Né chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhà đầu tư tiếp tục nhắm đến Việt Nam?

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc hay các FTA, trong đó có CPTPPP là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình Việt Nam được hưởng lợi từ dịch chuyển nhà máy sản xuất của các doanh nghiệp từ Trung Quốc.

Dường như, đây không phải là lần đầu tiên dự báo này được đưa ra để dự báo về những biến động của dòng vốn FDI như thế nào trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến ngày càng leo thang như hiện nay.

Sự chuyển dịch của những “ông lớn”

Né chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhà đầu tư tiếp tục nhắm đến Việt Nam? (ảnh minh họa, nguồn: Internet).

Điều này được thể hiện từ những chỉ báo từ các nhà cung cấp, doanh nghiệp sản xuất trong mạng lưới của những “người khổng lồ” bắt đầu có ý định chuyển dịch địa điểm đầu tư.

Mới đây nhất, thông tin từ Nikkei đưa tin, hãng lắp ráp tai nghe AirPods của Apple tại Trung Quốc cho biết muốn chuyển sản xuất tai nghe không dây sang Việt Nam để né đòn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, công ty chuyên lắp ráp tai nghe AirPods của Apple tại Trung Quốc là GoerTek đã thông báo cho các nhà cung cấp về dự định chuyển việc sản xuất tai nghe không dây sang Việt Nam.

Cũng theo Nikkei, GoerTek là đơn vị lắp ráp linh kiện đầu tiên của Apple xác nhận chuyển kế hoạch sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang.

Rõ rang, bất cứ chuyển dịch hay thay đổi nào về địa điểm sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt lại là nhà cung cấp lớn thì đều cần phải có thời gian và lộ trình. Trong trường hợp này, GoerTek vẫn phải thảo luận thêm với Apple. Tuy nhiên, đơn vị này mong muốn các nhà cung cấp đảm bảo về giá và việc chuyển giao hàng như hợp đồng đã ký.

Được biết, các sản phẩm AirPods, Apple Watch và HomePod từng được liệt vào gói 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế 10%, bắt đầu từ ngày 24/9. Tuy nhiên, vào phút chót, bất ngờ 3 sản phẩm này của Apple đã được loại khỏi danh sách trên.

Theo đó, các nhà sản xuất vẫn lo ngại việc không thể may mắn lần thứ hai khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế bổ sung thêm 267 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Được biết, ngoài GoerTek, hãng cung cấp bộ sạc và đầu nối Cheng Uei cho iPhone và điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android cũng đang lưu ý một số nơi tiềm năng khác để đầu tư tại khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Philippines… bên cạnh địa điểm là Đài Loan khi biết chính xác kế hoạch áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Những chỉ báo về diễn biến các dòng vốn đầu tư sẽ có xu hướng chuyển dịch và Việt Nam là một trong những đích đến hưởng lợi đều có những cơ sở. Theo như nhân định của ông Chan Yoke Ping, Giám đốc Phụ trách thị trường Việt Nam của Tập đoàn logistics YCH (Singapore): “Với nhiều điểm tương đồng với nền kinh tế Trung Quốc, các nhà đầu tư đang tin rằng Việt Nam sẽ lặp lại câu chuyện phát triển thần kỳ của Trung Quốc”.

Theo đó, “Chính việc sở hữu lực lượng lao động có kỹ năng, vị trí địa lý tiệm cận Trung Quốc, cùng một loạt các hiệp định thương mại như với EU và Hàn Quốc, Việt Nam là địa điểm lý tưởng để các nhà đầu tư tận dụng cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung”, ông Chan Yoke Ping, chia sẻ rõ hơn.

Ứng phó như thế nào?

Ông Herb Cochran - Chuyên gia cao cấp về tạo thuận lợi thương mại, Hiệp hội Thương mại Mỹ cũng từng chia sẻ, ngay từ năm 2013, trong chuyến công tác đến phía Nam Trung Quốc, ông đã được các doanh nghiệp Mỹ ở đây bày tỏ mong muốn dời đi.

Đến nay, năm 2018, con số doanh nghiệp ở khu vực này muốn dời hoạt động ra khỏi Trung Quốc lên đến 70%, nhất là khi Tổng thống Mỹ sẵn sàng tăng thêm trừng phạt thuế. Việt Nam là một trong những điểm đến được nhắm tới.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, nhận định, chiến lược của Trung Quốc nhiều năm qua là chuyển dịch từ sản xuất sang dịch vụ, tiêu dùng, tránh thâm hụt lao động. Đó là lý do trong những năm qua, Việt Nam hưởng lợi qua việc đón làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất của các doanh nghiệp từ Trung Quốc sang Việt Nam. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc hay các FTA, trong đó có CPTPP, là chất xúc tác đẩy nhanh tiến trình này.

Đồng quan điểm, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc thị trường Việt Nam, tập đoàn Alibaba, chia sẻ những năm vừa qua, mức lương ở Trung Quốc tăng chóng mặt khiến nhiều công ty không thể chịu nổi. Cùng với yếu tố này, việc Việt Nam tham gia nhiều FTA, có vị trí địa lý sát bên đã khiến làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam ngày càng nhiều. “Ngay khi Alibaba chúng tôi tập trung vào các nhà sản xuất ở Việt Nam thì nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đến gặp để xin hỗ trợ”, ông Thủy nói thêm.

Xu hướng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng thể hiện rõ ở nhu cầu tuyển dụng lao động tăng lên trong thời gian qua.

Theo ông Hải, đây là thời điểm Việt Nam cần định hướng lại các chính sách thu hút đầu tư, có quyền lựa chọn nhà đầu tư kỹ hơn. Đó là cách làm bền vững bởi không có gì chắc chắn là năm năm nữa, các doanh nghiệp FDI không dịch chuyển lần nữa khỏi Việt Nam như đã làm với Trung Quốc khi có thị trường mới nổi lên. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, tạo thế cân bằng và các chính sách ưu đãi cần dành cho mọi thành phần kinh tế.

Ngọc Hà

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/ne-chien-tranh-thuong-mai-my-trung-nha-dau-tu-tiep-tuc-nham-den-viet-nam-140370.html