NATO-nhìn từ kế hoạch phòng thủ cho Ba Lan và Baltic

Có thể thấy phòng vệ tập thể dường như chỉ còn là nguyên tắc ghi trong Hiến chương thành lập và NATO đang trong quá trình tự phân rã...

NATO kích hoạt kế hoạch phòng thủ cho Ba Lan và các nước vùng Baltic

The New York Times đưa tin, ngày 2/7, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã kích hoạt kế hoạch phòng thủ mang tên Eagle Defender dành cho Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ quan điểm phản đối.

Phát biểu với báo giới trong niềm hân hoan, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Raimundas Karoblis cho rằng việc kích hoạt kế hoạch Eagle Defender là "một thành công đối với tất cả các quốc gia thành viên NATO".

Về phía Ba Lan, Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Ba Lan Paweł Soloch cũng đã lên tiếng xác nhận các đồng minh trong NATO thống nhất kích hoạt kế hoạch phòng thủ cho nước này và các nước vùng Batic trước mối đe dọa từ Nga.

Theo giới chức NATO, Kế hoạch Eagle Defender dành cho Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia được soạn thảo theo đề xuất của các nước này sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014.

NATO đang bị động trước Nga

NATO đang bị động trước Nga

Kế hoạch Eagle Defender đã được lãnh đạo 28 nước thành viên NATO thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Anh hồi tháng 12/2019, chỉ duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng phản đối.

Ankara sử dụng quyền phủ quyết để gây sức ép đòi NATO phải có hành động cứng rắn đối với Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) - vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố.

Ngày 16/6 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn kế hoạch Eagle Defender, nhưng Ankara chưa cho phép các chỉ huy quân sự của NATO triển khai kế hoạch phòng thủ này trong thời điểm hiện tại.

Nay thì Ankara đã nhất trí với việc kích hoạt kế hoạch Eagle Defender sau khi phải chịu sức ép từ 29 quốc gia đồng minh khác. Tuy nhiên, kế hoạch Eagle Defender thuộc dạng tài liệu tuyệt mật, nên không được công bố công khai nội dung.

Qua việc kích hoạt kế hoạch Eagle Defender, cho thấy các thành viên NATO vẫn chưa thể yên tâm với việc triển khai lực lượng đến đến Ba Lan và vùng Baltic nhằm bảo vệ các đồng minh tiền tiêu trong 4 năm qua.

Ngày 8/7/2016, tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Warsaw, các nhà lãnh đạo NATO đồng ý lần đầu tiên triển khai lực lượng quân sự đến các nước Baltic và Ba Lan, đồng thời tăng cường tuần tra trên không và trên biển để trấn an các thành viên này.

Liên minh quân sự hùng mạnh quyết định triển khai 4 tiểu đoàn với tổng số 3.000 đến 4.000 binh sĩ, tới vùng đông bắc châu Âu trên cơ sở luân phiên, qua đó thể hiện sẵn sàng bảo vệ các thành viên phía đông trước mọi sự xâm lược của Nga.

Mặc dù vậy, các nhà lãnh đạo NATO cũng nhấn mạnh sẵn sàng theo đuổi đối thoại với Moscow và làm sống lại các biện pháp xây dựng lòng tin mà Nga đã từ bỏ kể từ khi tái sát nhập Crimea năm 2014 và hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.

Tuy nhiên, Warsaw không tin vào ý tưởng đối thoại với Moscow, khi Ngoại trưởng Witold Waszchotowski thẳng từng tuyên bố : " Chúng ta nên từ bỏ lối suy nghĩ mong muốn hợp tác thực dụng với Nga, khi họ tiếp tục xâm chiếm các nước láng giềng".

Đã cho quân đồn trú tại Ba Lan và vùng Baltic mà NATO vẫn chưa yên tâm

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ khi đó là Ben Rhodes khẳng định rằng hành động xâm lược liên tục của Nga đã buộc NATO phải có phản ứng và sự hiện diện của liên minh lớn hơn ở Đông Âu là tất yếu.

Đó là tiền đề cho NATO triển khai quân tới đông Ba Lan và vùng Baltic. Vậy nhưng sau 4 năm triển khai lực lượng tới sườn phía đông, NATO vẫn chưa yên tâm với mối đe dọa Nga, nên phải kích hoạt kế hoạch phòng thủ riêng cho Ba Lan và vùng Baltic.

NATO - nhìn từ kế hoạch phòng thủ cho Ba Lan và các nước vùng Baltic

Việc NATO xây dựng một kế hoạch phòng thủ dành riêng cho Ba Lan và các nước vùng Baltic là một sự kiện bất thường nhưng không khiến dư luận quá bất ngờ, chỉ có điều nó làm bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết của liên minh quân sự hùng mạnh này.

Thứ nhất, phòng vệ tập thể chỉ còn là nguyên tắc ghi trong Hiến chương thành lập và NATO đang tự phân rã

Theo Hiến chương thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 1949, một cuộc tấn công vào một thành viên được xem là tấn công vào cả khối, vì vậy liên minh có các chiến lược quân sự để phòng thủ tập thể trên lãnh thổ tất cả các quốc gia.

Như vậy, bất cứ chiến lược hay kế hoạch phòng thủ nào của NATO luôn phải là kế hoạch chung, chiến lược chung, chứ không thể có kế hoạch dành riêng cho một hay một số thành viên nào cả.

