt)

Kết quả xây dựng bản đồ nguy cơ thiên tai tại 13 tỉnh cho thấy, có 9 tỉnh ở ĐBSCL đối mặt nguy cơ giảm năng suất lúa do ngập lũ và 10 tỉnh trong vùng phải chịu thiệt hại khi xảy ra hạn - mặn. Chưa hết, diện tích có nguy cơ gặp rủi ro thiên tai của các tỉnh còn thay đổi tùy theo cường độ của thiên tai.

“Ví dụ, những năm ngập lũ cực đoan có thể làm diện tích có nguy cơ thiệt hại tăng tới 67% ở Vĩnh Long, hay hạn-mặn cực đoan làm diện tích có nguy cơ tăng lên trên 60% ở Hậu Giang. Một số tỉnh có cả hai nguy cơ ngập lũ và hạn-mặn như Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang và Vĩnh Long…” - ông Tùng cho biết thêm.

Ông Bùi Tân Yên - cán bộ Chương trình BĐKH, nông nghiệp và an ninh lương thực Đông Nam Á (CCAFS), cũng khẳng định, kế hoạch sản xuất lúa của các tỉnh liền kề ở ĐBSCL có ảnh hưởng trực tiếp với nhau. Ngoài ra, cơ chế chia sẻ các tài nguyên khác như lao động, cơ giới nông nghiệp... của tỉnh này cũng ảnh hưởng lớn tới kế hoạch sản xuất và thích ứng với thiên tai của các tỉnh khác.

Cụ thể như trong những năm hạn hán, dung tích và thời gian giữ nước của các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp có thể làm thay đổi mức độ rủi ro và quy mô thiệt hại của các tỉnh cuối nguồn như Kiên Giang, Long An. Do đó, việc xây dựng được bản đồ nguy cơ rủi ro thiên tai và kế hoạch thích ứng trong sản xuất lúa sẽ giúp các tỉnh ĐBSCL hạn chế những thiệt hại có tính chất “liên hoàn”.

Xây dựng bản đồ dự báo cụ thể

Sau nhiều cuộc họp liên tỉnh, bản đồ phân bố diện tích xuống giống theo tháng nhằm thích ứng với thiên tai trong những năm bình thường và những năm cực đoan tại 13 tỉnh vùng ĐBSCL đã được tổng hợp, duyệt lại lần cuối. “Các kết quả ban đầu này có thể được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch thích ứng với BĐKH và kế hoạch sản xuất lúa gạo. Đây cũng là cơ sở khoa học và thực tiễn để thực hiện “Đề án phát triển sản xuất lúa vùng ĐBSCL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp” - thạc sĩ Lê Thanh Tùng khẳng định.

Ông Bùi Tân Yên cũng cho rằng, những năm gần đây, đã có nhiều chương trình lớn được thực hiện nhằm phát triển bền vững nông nghiệp ĐBSCL dưới tác động ngày càng tăng của BĐKH.

Tuy nhiên, phần lớn các giải pháp tập trung vào xây dựng thể chế hoặc có liên quan đến các công trình như nâng cấp các hệ thống phòng chống lũ, phân lũ, chống xâm nhập mặn và dự trữ nước ngọt... Trong khi đó, các giải pháp thích ứng phi công trình gắn với các điều kiện tự nhiên và sản xuất của các tỉnh còn ít được quan tâm.

Từ đầu 2017 đến nay, dưới sự chủ trì của Cục Trồng trọt và cán bộ Sở NNPTNT các tỉnh ĐBSCL, bản đồ nguy cơ ngập lụt và hạn-mặn, bản đồ đề xuất cơ cấu luân canh lúa, và bản đồ đề xuất lịch thời vụ thích ứng với nguy cơ thiên tai của toàn bộ 13 tỉnh (tỷ lệ 1:50.000) và toàn vùng ĐBSCL (tỷ lệ 1:250.000) đã được hoàn thiện. Toàn bộ các bản đồ số mới đây đã được bàn giao cho Cục Trồng trọt và Sở NNPTNT 13 tỉnh ĐBSCL.

Theo đó, bản đồ nguy cơ thiên tai và kế hoạch thích ứng của từng tỉnh do Cục Trồng trọt và các tỉnh ĐBSCL vừa xây dựng được kết hợp và thống nhất theo 3 tiểu vùng, gồm vùng thượng nguồn (An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An), vùng trung tâm (gồm Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang) và vùng ven biển (gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh Bến Tre). Trên cơ sở này, các tỉnh trong các tiểu vùng có thể kết hợp khi thực hiện kế hoạch thích ứng.

Theo thạc sĩ Lê Thanh Tùng, khi xác định được nguy cơ rủi ro thiên tai cho từng vùng sản xuất, cán bộ chương trình đã thảo luận các phương án thay đổi cơ cấu mùa vụ và lịch xuống giống dựa trên hiện trạng sản xuất của từng huyện trong tỉnh nhằm giảm thiệt hại do thiên tai. Các kết quả thu được sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, cập nhật hàng năm tùy theo những thay đổi về cơ sở hạ tầng, chiến lược sản xuất cụ thể của từng tỉnh và của vùng.

Thuận Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/moi-truong-xanh/ne-han-lu-cho-vua-lua-dbscl-903806.html