NATO kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập trong rối ren nội bộ

Từ ngày 3 đến 4-12, tại Thủ đô London của Anh, Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã diễn ra trong bối cảnh nội bộ nhiều rối ren.

Trụ sở của NATO tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Nato.int

Trụ sở của NATO tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Nato.int

Chương trình nghị sự của 29 nước thành viên NATO cùng các quốc gia đối tác mật thiết xoay quanh một loạt phương hướng trong hoạt động quân sự toàn diện. Nhưng hơn hết, những điểm đáng chú ý là giải quyết những vấn đề nội tại của khối. “Lễ sinh nhật” của liên minh quân sự mạnh nhất thế giới diễn ra trong bầu không khí căng thẳng, bởi mối quan hệ giữa các thành viên tồn tại quá nhiều bất đồng khó có thể giải quyết, trong khi đó, nội bộ của nhiều nước thành viên cũng gặp sự rối ren.

Điểm đáng chú ý đầu tiên là gánh nặng ngân sách dành cho quân sự. Quan điểm xuyên suốt của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mỹ phải gánh chịu chi phí quân sự quá lớn (khoảng 22% toàn khối) và không công bằng. NATO từ lâu vẫn nỗ lực xoa dịu Mỹ, mới đây là chấp nhận việc cắt giảm của Mỹ và các nước khác tăng chi tiêu cho ngân sách NATO. Tín hiệu tích cực gần đây từ Đức khi chi 2% tổng sản lượng quốc gia cho NATO. Điều này chưa làm hài lòng ông Trump, đồng thời, ông vẫn cho rằng, các quốc gia khác, nhất là các nước châu Âu chi trả rất ít.

Trong nội bộ Mỹ, ông Trump đang phải đấu tranh với nỗ lực luận tội ông do đảng Dân chủ đối lập kiểm soát Hạ viện dẫn đầu. Cuộc điều tra luận tội đã làm lu mờ mọi thứ trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump. Điều này cũng cho thấy sự rối ren hiện hữu tại nội bộ chính quyền Mỹ.

Tại Anh - nước chủ nhà của hội nghị lần này, “chiếc ghế” của Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đang lung lay sau khi hứng chịu nhiều thất bại liên tiếp trước đảng đối lập trong tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit). Chiến dịch Tổng tuyển cử sớm sẽ diễn ra vào ngày 12-12 và khi đó, những sự thay đổi dự kiến trong chính quyền Anh vẫn chưa định hình rõ nét cho lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ.

Còn Thổ Nhĩ Kỳ đang dồn NATO vào “thế bí” khi nước này cương quyết yêu cầu NATO phải coi người Kurd tại Syria là khủng bố. Nếu không, quốc gia có quân đội mạnh hàng đầu NATO này sẽ không tham gia kế hoạch tại tuyến phòng thủ ở Ba Lan và vùng Baltics. Trong khi đó, lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố này lại là đồng minh trọng yếu của Mỹ trong chiến dịch chống khủng bố tại Syria do Mỹ dẫn đầu. Chiến dịch xuyên biên giới vào nước láng giềng Syria nhằm tiêu diệt người Kurd bất chấp NATO của Thổ Nhĩ Kỳ cũng làm gia tăng mâu thuẫn giữa nước này với các nước thành viên NATO. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã có hàng loạt động thái “ngược dòng” với NATO như: Bắt tay hợp tác với Nga trong nhiều lĩnh vực gồm cả quân sự, mua bán vũ khí, bất chấp sự không đồng bộ với hệ thống vũ khí của NATO; đe dọa mở cửa biên giới cho 3,6 triệu người tị nạn Syria tràn vào châu Âu; yêu cầu được sử dụng vũ khí hạt nhân riêng...

Vào cuối tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mô tả NATO đang trải qua tình trạng “chết não”. Phát biểu của ông Macron nhận không ít chỉ trích của 28 quốc gia khác thuộc NATO. Những màn “lời qua tiếng lại” này như một minh chứng cho thấy, NATO đang thực sự bất ổn ngay từ trong nội bộ. Trên thực tế, Pháp và Đức là những nước mạnh dạn đi đầu trong việc kêu gọi thành lập liên minh quân sự riêng của châu Âu thay thế cho NATO nhằm thiết lập cơ chế độc lập, không bị phụ thuộc và chi phối bởi Mỹ cũng như các siêu cường quốc khác.

Theo như lời kêu gọi của Anh trước sự phân rẽ sâu sắc nội bộ ngày càng gia tăng, hơn lúc nào hết, NATO đang rất cần sự đoàn kết nhằm ưu tiên giải quyết những thách thức từ bên ngoài, thay vì trong nội bộ.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nato-ky-niem-70-nam-ngay-thanh-lap-trong-roi-ren-noi-bo/