Khi xây dựng và kích hoạt kế hoạch phòng thủ dành riêng cho Ba Lan và các nước vùng Baltic, NATO đối mặt với nguy cơ phải có nhiều kế hoạch phòng thủ cho nhiều thành viên khác nhau, nếu các thành viên ấy nhận diện các mối đe dọa trực diện.

Trong trường hợp này, thực chất NATO đang trong quá trình phân rã. Bởi đơn giản là khi một mắt xích nổi cộm lên thì đương nhiên cả sợi xích không thể vận hành trơn tru, mà sẽ xộc xệch, rồi kết cục chắc chắn là đứt xích.

Rõ ràng, việc xây dựng và kích hoạt kế hoạch phòng thủ mang tên Eagle Defender dành cho Ba Lan và các nước vùng Baltic lại đe dọa chính ngay NATO, trước khi tạo ra được mối đe dọa đối với Nga.

Giới phân tích cho rằng, việc xây dựng và kích hoạt kế hoạch Eagle Defender chỉ là cách NATO tìm tiền đề để tồn tại từ Nga, song Brussels sẽ khó đạt mục đích, bởi chính sách đối ngoại "xây đối tác" của Tổng thống Putin chỉ khiến NATO phân rã.

Đã dựng hàng rào ngăn cách với Nga, mà những người anh em cũ vẫn lo sợ

Thứ hai, NATO chỉ lớn nhưng không mạnh, nên dù có lợi thế nhưng không thể chiếm ưu thế trước Nga

Còn nhớ, ngày 28/6, trước thềm Hội nghị thường niên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), tổ chức ở Vienna về chủ đề Đánh giá an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí, Đại diện phái đoàn Nga Andrei Vorobyov, đã bình luận:

"Chúng tôi thấy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cố gắng giành ưu thế quân sự và điều đó thể hiện ra ở việc gia tăng chi tiêu quân sự. Ngân sách chung của liên minh quân sự hùng mạnh này cao gấp 20 lần ngân sách quốc phòng Nga".

Ông Andrei Vorobyov cho biết, "NATO tiếp tục tập trung xây dựng cơ cấu phần cứng trong cấu thành sức mạnh của mình", khi tất cả các lực lượng, từ không quân, hải quân đến pháo binh, thiết giáp đều được củng cố và tăng cường sức mạnh.

"Số lượng máy bay chiến đấu của NATO nhiều hơn 7 lần so với Nga. Số lượng tàu hải quân của khối NATO nhiều hơn Nga 4 lần. Lực lượng xe tăng và pháo binh của NATO cũng gấp 3 lần Nga".

Vậy nhưng, theo một nghiên cứu của cựu Tổng tư lệnh NATO Philip Breedlove và cựu Tổng thư kí NATO Alexander Vershbow, thì sức mạnh là chưa đủ, mà NATO cần củng cố chiến lược gây áp lực và ngăn chặn từ xa đối với Nga.

Nay, với việc kích hoạt kế hoạch Eagle Defender, cho thấy rõ ràng Mỹ-NATO chưa thể yên tâm với vượt trội về tiềm lực của mình trước Nga và Washington-Brussels thực sự đang rơi vào thế bị động trước Moscow.

Thứ ba, chiến lược - chiến thuật của NATO đã tỏ ra lỗi thời so với chiến lược - chiến thuật của Nga

Năm 2016, NATO quyết định triển khai 4 tiểu đoàn với tổng số từ 3.000 đến 4.000 binh sĩ, tới vùng đông bắc châu Âu trên cơ sở luân phiên, đồng thời tăng cường tuần tra trên không và trên biển, thể hiện sẵn sàng bảo vệ các thành viên phía đông.

Năm 2018, NATO đã phê chuẩn Kế hoạch “30-30-30-30” của Mỹ, theo đó một lực lượng phản ứng nhanh bao gồm 30 lữ đoàn mặt đất, 30 phi đội không quân, và 30 tàu chiến có thể tiếp viện cho Đông Âu trong 30 ngày kể từ khi được cảnh báo.

Từ sau cuộc chiến Nam Tư, NATO ngày càng trở nên mất phương hướng

Tuy nhiên, theo cựu Tổng tư lệnh NATO ông Breedlove và cựu Tổng thư kí NATO Vershbow vẫn chưa đủ, mà phải biến Ba Lan thành căn cứ để hỗ trợ các nước vùng Baltic và biến các cơ sở tạm thời thành căn cứ vĩnh viễn.

"Việc tăng cường sự hiện diện của lực lượng Mỹ và NATO sẽ tạo ra tính răn đe hiệu quả, từ đó buộc Điện Kremlin phải tính toán trong việc đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ và NATO", bộ đôi Breedlove-Vershbow nhận định.

Nay NATO kích hoạt kế hoạch phòng thủ cho Ba Lan và vùng Baltic. Chưa cần biết nội dung kế hoạch Eagle Defender gồm những gì, mà chỉ qua việc liên tục thay đổi trong đối phó với Nga đã chứng tỏ sự lỗi thời về chiến lược-chiến thuật của NATO.

Tóm lại, NATO sẽ không thể vượt qua chính mình - chứ chưa nói vượt qua kẻ thù - nếu liên minh quân sự hùng mạnh này không tự thay đổi, mà quan trọng nhất chính là thay đổi mô hình tồn tại, như nhận định của triết gia người Đức Richard David Prech.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nato-nhin-tu-ke-hoach-phong-thu-cho-ba-lan-va-baltic-3409913/