NATO và Nga liệu có tìm tiếng nói chung?

Nga sẽ tạm hoãn triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn hơn trên đất liền ở châu Âu. NATO liệu có làm điều tương tự?

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một phiên thảo luận ở hội nghị Thượng định G7 tại Vịnh Carbis, Cornwall, Anh ngày 12/6/2021. Cả Mỹ và Pháp đều là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một phiên thảo luận ở hội nghị Thượng định G7 tại Vịnh Carbis, Cornwall, Anh ngày 12/6/2021. Cả Mỹ và Pháp đều là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Các thành viên NATO có thể sẽ ra tuyên bố không triển khai tên lửa hạt nhân trên mặt đất ở châu Âu, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với các nguyên thủ quốc gia vào ngày 14/6 tại Brussels, trong khuôn khổ Thượng đỉnh NATO. Trang tin quân sự Defence News tiết lộ, trích dẫn nguồn tin từ một trợ lý Thượng viện Mỹ và một quan chức châu Âu giấu tên.

Sau khi cuộc họp Thượng đỉnh NATO kết thúc, các thành viên NATO có thể sẽ đưa ra một bản dự thảo thông cáo, động thái nhằm tìm ra cách có thể để giảm căng thẳng với Moscow, tạo đà cho đối thoại kiểm soát vũ khí trước thềm cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ-Nga ở Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 16/6.

Các cuộc thảo luận của NATO diễn ra trong bối cảnh Moscow cho hay Nga sẽ tạm hoãn triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn hơn trên mặt đất. NATO và Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bình luận chính thức nào.

Vấn đề này đã là một câu hỏi mở kể từ khi Nga triển khai tên lửa trên mặt đất 9M729 (hay còn gọi là SSC-8 theo hệ thống phân loại của NATO), mà phía Mỹ cho rằng đã vi phạm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) 1987. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF vào năm 2019.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất một sáng kiến mới để giải quyết tình trạng căng thẳng leo thang ở châu Âu sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF. Đặc biệt, ông cho biết Moscow sẵn sàng tự nguyện không triển khai tên lửa 9M729 trên phạm vi lãnh thổ của LB Nga ở châu Âu, nhưng phải dựa trên nguyên tắc "có đi có lại" từ NATO.

Việc NATO triển khai tên lửa mới trên mặt đất chỉ mang tính lý thuyết, ông Stoltenberg- người đứng đầu NATO nói vào năm ngoái, sau một cuộc họp với nhóm lên kế hoạch hạt nhân của NATO. Ông cho biết NATO không có kế hoạch triển khai tên lửa trên mặt đất mới, mặc dầu ông cho rằng một vài nước thành viên có kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không mới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris John ra một tuyên bố chung vào ngày 10/6, trong đó tái khẳng định cam kết kiểm soát vũ khí hiệu quả với mục tiêu vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan trước đó cho hay, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin và Biden dự kiến sẽ thảo luận về một loạt các vấn đề song phương liên quan đến ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí vào ngày 16/6 tới.

Thiên Minh

(theo Sputnik International, Defence News)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nato-va-nga-lieu-co-tim-tieng-noi-chung-n194952.html