NATO muốn có thêm thành viên: Quyết định ở Nga

Ukraine tự tin ở bước đầu của thành viên NATO và phương Tây chưa dám nói điều đó vì e ngại Nga, ông Biden gội gáo nước lạnh.

Lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở vịnh Carbis, Cornwall, Anh ngày 11/6/2021.

Lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở vịnh Carbis, Cornwall, Anh ngày 11/6/2021.

Ngày 15/6, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba nói rằng, Kiev đã thực hiện đầy đủ các cải cách để tham gia “Kế hoạch hành động của các thành viên (MAP) NATO” và gần như đã đạt được chương trình này.

Dẫu vậy, cả Ukraine và phương Tây đều không muốn gửi đi tín hiệu như vậy bởi nó sẽ kích động phản ứng từ Nga.

Phát biểu trên chương trình truyền hình ICTV của Ukraine, Bộ trưởng Kuleba cho biết: "Để tham gia MAP, chúng tôi đã tiến hành đủ các cải cách. Phải mất nhiều năm kể từ khi tham gia MAP mới có thể có được nhiều cải cách.

Chúng tôi phải thành thật nói rằng, trở ngại chính để Ukraine tham gia kế hoạch hành động thành viên hiện nay là việc chúng tôi không sẵn sàng gửi một tín hiệu như vậy tới Nga."

MAP là một chương trình của NATO được thành lập vào năm 1999, khi liên minh do Mỹ dẫn đầu bắt đầu mở rộng về phía đông. MAP là nghị trình nhằm tư vấn, hỗ trợ về mặt chính sách và thực tế phù hợp với nhu cầu của các quốc gia thành viên mong muốn gia nhập NATO. Hiện Bosnia và Herzegovina đang là thành viên duy nhất trong chương trình này.

Tham gia MAP không ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của NATO về tư cách thành viên trong tương lai, song đây rõ ràng là bước đệm phù hợp dành cho các quốc gia mong muốn gia nhập NATO, trong đó có Ukraine. Bước đệm này có thể đáp ứng một phần kỳ vọng cho các nước muốn gia nhập NATO mà vẫn không kích hoạt các phản ứng mạnh mẽ của Nga về việc gia tăng thành viên của khối liên minh.

Viết trên Twitter chiều 14/6, khi các nhà lãnh đạo NATO họp thượng đỉnh tại Brussels, Bỉ, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố: “Các nhà lãnh đạo NATO xác nhận Ukraine sẽ trở thành thành viên của Liên minh và MAP là một phần không thể thiếu trong quá trình trở thành thành viên NATO”.

Ukraine “xứng đáng được đánh giá cao về vai trò của mình trong việc đảm bảo an ninh Châu Âu-Đại Tây Dương”, ông Zelensky nói thêm.

Nhưng Kiev đã bị dội gáo nước lạnh ngay sau đó. Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu với báo giới rằng, tư cách thành viên NATO của Ukraine “phụ thuộc vào việc họ có đáp ứng các tiêu chí hay không. Thực tế là họ phải đáp ứng các tiêu chí để tham gia MAP. Về vấn đề này vẫn còn phải chờ xem. Họ còn nhiều việc phải làm".

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng lưu ý việc kết luận Ukraine có thể gia nhập NATO hay không sẽ phụ thuộc vào cả liên minh, chứ không chỉ phụ thuộc vào Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Biden cho biết trong lúc đó Mỹ vẫn sẽ "làm tất cả những gì chúng tôi có thể" để giúp Ukraine đối phó với các động thái của Nga.

Moscow đã nhiều lần bày tỏ thái độ gay gắt, đe dọa và gây áp lực với Kiev về NATO. Năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo những ai tìm cách đưa Ukraine và Georgia vào quỹ đạo NATO “nên suy nghĩ về hậu quả từ chính sách vô trách nhiệm”.

Đồng thời, ông nhấn mạnh Moscow sẽ “phản ứng phù hợp với động thái hung hăng, đe dọa trực tiếp tới Nga”. Ngoài ra, nếu Ukraine trở thành một phần của NATO, thì theo điều 5 về phòng thủ tập thể của Hiến chương NATO, các nước thành viên có nguy cơ phải tham gia đối đầu trực tiếp với Nga. Đây là điều mà gần như không quốc gia nào trong khối mong muốn.

Hơn nữa Ukraine đang phải đối mặt với cuộc xung đột nội bộ phải giải quyết. Một quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh sẽ không thể được gia nhập NATO và vòng xoáy từ cuộc chiến Donbass vừa là nguyên nhân khiến Ukraine chưa thể gia nhập NATO, lại cũng là mục tiêu để Kiev mượn sức NATO để hóa giải mối quan ngại về Nga.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nato-muon-co-them-thanh-vien-quyet-dinh-o-nga-3433930/