NATO nuôi cách mạng màu và cú xoay người của ông Lukashenko

Belarus sẽ mở rộng hợp tác quân sự với Nga để cùng nhau đối mặt với phương Tây

Trong ảnh: Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (Ảnh: AP / TASS)

Trong ảnh: Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (Ảnh: AP / TASS)

Chiến thắng được dự đoán trước của Alexander Lukashenko trong cuộc bầu cử tổng thống ở Belarus đã dẫn đến một làn sóng hành động phản đối ở Minsk và một số thành phố khác cũng được dự đoán từ trước.

Một kịch bản khác trước đó đã được một trong các nước NATO lên tiếng, dự báo về một "cuộc cách mạng màu" cho Belarus. Và, hệ quả tiếp theo sẽ là sự can thiệp của Nga, thông qua Belarus để chiếm toàn bộ khu vực Baltic.

Trong báo cáo năm ngoái của tình báo quân sự Estonia, đã đưa ra một giả thuyết mới về các mối đe dọa từ bên ngoài - chính xác là thông qua "cuộc cách mạng màu" ở Belarus.

"Đánh giá của chúng tôi là nếu có điều không mong muốn nào đó xảy ra với cá nhân Tổng thống Alexander Lukashenko hoặc chế độ của ông ấy, thì nguy cơ lớn là Nga sẽ hành động quân sự nhanh chóng để ngăn Belarus trở thành một quốc gia thân phương Tây."

Báo cáo tình báo nói trên còn nhấn mạnh rằng Estonia là thành viên của NATO và việc Nga tấn công liên minh từ các nước Baltic sẽ dễ dàng hơn.

Không phải tình cờ mà Belarus được đề cập trong bối cảnh này vì đó là quốc gia duy nhất thuộc các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và là thành viên của Hiệp ước Warsaw, không lệ thuộc vào Hoa Kỳ.

Chính thức là lệ thuộc vào Hoa Kỳ, chứ không phải NATO nói chung, bởi vì bản thân Liên minh Bắc Đại Tây Dương dường như không còn là một tổ chức duy nhất và trên thực tế, đang được chuyển đổi thành hai khối.

Cái gọi là EuroNATO, theo sáng kiến của Đức và Pháp, đang cố gắng tách khỏi Mỹ và một NATO mới từ các nước Đông Âu, vốn tuân theo chính sách của Washington vô điều kiện. Đây chủ yếu là Ba Lan, Romania, Latvia, Lithuania và Estonia.

Nếu nhìn vào bản đồ, ta sẽ thấy quanh vành đai biên giới phía Tây của Nga đang tạo ra một vòng cung bao gồm các quốc gia mà Hoa Kỳ đang đưa vũ khí vào, trong đó có hệ thống phòng thủ tên lửa và có tính đến việc triển khai tên lửa hành trình, bao gồm cả những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Và ở đây, Belarus là một "chướng ngại vật" quá rõ ràng đối với việc NATO bao vây Nga theo hướng này, nên người ta đang cố gắng áp đặt cho Minsk kịch bản Maidan của Kiev, diễn ra vào năm 2013-2014.

Để làm được điều này, phương Tây toan tính cần phải loại bỏ Lukashenko, sau đó chắc chắn sẽ kéo theo sự sụp đổ của Nhà nước Liên minh, làm rạn nứt quan hệ giữa Belarus và Nga, kết quả là lãnh thổ Belarus sẽ mở ra cho các lực lượng NATO xâm nhập và vòng vây sẽ xiết lại. Đây chỉ là một kịch bản giả định, tạm thời chưa thể trở thành hiện thực.

Điều nguy hiểm là Lukashenko đang trò chuyện thân mật phương Tây, có nguy cơ mất đi sự ủng hộ của Moscow. Cần lưu ý là, Lukashenko có mối quan hệ không tồi với Hoa Kỳ.

Ngay từ tháng 6 năm 2009, một phái đoàn của Quốc hội Hoa Kỳ đã thăm chính thức Belarus - một giai đoạn mới của quan hệ song phương bắt đầu. Kể từ năm 2013, quan hệ hợp tác đối tác ở cấp Bộ Ngoại giao hai nước đã được tăng cường.

Vào tháng 9 năm 2014, Diễn đàn Đầu tư Belarus-Mỹ lần thứ nhất được tổ chức tại Hoa Kỳ, phía Minsk có sự góp mặt của Thủ tướng Mikhail Myasnikov. Vào tháng 2 năm 2015, chính Lukashenko đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Eric Rubin.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Minsk vào tháng 2 năm nay, sau đó Tổng thống Lukashenko tuyên bố quan hệ đối tác ưu tiên với Hoa Kỳ, có thể được coi là bước cuối cùng của việc khôi phục tình hữu nghị Mỹ-Belarus.

