NATO và các nước châu Âu lên án vụ Iran tấn công căn cứ quân sự tại Iraq

Ngày 8/1, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ra tuyên bố lên án các vụ tấn công tên lửa của Iran rạng sáng cùng ngày nhằm vào các căn cứ quân sự có binh sĩ Mỹ đồn trú tại Iraq.

Trong tuyên bố của mình, TTK Stoltenberg kêu gọi Iran kiềm chế, đồng thời cho biết không binh sĩ NATO nào tại Iraq bị thương trong các vụ tấn công trên.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 8/1 lên án vụ tấn công của Iran nhằm trả đũa vụ Mỹ không kích sân bay quốc tế Baghdad hôm 3/1 làm Tướng cấp cao của Iran thiệt mạng. Ông kêu gọi: "Iran không nên tái diễn các vụ tấn công táo bạo và nguy hiểm như vậy, thay vào đó nên (tìm cách) khẩn cấp giảm căng thẳng". Ông cũng cho biết thêm rằng "Anh sẽ tiếp tục nỗ lực giảm căng thẳng trong khu vực" và sẽ "quyết tâm đảm bảo sự an toàn và an ninh cho nhân dân Iraq".

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Johnson khẳng định thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 là cách tốt nhất để ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân. Nhận định này được đưa ra sau khi Iran cảnh báo sẽ không tuân thủ các hạn chế đối với chương trình làm giàu urani của mình, và tiếp tục tiến hành các bước đi ngược lại với các cam kết trong thỏa thuận mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), mà Tehran đã ký với các cường quốc thế giới. Thủ tướng Anh nhấn mạnh: "Quan điểm của chúng tôi là JCPOA vẫn là cách tốt nhất để ngăn phổ biến hạt nhân tại Iran, cách tốt nhất để khuyến khích Iran không phát triển vũ khí hạt nhân".

Cùng ngày, Chính phủ Đức đã lên án các vụ tấn công của Iran vào các căn cứ quân sự Al-Asad và Arbil của Iraq, kêu gọi Tehran chấm dứt vòng xoáy xung đột. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh tất cả các bên cần "kiềm chế, và từ bỏ logic leo thang, hướng tới logic đối thoại".

Đức hiện đã tạm thời rút 32 binh sĩ của mình khỏi một doanh trại gần Baghdad và Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kram-Karrenbauer đã bắt đầu soạn thảo các kế hoạch cho "khả năng rút quân một phần" khỏi Arbil. Bộ trưởng Karrenbauer cũng "kịch liệt lên án" vụ tấn công của Iran vào các căn cứ có liên quân đồn trú.

Bà nhấn mạnh: "Điều quan trọng hiện nay là chúng ta không cho phép vòng xoáy này tiếp diễn", đồng thời cho rằng "đầu tiên Iran cần kiềm chế các hành động leo thang hơn nữa". Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng kêu gọi Iran "kiềm chế mọi bước có thể khiến căng thẳng leo thang hơn nữa", cho rằng các bên cần kiềm chế.

Trong một diễn biến liên quan, vài giờ sau vụ tấn công của Iran, Canada đã phát cảnh báo đi lại ở biên giới Iran-Iraq, đề nghị công dân nước mình tránh các chuyến đi không quan trọng đến Iran. Viện dẫn tình hình an ninh bấp bênh, mối đe dọa "khủng bố" trong khu vực và nguy cơ bị bắt giữ vô cớ, Chính phủ Canada kêu gọi công dân tránh đến khu vực trong bán kính 10 km tính từ biên giới Iran - Iraq.

Trong khi đó, CH Cyprus ngày 8/1 cho biết đã chấp nhận đề nghị của Mỹ về việc cho đồn trú một đội phản ứng nhanh trên quốc đảo này trong trường hợp các nhân viên ngoại giao hay dân thường Mỹ cần sơ tán khỏi khu vực do căng thẳng với Iran. Người phát ngôn Chính phủ Cyprus, Kyriacos Koushos cho biết đề nghị của Mỹ đã được chấp nhận vì "các hoạt động nhân đạo đặc biệt".

Bích Liên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/nato-va-cac-nuoc-chau-au-len-an-vu-iran-tan-cong-can-cu-quan-su-tai-iraq-20200108222345112.htm