NATO lên kế hoạch huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng chiến đấu cơ F-16

Sau tín hiệu của Mỹ để ngỏ khả năng tái xuất khẩu máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, các nước đồng minh phương Tây bắt đầu lên kế hoạch cung cấp kèm việc huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng loại máy bay này. Động thái của Mỹ và các nước phương Tây đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Nga.

Phát biểu trước báo giới hôm qua (23/5) sau khi tham dự hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Liên minh châu Âu diễn ra tại Bỉ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các nước đồng minh cam kết sẽ đẩy nhanh hoạt động chuẩn bị huấn luyện sử dụng máy bay F-16 cho binh sĩ Ukraine. Dù khẳng định không phải là một bên tham gia xung đột ở Ukraine, song Tổng thư ký NATO nhấn mạnh, NATO cam kết sát cánh lâu dài trong việc hỗ trợ Ukraine.

Tiêm kích F-16. Ảnh: Reuters

Tiêm kích F-16. Ảnh: Reuters

“Tôi sẽ để từng nước thành viên đưa ra thông báo chính xác về thời điểm họ bắt đầu huấn luyện cho Ukraine. Với thông báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tuần qua, chúng tôi sẽ sớm đẩy mạnh kế hoạch huấn luyện. Đây là một dấu mốc quan trọng, cho phép chúng tôi chuyển giao máy bay chiến đấu ở một số giai đoạn và gửi một tín hiệu rất rõ ràng rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine trong dài hạn", ông Stoltenberg nói.

Tuyên bố của Tổng thư ký NATO đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản cuối tuần trước đã xác nhận rằng Mỹ sẽ hỗ trợ nỗ lực đào tạo phi công Ukraine lái các chiến đấu cơ phản lực của phương Tây, bao gồm cả máy bay F-16. Cam kết hỗ trợ của Tổng thống Mỹ tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản đã "bật đèn xanh" cho các nước đồng minh sẵn sàng hỗ trợ máy bay chiến đầu cho Ukraine.

Hiện chưa rõ quốc gia nào sẽ cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine với số lượng bao nhiêu và chuyển giao vào thời gian nào. Tuy nhiên có khoảng 30 nước đang sở hữu F-16 do Mỹ sản xuất, với tổng cộng khoảng hơn 2.000 chiếc. Ngay sau tín hiệu được Tổng thống Mỹ phát đi, một số nước đồng minh, trong đó có Đan Mạch, Ba Lan đã sớm công khai bày tỏ sự ủng hộ và sẵn sàng chung tay cùng Mỹ.

Động thái của Mỹ và các nước phương Tây đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Nga. Phát biểu trước báo giới hôm qua (23/5), người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, việc phương Tây cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí mới, trong đó có máy bay chiến đầu sẽ không thể thay đổi căn bản diễn biến của chiến dịch quân sự đặc biệt.

“Những nguy cơ là ngày càng rõ ràng. Chúng tôi không thể phán đoán thời điểm, nhưng rõ ràng là vòng xoáy gia tăng cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí ngày càng hiện đại vẫn tiếp tục. Quyết định bổ sung máy bay cho Ukraine đã được đưa ra, nhưng giống như tất cả các loại vũ khí khác, nó không có khả năng thay đổi căn bản tình hình trên mặt trận. Đó có lẽ là tất cả những gì tôi có thể nói vào lúc này. Chúng ta đã gặp tình huống này hết lượt này đến lượt khác. Các nước phương Tây đang ngày càng tham gia vào xung đột”.

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cũng tuyên bố, các nước phương Tây sẽ gặp “rủi ro lớn” nếu cung cấp những chiến đấu cơ này cho Ukraine. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, trong mọi trường hợp, điều này sẽ được tính đến ở các kế hoạch và Nga có mọi phương tiện cần thiết để đạt được mục tiêu đề ra.

Trước đó, Nga cũng đã nhiều lần cho rằng việc các nước phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine đang làm cuộc xung đột kéo dài, làm tăng nguy cơ leo thang hơn nữa và điều này đòi hỏi Nga có những biện pháp phòng ngừa nhất định./.

Hồng Nhung/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nato-len-ke-hoach-huan-luyen-binh-si-ukraine-su-dung-chien-dau-co-f-16-post1022293.vov