Có vẻ như Lukashenko đang cố tình làm mờ đi quan hệ với Nga, bằng chứng là việc giam giữ một nhóm “người Wagner” ở Minsk vào đêm trước bầu cử. Nhưng đó chỉ là mưu mẹo của Lukashenko, người đang cố gắng bằng mọi cách để bảo toàn quyền lực của mình.

Ông Lukashenko rất cần "hiệu ứng Wagner" này để giành được sự ủng hộ của một bộ phận phe đối lập phản đối mối quan hệ chặt chẽ giữa Minsk và Moscow.

Sau khi nhận được hiệu ứng mong đợi, ông ta ngay lập tức xoay qua hướng ngược lại: “Về triển vọng, nếu ai đó kỳ vọng rằng quan hệ của chúng tôi với Nga đã hoàn toàn xấu đi thì họ đã nhầm.

Tổng thống Nga và tôi sẽ đưa ra quyết định, và không có phương tiện truyền thông nào, không có Wagners nào và những người khác có thể ảnh hưởng đến điều này”,- Lukashenko tuyên bố sau cuộc điện đàm với Putin.

Hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng trong điều kiện quan hệ khó khăn với Moscow, ông Lukashenko đang cố gắng tìm kiếm sự cân bằng trong các cuộc tiếp xúc với phương Tây, nhưng không có chuyện Belarus sẽ định hướng lại. Điều này đặc biệt đúng đối với hợp tác quân sự giữa Nga và Belarus.

Ở đây có thể nói tới số lượng quân thường trực Nga ở Belarus - có hai cơ sở quân sự lớn ở đây: trạm radar Volga ở Gantsevichi (gần Baranovichi) và trung tâm liên lạc hải quân số 43 ở Vileika.

Cơ sở đầu tiên được đặt trong tình trạng trực chiến vào tháng 10/2003, là một phần của hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa, Nga thuê nó cho đến năm 2020.

Cơ sở thứ hai cung cấp thông tin liên lạc giữa Bộ Tổng tham mưu Hải quân Nga và các tàu ngầm hạt nhân đang trực chiến ở các khu vực Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và một phần Thái Bình Dương.

Nhiều khả năng các chuyên gia quân sự Nga hiện đang có mặt tại nhiều cơ sở khác, bao gồm cả hệ thống phòng không.

Alexei Leonkov, chuyên gia quân sự của tạp chí Arsenal of the Nation cho biết: “Sẽ không có gì thay đổi về quan hệ hợp tác quân sự giữa Nga và Belarus. Và điểm mấu chốt ở đây là không phải chỉ riêng đối với Tổng thống Lukashenko, mà là lợi ích chung của hai nước liên quan đến khả năng quốc phòng.

Hai nước có một hệ thống phòng không chung, Nga cung cấp cho Belarus nhiều loại vũ khí và thiết bị quân sự khác nhau với các điều khoản ưu đãi hoặc miễn phí, như trường hợp chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-400 năm 2016.

Hai nước cũng đang tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự chung, trong đó lớn nhất là cuộc tập trận Zapad-2017, diễn ra trên lãnh thổ của hai nước.

Liên minh quân sự giữa Nga và Belarus được gắn với hàng chục văn kiện; các nguyên tắc hợp tác trong chính sách quốc phòng chung được trình bày chi tiết trong Thỏa thuận hợp tác quân sự”.

Ở đây, cần phải tính đến một thực tế là sự phá vỡ hợp tác quân sự sẽ không có lợi cho hai nước, nhất là đối với Belarus. Trên thực tế, Belarus sẽ còn lại một mình với toàn bộ khối NATO và sẽ nhận được mối đe dọa từ Ba Lan, Lithuania và Latvia, nơi quân đội Mỹ đóng quân.

Minsk nhận thức rõ điều này và hiểu rằng chủ quyền của Belarus chủ yếu nằm ở ủng hộ của Nga. Đồng thời, sẽ không có một cuộc xâm lược vũ trang không mong đợi nào.

Lukashenko chắc cũng không muốn có một tình huống "như ở Ukraine". Dường như ông sẽ cố gắng để xếp đặt mọi thứ đúng vào vị trí của nó trong quan hệ với Nga, nhưng trong hợp tác quân sự, ông thậm chí còn có thể tiến tới mở rộng hơn để cùng nhau chống lại phương Tây.

Nguyễn Quang (Theo “Bình luận quân sự” Nga)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nato-nuoi-cach-mang-mau-va-cu-xoay-nguoi-cua-ong-lukashenko-3416046/