NATO ra chiến lược mới vì dính hồi mã thương của Nga?

NATO xây dựng chiến lược không quân thực ra chỉ là phản ứng bị động với đòn hồi mã thương của Moscow trong 'kế hoạch Đông tiến'...

NATO công bố chiến lược không quân mới mang tên “Sức mạnh không quân chung”

Ngày 26/6, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã công bố chiến lược không quân mang tên “Sức mạnh không quân chung” (JAP) nhằm đảm bảo cho không quân NATO có khả năng phòng công-thủ trước mọi đối thủ ngang tầm.

JAP giúp cho không quân NATO linh hoạt hơn trong việc tự bảo vệ trước mọi sự cạnh tranh cũng như các tình huống bị đe dọa và dự đoán vai trò ngày càng tăng của các tài nguyên trong không gian cũng như trên không gian mạng.

Sức mạnh không quân đóng vai trò trung tâm trong việc xử lý khủng hoảng và phối hợp sức mạnh tập thể của NATO trong nhiều thập niên, song JAP lại là chiến lược đầu tiên của loại hình này kể từ khi NATO được thành lập vào năm 1949.

NATO đã để Nga chiếm ưu thế trong cuộc chiến tranh trên không gian mạng

“Gần 70 năm, không quân là cốt lõi trong khả năng của NATO. Từ ngăn chặn Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh đến hoạt động ở Balkan và chống khủng bố ở Afghanistan, không quân đã giúp bảo vệ người dân và đạt các mục tiêu chính trị đã đề ra”.

Đó là nhận định của người phát ngôn NATO Oana Lungescu về tầm quan trọng của lực lượng không quân trong các hoạt động của NATO, khi công bố chiến lược “Sức mạnh không quân chung”.

Bà Lungescu nói thêm: “Khi chúng tôi thực hiện các bước để tăng cường khả năng của các lực lượng vũ trang trên toàn liên minh, JAP sẽ giúp không quân NATO vẫn giữ vị thế đẳng cấp thế giới, linh hoạt và sẵn sàng cho bất kỳ khả năng nào".

Theo đại diện NATO, chiến lược “Sức mạnh không quân chung” sẽ tạo ra cho môi trường an ninh cho hiện tại và tương lai, mà trong đó các lực lượng không quân của đồng minh đều có khả năng hoạt động theo chiến lược này.

Đại diện NATO cũng thừa nhận nhiều thập niên qua các hoạt động không quân gặp nhiều cản trở, vì vậy chiến lược mới sẽ khắc phụ được điều đó, khi cảnh báo các hệ thống phòng không hiện đại, chiến tranh mạng và tác chiến điện tử.

JAP cũng giúp cho các lực lượng đặc biệt, các đơn vị hàng hải và an ninh mạng hỗ trợ tốt hơn cho sức mạnh không quân với hệ thống tin tức tình báo, hỗ trợ thông tin mục tiêu và đánh giá sau tấn công.

Chiến lược mới của NATO đặt ra yêu cầu với các lực lượng không quân đồng minh là phải có khả năng chiến đấu trong tất cả các địa hình và môi trường, bao gồm cả không phận phòng thủ và không gian giao tranh.

Trong khi các hoạt động không quân hiện tại của NATO vẫn tiếp tục, JAP sẽ cung cấp một kế hoạch chi tiết cho việc phát triển và hoàn thiện Học thuyết không quân với các khả năng chiến đấu mới.

Xây dựng chiến lược không quân mới chỉ là phản ứng bị động của NATO trước Nga

Chiến lược “Sức mạnh không quân chung” là chiến lược thứ hai chuyên sâu về một lĩnh vực hoạt động của NATO được công bố kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thức, sau khi Chiến lược hàng hải của NATO đã được công bố vào năm 2011.

Từ khi được thành lập cho đến nay, nhất là trong thời hậu Chiến tranh Lạnh, những hoạt động mang đậm "dấu ấn" của NATO hầu hết do lực lượng không quân tạo ra, trong đó có việc ném bom Nam Tư năm 1999 hay Libya năm 2011.

Hiện nay, so với đối thủ trực diện là Nga, không quân NATO được nhìn nhận vẫn có sự vượt trội, vậy mà Brussels đã phải sốt sắng xây dựng chiến lược mới. Phải chăng NATO muốn giành ưu thế tuyệt đối trước đối phương trong mọi hoàn cảnh?

Giới phân tích cho rằng, NATO phải xây dựng chiến lược không quân mới thực ra chỉ là một phản ứng bị động nhằm đối phó Nga, sau khi dính đòn hồi mã thương của Moscow trong "kế hoạch Đông tiến", mở rộng quy mô ngày càng sát biên giới Nga.

NATO xem thường Nga khi thực hiện Đông tiến nên đã bị Nga cho dính đòn hồi mã thương

Sau khi Tổng thống Boris Yeltsin vội vã ký Hiệp ước Cơ sở Nga-NATO vào năm 1997 với nhiều sơ hở, NATO đã phớt lờ Nga và liên tục thực hiện những hành động mang tính thách thức Moscow, trong đó đặc biệt là "kế hoạch Đông tiến".

Khi chính quyền Nga - dưới thời Tổng thống Vladimir Putin - lên tiếng phản đối và chỉ trích thì Brussels lại rằng Moscow bị hoang tưởng với 5 nỗi lo mang tính hoang đường về mối đe dọa từ NATO, theo nato.int - cổng thông tin của NATO.

Nỗi lo mang tính hoang đường thứ nhất : Sự hiện diện của NATO ở vùng Baltic là mối nguy hiểm với Nga, đe dọa an ninh của đất nước và sự ổn định của cuộc sống người dân Nga.

Nỗi lo mang tính hoang đường thứ hai : Hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO đặt tại châu Âu - cụ thể là khu vực Đông Âu - là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh và quốc phòng của nhà nước Nga.

NATO đóng quân tại Baltic đe dọa Nga nhưng lại cho rằng hoang tưởng nên mới Moscow lo lắng

Nỗi lo mang tính hoang đường thứ ba : NATO đã và đang cố gắng tìm cách cô lập Nga, nhằm làm thiệt hại cho đất nước Nga, trong đó đặc biệt là lợi ích chính trị và lợi ích kinh tế của nước Nga.

Nỗi lo mang tính hoang đường thứ tư : NATO cam kết sẽ không mở rộng quy mô sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng thực tế là ngược lại, thể hiện sự thách thức với Nga và đưa mối đe dọa ngày một gần với biên giới nước Nga.

Nỗi lo mang tính hoang đường thứ năm : NATO đang tìm cách bao vây Nga, khi tạo điều kiện cho các nước láng giềng không thân thiện với Nga có cơ hội gia nhập NATO hay trở thành "vùng đệm nguy hiểm" với nước Nga.

Với lập trường quan điểm của Washington-Brussels như vậy, Moscow thừa hiểu là không thể ngăn cản hành động của NATO, nghĩa là mối đe dọa với nước Nga ngày càng tăng lên tỷ lệ thuận với việc NATO mở rộng quy mô qua "kế hoạch Đông tiến".

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nato-ra-chien-luoc-moi-vi-dinh-hoi-ma-thuong-cua-nga-3360993/