NDT đưa VNĐ vào thế khó

Ngày 14-5, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã quyết định phá giá nhân dân tệ (NDT) đối với USD ở mức 0,6%, tăng từ 6,7954NDT/USD lên 6,8365NDT/USD. Ngày 15-5, tỷ giá tham chiếu được PBOC tiếp tục tăng lên mức 6,8649NDT đổi 1USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12.

NDT giảm giá so với USD đưa VNĐ rơi vào thế tăng giá so với NDT, dẫn đến nhiều dự báo về tác động đến tỷ giá trong nước. Lời khuyên của giới chuyên gia là nên bình tĩnh theo dõi bước đi của đồng NDT trong những ngày tới.

Khi phá giá NDT

Việc PBOC phá giá NDT tuần qua không phải là chuyện bất ngờ, bởi từ năm 2015 Trung Quốc thường xuyên phá giá NDT để đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này diễn ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang. Theo đó, thời điểm bắt đầu chiến tranh thương mại, 6,2NDT đổi 1USD, sau đó tỷ giá NDT/USD liên tục được điều chỉnh tăng để bù đắp tác động từ mức thuế quan do Mỹ áp đặt.

Trong vòng 30 ngày tới nếu NDT phá giá mạnh Việt Nam có lẽ sẽ có biện pháp đối phó mạnh hơn. Cụ thể, nếu NDT lên 7NDT đổi 1 USD, là thời điểm Việt Nam phải tính đến việc phá giá VNĐ, thông qua việc điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH

Mức phá giá ngày 14 và 15-5 được thực hiện sau khoảng 1 tuần kể từ lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, và tiếp đó Mỹ đã ra danh sách 300 tỷ USD hàng Trung Quốc có thể bị đánh thuế tiếp. Để trả đũa, Trung Quốc cũng tăng thuế nhập khẩu, đồng thời sẽ tiếp tục giảm giá trị đồng NDT đối với USD để đối phó với chính sách áp thuế của Mỹ.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, Trung Quốc giảm giá đồng NDT so với USD nhằm bù trừ cho việc hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế nhập khẩu cao. Khi hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ bị đánh thuế 25%, tức giá hàng hóa tính ra USD sẽ tăng lên 25%, chẳng hạn nhập khẩu vào 100USD cộng với thuế nhập khẩu sẽ ở mức 125USD. Giá cao, sức cạnh tranh sẽ giảm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhưng khi đồng NDT giảm giá so với USD, giá trị hàng hóa từ 100USD sẽ giảm xuống khoảng 95USD, cộng thuế nhập khẩu sẽ còn ở mức 120USD, tức giá cả hàng hóa giảm bớt so với trước khi giảm giá NDT. Do đó, phá giá NDT sẽ tiếp tục được nước này thực hiện trong thời gian tới.

VNĐ yếu thế

Sự đối phó trên của Trung Quốc đang gây lo ngại cho nền kinh tế Việt Nam. Trong năm 2018 và các tháng đầu năm 2019, VNĐ có sự ổn định tương đối đối với USD. Song trong bối cảnh trên, nếu Việt Nam không phá giá VNĐ so với USD, có nghĩa VNĐ lên giá so với NDT. Theo đó, hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ rẻ hơn như cách mà hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ. Việt Nam có thể chịu nhập siêu cao hơn từ Trung Quốc và sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, Việt Nam hiện bị đặt trong thế rất khó: muốn ổn định tỷ giá VNĐ/USD nhưng NDT đang mất giá quá lớn đối với USD. Nếu giữ ổn định cứng nhắc hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam. Lúc này, NHNN chắc chắn đang đắn đo xem xét điều hành tỷ giá VNĐ/USD như thế nào để đối phó với tình trạng NDT đang mất giá so với USD.

Theo dõi để ứng phó

Áp lực từ việc Trung Quốc giảm giá đồng NDT đối với tỷ giá USD/VNĐ khá rõ, nhưng TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, khuyên không nên vội mà cần phải theo dõi. Bởi diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung rất khó đoán định, có thể căng thẳng nhưng cũng có thể hòa hoãn.

Dĩ nhiên khi áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, Mỹ cũng biết Trung Quốc sẽ dùng chiêu giảm giá NDT. Tuy nhiên, NDT giảm giá không chỉ ảnh hưởng đến Mỹ, còn ảnh hưởng đến nhiều đối tác khác của Trung Quốc như Nhật Bản, EU. Theo đó, Mỹ và nhiều nước khác cũng đang chờ phản ứng của Nhật Bản và EU.

Hơn nữa với lần phá giá này, Trung Quốc nói rằng họ thực hiện theo nguyên tắc thị trường, theo cung cầu trong nước, không phải phá giá để đối phó với chiến tranh thương mại. Tuyên bố này đồng nghĩa với việc sẽ không có một đợt phá giá mạnh, nhưng có thể họ sẽ phá giá nhỏ giọt nhưng có thể sẽ phá giá nhiều lần.

“Trong tình hình như vậy, NHNN nên theo dõi, nếu thấy PBOC phá giá nhỏ giọt nhiều lần, tỷ giá VNĐ/USD cũng cần linh hoạt. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với Trung Quốc rất lớn nên không thể bỏ qua, nhưng cũng nên bình tĩnh, thay vì “cầm đèn chạy trước ô tô” do chưa biết Trung Quốc sẽ phá giá theo xu hướng nào.

Nếu NDT phá giá theo hướng đi từng bước, tỷ giá trong nước cũng phải từng bước. Đồng thời, NHNN cũng nên chờ đợi phản ứng của Mỹ và các nước khác trước vấn đề này. Theo đó, nhìn lại tình hình trong nước, phá giá VNĐ sẽ tác động như thế nào đến lạm phát, để từ đó có kế hoạch điều hành linh hoạt” - TS. Nghĩa nói.

Nhiều tháng qua, tỷ giá trung tâm liên tục được NHNN điều chỉnh tăng dù thị trường không có biến động. Điều này cho thấy NHNN đã dự đoán được tiền tệ thế giới sẽ có những biến động. Nhưng đó chỉ là áp lực từ bên ngoài đối với tỷ giá hối đoái vào lúc này. Trong nước, bắt đầu từ quý III-2018, thặng dư thương mại của Việt Nam liên tục giảm, thậm chí thâm hụt.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thặng dư cán cân vãng lai có ý nghĩa quyết định đối với tỷ giá hối đoái. NHNN nhìn vào đó để dự đoán xu thế, áp lực của cán cân vãng lai đối với tỷ giá hối đoái và phải có những hành động trước để tránh những cú sốc. Vì là yếu tố tác động then chốt, trực tiếp và đáng ngại nhất đối với tỷ giá nên kỳ vọng diễn biến này chỉ diễn ra trong ngắn hạn khoảng 6 tháng đến 1 năm. Nếu kéo dài sẽ trở lại chu kỳ từ năm 2011 về trước, Việt Nam luôn thâm hụt cán cân thương mại, dẫn đến khó khăn trong vấn đề điều hành tỷ giá.

Yên Lam

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/vang-ngoai-te/ndt-dua-vnd-vao-the-kho-68377.html