NATO 'nín thở' trước Trump

Hội nghị thượng đỉnh NATO từng là nơi các nước giải quyết bất đồng và củng cố quan hệ trong không khí hòa nhã. Mọi thứ thay đổi khi Trump xuất hiện.

Kể từ khi Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng và bắt đầu tham dự các hội nghị thượng đỉnh của NATO, những lần họp bàn của liên minh quân sự lớn nhất thế giới này chỉ còn được chú ý bởi các bất hòa và xáo trộn. Khi dự hội nghị NATO ở Brussels năm 2017, Trump đã khiến mọi người bị sốc khi cho rằng tổ chức này đã "lỗi thời".

Nhiều người hy vọng rằng hành động và lời nói của Trump tại hội nghị thượng đỉnh 2017 chỉ là một sự bột phát, có thể là do thiếu kinh nghiệm chính trị. Tuy nhiên, ở hội nghị thượng đỉnh NATO thứ hai mà Trump tham dự, ông đến muộn, hủy các cuộc họp và đe dọa rời khỏi liên minh nếu các nước thành viên không nhanh chóng tăng chi tiêu quốc phòng.

Trump phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2018. Ảnh: AP.

Trump phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2018. Ảnh: AP.

Những sự cố bị coi là "đáng xấu hổ" đó đã thúc đẩy NATO áp dụng một chiến thuật mới. Năm nay, khi nhóm họp ở London để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập khối, các thành viên NATO tổ chức một "cuộc gặp lãnh đạo" thay vì một hội nghị thượng đỉnh chính thức.

Đây sẽ là một sự kiện ngắn gọn hơn, mang tính biểu tượng nhiều hơn, khi Trump và những người đồng cấp ở NATO chỉ tham dự một lễ tiếp đón - thậm chí không có tiệc tối - với Nữ hoàng Anh Elizabeth II vào ngày 3/12, sau đó tổ chức phiên làm việc chỉ trong 3 tiếng vào ngày 4/12.

Điều quan trọng là với việc tổ chức "cuộc gặp lãnh đạo" như vậy, NATO không cần phải ra một tuyên bố chung, điều mà họ phải làm trong các hội nghị thượng đỉnh chính thức. "NATO giờ đây đang nhất trí rằng họ không cần phải nhất trí", bình luận viên Frida Ghitis của Politico nhận định.

Ghitis cho rằng việc không gọi cuộc họp của các lãnh đạo NATO ở London là "hội nghị thượng đỉnh" cho thấy các thành viên NATO đang lo ngại về Tổng thống Mỹ và tìm cách giảm thiểu những mâu thuẫn do Trump gây ra. Ở thời điểm này, các thành viên NATO dường như đang coi việc hạ cấp các cuộc họp là cách duy nhất trong lúc chờ Trump hết nhiệm kỳ với hy vọng rằng "nước Mỹ một ngày nào đó sẽ lại có trách nhiệm với các đồng minh".

Tổng thống Mỹ Donald Trump (ở giữa đeo cà vạt đỏ) tại hội nghị thượng đỉnh NATO hồi năm 2018. Ảnh: AP.

Trong thời gian "nín thở" đó, NATO dường như đang làm mọi cách để xoa dịu Trump. Vài ngày trước khi các lãnh đạo của khối nhóm họp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố rằng chi tiêu quốc phòng của các đồng minh đã tăng 4,6%, với hầu hết các thành viên đang hướng tới đạt định mức chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2024.

Stoltenberg còn cho biết các thành viên đã đồng ý để Mỹ giảm đóng góp đối với ngân sách chung của NATO từ 22% xuống còn 16%, ngang mức với Đức, dù có nền kinh tế lớn hơn rất nhiều.

"Kể từ khi tôi nhậm chức, số thành viên NATO hoàn thành nghĩa vụ với tổ chức đã tăng gấp đôi, và chi tiêu quốc phòng đã tăng 130 tỷ USD", Trump sau đó viết trên Twitter. Các thành viên NATO dường như cũng vui vẻ để Trump "nhận công", với hy vọng rằng điều đó có thể xoa dịu căng thẳng của ông với liên minh.

Tuy nhiên, việc né tránh các vấn đề hóc búa để xoa dịu Trump tại cuộc gặp ở London cũng sẽ cản trở NATO giải quyết các thách thức nghiêm trọng khác. Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên gây nhiều tranh cãi nhất của NATO, không chỉ đưa quân sang lãnh thổ Syria, mà còn đang ngả về phía Nga, thậm chí còn mua tên lửa S-400 từ Moskva.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có quan điểm mâu thuẫn với các thành viên khác về vai trò của NATO, đặc biệt là Đức, sau bình luận "chết não". Trong khi đó, các thành viên nhỏ hơn lo ngại rằng trong thời điểm khủng hoảng, họ có khả năng không thể dựa vào cam kết quốc phòng của NATO.

Chuyên cơ Air Force One đưa Trump và Đệ nhất phu nhân Melania đến sân bay Stansted, Anh hôm 2/12. Ảnh: AP.

"Chúng ta đang chứng kiến những sự xói mòn nguy hiểm về năng lực của NATO trong việc ngăn chặn các hành động hung hăng, những động thái có lợi cho Putin, trong khi Mỹ đang dần bị cô lập cũng như thiếu khả năng định hình các vấn đề thế giới. Trong bối cảnh NATO đang chật vật sinh tồn, mối nguy hiểm nhất mà liên minh này phải đối mặt chính là Tổng thống Mỹ Donald Trump", Ghitis viết.

John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, cho rằng tình hình với NATO có thể tệ hơn nếu Trump tái đắc nhiệm kỳ hai. Ông lo ngại rằng một khi các bất đồng về chia sẻ gánh nặng ngân sách quốc phòng không được giải quyết, Trump sẽ đi đến quyết định "cực đoan" là rút Mỹ khỏi NATO và các liên minh quốc tế khác.

Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia dưới thời chính quyền Obama, không đồng tình với nhận định của Bolton, cho rằng phe Cộng hòa trong quốc hội sẽ tìm mọi cách ngăn cản Trump rút Mỹ khỏi NATO, song bà cũng bày tỏ lo ngại về tương lai của liên minh quân sự này khi Trump tiếp tục nắm quyền thêm một nhiệm kỳ.

"Tôi nghĩ rằng sự xói mòn niềm tin đối với khả năng lãnh đạo của Mỹ ở NATO, những nghi ngờ về quyết tâm thực hiện cam kết của Mỹ và những biểu hiện của các quốc gia thành viên cũng như của Nga đã cho thấy tổ chức này rất dễ bị tổn thương", bà Rice chia sẻ với Guardian.

"Thật khó để hình dung kịch bản Mỹ rời khỏi NATO, nhưng tôi có thể thấy đó sẽ là một cái chết đau đớn với hàng nghìn vết cắt", bà Rice nói.

Theo VNE

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nato-nin-tho-truoc-trump-557531.html