NATO khó xử vì căng thẳng Pháp - Thổ

Hôm 1-7, một quan chức quốc phòng Pháp tiết lộ nước này đã thông báo cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về quyết định ngừng tham gia chiến dịch an ninh hàng hải ở Địa Trung Hải sau sự cố giữa các tàu chiến Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ.

 Khu trục hạm tàng hình Courbet của Pháp. Ảnh: NATO

Khu trục hạm tàng hình Courbet của Pháp. Ảnh: NATO

Trong thư gửi cho NATO, Pháp tuyên bố tạm thời rút khỏi chiến dịch “Người bảo hộ trên biển” cho đến khi NATO xử lý thích đáng những quan ngại của nước này.

Pháp đùng đùng nổi giận sau khi cáo buộc các chiến hạm Thổ Nhĩ Kỳ có những hành vi “gây hấn” đối với tàu hộ vệ Courbet của hải quân nước này khi Courbet đang tìm cách kiểm tra một tàu hàng vì nghi ngờ vận chuyển vũ khí lậu cho Libya hồi đầu tháng 6. Khi đó, chiến hạm Thổ Nhĩ Kỳ đã 3 lần chiếu ánh sáng radar vào Courbet, trong khi các thủy thủ vào vị trí chiến đấu. Theo Bộ Quốc phòng Pháp, hành động này thường được thực hiện trong trường hợp tàu chiến có ý định khai hỏa tên lửa. Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ gọi những cáo buộc trên là “vô căn cứ”.

Sau khi Pháp khiếu nại, NATO đã mở cuộc điều tra. Ngoại trưởng các nước EU dự kiến cũng sẽ nhóm họp vào ngày 13-7 tới để thảo luận về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời xem xét các lệnh trừng phạt mới đối với nước này.

Xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp là bằng chứng mới nhất cho thấy những hỗn loạn trong số các nước NATO, khiến họ trở nên đối đầu với nhau nhiều hơn là hợp tác. Ngay cả Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, người thường tìm cách xua tan những bất đồng trong khối, cũng không thể giải quyết những chia rẽ sâu sắc liên quan sự cố hôm 10-6. Căng thẳng trên biển gần đây dường như càng củng cố bình luận từng “gây bão” trước đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng khối quân sự 30 thành viên này đang “chết não”.

Pháp tố Thổ Nhĩ Kỳ vận chuyển vũ khí cho Libya, bất chấp lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng như gửi lực lượng dân quân thân Ankara sang chiến trường này. Thật ra, Ankara ủng hộ chính quyền do LHQ công nhận ở Tripoli, trong khi Paris được cho hậu thuẫn Tướng Khalifa Haftar, nhân vật chỉ huy Quân đội Quốc gia Libya kiểm soát miền Ðông. Tuy nhiên, giới chức quốc gia hình lục lăng luôn khẳng định vai trò trung lập trong cuộc xung đột tại Libya.

HẠNH NGUYÊN (Theo France24)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nato-kho-xu-vi-cang-thang-phap-tho-a122934.html