NATO hạn chế phái bộ ngoại giao Belarus tiếp cận trụ sở

NATO đã hạn chế phái bộ ngoại giao của Belarus tiếp cận trụ sở sau vụ Belarus buộc máy bay của hãng Ryanair hạ cánh khẩn cấp và bắt giữ một nhà báo đối lập.

Hãng AFP đưa tin Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 31-5 đã hạn chế phái bộ ngoại giao của Belarus tiếp cận trụ sở của tổ chức này ở Brussels.

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Belarus đang vấp phải chỉ trích từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sau vụ buộc một máy bay chở khách của hãng hàng không Ryanair (Ireland) hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở Minsk để kiểm tra an ninh và bắt giữ một nhà báo đối lập.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AFP

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AFP

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 31-5 cho biết: “Chúng tôi đã quyết định hạn chế quyền tiếp cận của các nhân viên Belarus vào trụ sở NATO, dựa trên đánh giá của chúng tôi về sáu biện pháp an ninh tại trụ sở”.

Theo một quan chức NATO, dự kiến năm đặc phái viên Belarus, bao gồm một đại sứ, sẽ không còn đặc quyền tham gia các cuộc họp tại trụ sở của NATO.

Ông Stoltenberg cho biết phái bộ Belarus vẫn có thể vào, nhưng chỉ với tư cách khách mời mà không có phù hiệu đại biểu, đồng nghĩa với việc họ không được tiếp cận một số khu vực nhất định.

Belarus không phải là thành viên NATO, song có mối quan hệ với khối liên minh quân sự này từ năm 1992 và duy trì phái bộ ngoại giao tại NATO từ năm 1998.

Theo AFP, động thái ngoại giao của NATO hôm 31-5 phần lớn mang tính biểu tượng, song lại phản ánh sự phản đối của các nước thành viên trước quyết định của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko chuyển hướng một máy bay chở khách của hãng Ryanair để bắt giữ một nhân vật đối lập.

"Chúng tôi cực lực lên án việc máy bay dân sự buộc phải hạ cánh ở Minsk. Chúng tôi kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập" - ông Stoltenberg cho biết, đồng thời hoan nghênh các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Minsk của một số quốc gia thành viên EU và NATO.

"Chúng tôi cũng nói rõ rằng đây không chỉ là hành động vi phạm các chuẩn mực và quy tắc quốc gia, mà còn là một cuộc tấn công trực tiếp vào quyền tự do ngôn luận của báo chí tự do và độc lập" – ông Stoltenberg nói.

Động thái trên diễn ra vào thời điểm căng thẳng leo thang giữa các đồng minh NATO và Nga, quốc gia đã thể hiện sự ủng hộ đối với Belarus.

Theo AFP, trụ sở NATO đang chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo quốc gia thành viên - bao gồm lần tham dự đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó vấn đề liên quan Nga dự kiến cũng được đưa ra trong chương trình nghị sự.

Ông Stoltenberg cho biết: “Những gì chúng ta thấy là một khuôn mẫu hành vi của Nga khi trong những năm qua, Nga đã đầu tư rất nhiều vào các năng lực quân sự hiện đại mới từ các hệ thống vũ khí hạt nhân đến thông thường”.

“Không chỉ vậy, Nga còn sẵn sàng sử dụng vũ lực quân sự chống lại các nước láng giềng Gruzia và Ukraine, tiếp tục gây bất ổn ở Donbas và miền đông Ukraine và sáp nhập Crimea một cách bất hợp pháp” – ông Stoltenberg nói.

"Và sau đó, chúng tôi đã chứng kiến sự hiện diện quân sự của Nga nhiều hơn ở phía bắc, ở biển Barents và biển Baltic, Kaliningrad, Biển Đen, và cả xuống Địa Trung Hải và Trung Đông” - ông Stoltenberg nói thêm.

"Đây là một trong những lý do chính khiến NATO trong những năm qua đã tăng cường tư thế sẵn sàng cho các lực lượng" – ông Stoltenberg nhấn mạnh.

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/nato-han-che-phai-bo-ngoai-giao-belarus-tiep-can-tru-so-989412.html