NATO hỗ trợ Thổ trên không Idlib: Có kích hoạt Điều 5?

NATO khẳng định sẽ hỗ trợ trên không đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ 33 lính Thổ thiệt mạng ở Idlib.

Hôm 28/2, cuộc họp khẩn cấp tại tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 28/2 không đưa biện pháp hành động nào cùng với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến tại tây bắc Syria.

NATO trấn an Thổ bằng không lực?

NATO trấn an Thổ bằng không lực?

Cuộc tham vấn được tổ chức theo Điều 4 NATO do Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu. 27/29 quốc gia NATO đã bày tỏ nhất trí với Thổ Nhĩ Kỳ khi cho rằng, cuộc tấn công “lén lút” của Quân đội Syria vào các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực ngừng bắn là “hành động rất đáng xấu hổ”.

Hội đồng quân sự NATO cũng đã tổ chức nghi thức tưởng niệm cho 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng và nhấn mạnh, NATO sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tối 28/2 nhấn mạnh rằng, NATO đoàn kết mạnh mẽ với Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp tục hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ với một loạt các biện pháp, bao gồm bằng cách tăng cường phòng thủ trên không, giúp Thổ Nhĩ Kỳ chống lại mối đe dọa tấn công tên lửa từ Syria.

Ông Stoltenberg không nêu rõ việc NATO sẽ hỗ trợ trên không cho Thổ Nhĩ Kỳ theo cách nào.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ có thể sẽ không được cung cấp cho Ankara bởi chắc chắn sẽ thiếu sự đồng thuận của Mỹ.

Có thể NATO sẽ triển khai tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung tiên tiến MEADS do châu Âu chế tạo, được đánh giá cao hơn Patriot PAC 3.

Một hệ thống khác có thể cũng được triển khai đó là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung - xa SAMP/T do Pháp chế tạo, tổ hợp này sử dụng tên lửa Aster-15 tầm bắn 30 km và Aster-30 có tầm xa lên tới 120 km. Hệ thống này cũng từng được Thổ Nhĩ Kỳ hỏi mua trước khi ký hợp đồng S-400 của Nga.

Ngoài ra, NATO cũng quyết định cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỉ USD để mua sắm vũ khí, bao gồm bom dẫn đường bằng laser và tên lửa không đối đất cho máy bay chiến đấu F16.

Trong khi đó, về phía Mỹ, Washington cũng quyết định nới lỏng lệnh trừng phạt cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ và đồng ý cung cấp cho Ankara một loạt các bộ phận và linh kiện máy bay chiến đấu F16 để giúp Không quân Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục hoàn toàn khả năng chiến đấu chống lại các cuộc tấn công của liên quân Nga – Syria.

Do vấn đề thiếu hụt linh kiện và đạn dược, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể điều động 30 máy bay chiến đấu F16 cho một lần tấn công.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là giả thiết được giới quan sát đưa ra. Liệu NATO có sẵn sàng ra mặt ở Idlib vẫn là một câu hỏi chưa được trả lời dứt khoát.

Riêng về tham vấn điều 4 theo quy định của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần đề nghị như vậy.

Ankara đã từng yêu cầu tham vấn theo Điều 4 sau khi một trong những chiếc máy bay phản lực của họ bị lực lượng Syria hạ gục vào năm 2012 và năm 2015 sau một loạt các cuộc tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Phản ứng của NATO trong những trường hợp đó đều cho rằng đó là những sự cố và không hành động.

Lần này, NATO đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ nhưng điều đáng chú ý hơn là sự xuất hiện của Nga tại Syria và bất cứ sự đụng độ với Nga cũng đều là những kịch bản rất xấu mà NATO luôn muốn loại trừ trước tiên.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một đồng minh đặc biệt quan trọng của NATO, có tính quyết định đến an ninh châu Âu và vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên eo biển Bosporus, giáp Biển Đen cũng ảnh hưởng đến các toan tính chiến lược của Mỹ trên khắp thế giới.

NATO hiện đang đặt căn cứ Không quân İncirlik ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, có nhiệm vụ điều hành các chuyến bay giám sát trên không và NATO cũng sẽ không tiếp tục để làm đồng minh cảm thấy bị bỏ rơi.

Những gì dường như là một nỗ lực để làm dịu cơn giận của Thổ Nhĩ Kỳ với liên minh NATO là việc Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã kêu gọi Nga ngăn chặn cuộc tấn công ở Idlib.

Tuy nhiên, phía Nga lập luận, Syria là một quốc gia có chủ quyền được Liên Hợp Quốc công nhận. Họ có quyền được tấn công vào các lực lượng khủng bố theo đúng luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã trà trộn vào hàng ngũ phiến quân khủng bố và không thông báo trước.

Cái chết của hàng chục binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ là rất đau lòng nhưng đó là kết quả của những hành động không tôn trọng thỏa thuận và cơ chế liên lạc qua đường dây nóng đã được ba bên triển khai ở chiến trường Idlib.

Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay vẫn bị phía Nga khóa không phận tại Idlib, Syria.

Theo Điều 4 của hiệp ước NATO, cho phép bất cứ thành viên nào của NATO yêu cầu tham vấn với các đồng minh khác khi họ cảm thấy “tính toàn vẹn lãnh thổ, sự độc lập chính trị hoặc an ninh bị đe dọa”

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nato-ho-tro-tho-tren-khong-idlib-co-kich-hoat-dieu-5-3397774/