NATO lo ngại việc Nga phóng tên lửa sẽ ảnh hưởng tới tập trận ở Na Uy

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 30/10 tuyên bố khối này mong rằng cuộc tập trận tên lửa của Nga tại biển Na Uy vào đầu tháng 11 sẽ không ảnh hưởng đến cuộc tập trận Trident Juncture 2018 của NATO diễn ra trong cùng khu vực.

Binh sĩ Đức tham gia tập trận Trident Juncture 2018.

Cuộc tập trận với tên gọi Trident Juncture 2018 (Liên kết Đinh ba) của NATO đã chính thức diễn ra từ ngày 25/10 và sẽ kết thúc vào ngày 7/11 theo kế hoạch.

Phạm vi địa lý của cuộc tập trận này bao gồm vùng lãnh thổ miền Trung và miền Đông của Na Uy, Biển Bắc, Iceland và cả không phận của Phần Lan và Thụy Điển. Hai nước này không phải là thành viên NATO, nhưng là đối tác hợp tác của NATO.

Ước tính có khoảng 50.000 quân nhân, 10.000 phương tiện, 250 máy bay, 65 thuyền tham gia cuộc tập trận. Đây là cuộc tập trận lớn nhất của NATO kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Mới đây, theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga, nước này cũng sẽ tiến hành một cuộc tập trận bắn tên lửa tại biển Na Uy từ ngày 1-3/11, khu vực gần nơi diễn ra các cuộc tập trận của NATO.

Khi được hỏi về phản ứng của NATO trước động thái này của Nga, ông Jens Stoltenberg cho biết: "Liên bang Nga có sự hiện diện đáng kể trong khu vực, họ thường xuyên tổ chức các buổi diễn tập của lực lượng hải quân. Tôi chắc chắn rằng lực lượng Nga sẽ hành xử có trách nhiệm, chuyên nghiệp và an toàn, cũng như các lực lượng NATO, và điều này sẽ không làm thay đổi kế hoạch các cuộc tập trận của chúng tôi”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh NATO sẽ theo dõi sát sao các hoạt động của Nga, đồng thời xác nhận Nga đang hoạt động trong vùng biển quốc tế và họ đã thông báo cho phía NATO một cách chuẩn mực.

Tổng thư ký cũng lưu ý rằng NATO luôn minh bạch trong hành động đồng thời khẳng định đã thông báo cho Moscow về các cuộc tập trận của mình trong khuôn khổ Hội đồng NATO-Nga cùng với việc mời các quan sát viên Nga chứng kiến Trident Juncture 2018.

Mục đích của cuộc tập trận này như NATO chính thức công bố là tập dượt cho trường hợp giả tưởng “Na Uy bị tấn công”, tức là trường hợp kích hoạt Điều 5 của Hiệp ước NATO với nội dung cơ bản là cả liên minh quân sự có nghĩa vụ hợp sức bảo vệ thành viên bị tấn công. Cụ thể ở đây là giả sử Na Uy bị tấn công thì NATO sẽ triển khai lực lượng như thế nào để trợ giúp thành viên NATO này.

Giới chức NATO quả quyết cuộc tập trận chỉ là “tập trận” và không nhằm cụ thể vào ai. Nhưng chỉ riêng sự lựa chọn địa điểm của cuộc tập trận và mục đích cuộc tập trận như thế cũng đã đủ để cho thấy NATO ám chỉ Nga.

Trong lịch sử NATO, cuộc tập trận này không phải là lớn nhất, nhưng ở thời sau cuộc Chiến tranh Lạnh thì nó là cuộc tập trận lớn nhất cho tới nay của NATO. Phía Nga coi cuộc tập trận này của NATO là hành động “khiêu khích”.

Minh Đăng

Theo Sputnik

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/nato-lo-ngai-viec-nga-phong-ten-lua-se-anh-huong-toi-tap-tran-o-na-uy-20180504224215325.htm