NATO, EU sẽ cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ?

Thổ Nhĩ Kỳ đang xung khắc toàn diện với NATO và EU, theo giới phân tích, đã đến lúc hai cơ cấu này phải có hành động cứng rắn với Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ và NATO chẳng có điểm gì chung?

Sự leo thang căng thẳng gần đây ở trên biển Aegean có khả năng củng cố mối quan hệ chính trị giữa Hy Lạp và các đồng minh phương Tây, cũng như buộc Liên minh châu Âu (EU) phải chuyển từ đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sang hành động thực sự áp đặt chúng.

Theo ông David L. Phillips, Giám đốc Chương trình Xây dựng Hòa bình và Nhân quyền (PBHR) tại Viện Nghiên cứu Quyền con người của Đại học Columbia đã nêu lên những nhận định của mình về Thổ Nhĩ Kỳ và cá nhân Tổng thống Erdogan.

Ông David L.Phillips là một trong những người ký tên vào tuyên bố: “Đã đến lúc phải chia tay với Erdogan”, được công bố trên tờ The New York Times (NYT) vào ngày 9 tháng 10 bởi “Quỹ Công lý dành cho người Kurd”, do nhà nghiên cứu Mỹ Thomas S. Kaplan và nhà triết học Pháp Bernard-Henri Lévy đồng sáng lập.

Vị chuyên gia này cho biết, nhân kỷ niệm một năm chính quyền Ankara xua quân sang Syria chiếm đóng Rojava (Khu tự trị người Kurd ở Đông Bắc Syria), Tổng thống Erdogan đang tìm cách đánh lạc hướng người Thổ Nhĩ Kỳ khỏi nền dân chủ thất bại của Thổ Nhĩ Kỳ và nền kinh tế trong nước suy thoái bằng cách gây chiến ở Syria, Iraq, Libya, Somalia và Đông Địa Trung Hải.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ và các tổ chức thánh chiến của họ cũng đang đe dọa dân tộc Armenia khác, nhắm vào người Armenia ở Nagorno-Karabakh.

Theo giới chuyên gia, việc Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương là một “sự đã rồi” và không thể thay đổi. Còn nếu đăng ký vào thời điểm này, đơn xin gia nhập NATO của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị bác bỏ ngay lập tức.

Thổ Nhĩ Kỳ và EU, NATO đang có những mâu thuẫn nghiêm trọng

Thổ Nhĩ Kỳ và EU, NATO đang có những mâu thuẫn nghiêm trọng

Đến lúc EU phải cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ?

Vài ngày sau khi tuyên bố của NYT được công bố, cuộc đối đầu giằng co ở Biển Aegean và Địa Trung Hải thậm chí còn trở nên căng thẳng hơn giữa các đối thủ truyền thống, nhưng lại là đồng minh trong NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Athens đã tuyên bố một Cảnh báo Hàng hải NAVTEX (Navigational Telex) cho các cuộc tập trận ở biển Aegean trong khoảng thời gian, bao gồm cả ngày 29 tháng 10 - ngày quốc khánh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáp lại, Ankara đã phản ứng bằng cách tuyên bố NAVTEX của riêng mình tại Aegean vào ngày 28 tháng 10 và quyết định gửi tàu khảo sát Oruç Reis của mình đến thềm lục địa tranh chấp chỉ cách hòn đảo Kastellorizo của Hy Lạp 6,5 hải lý.

Sự leo thang này có khả năng làm gia tăng sự gắn kết trong mối quan hệ chính trị giữa Hy Lạp và các đồng minh phương Tây trong NATO, cũng như buộc Liên minh châu Âu (EU) phải chuyển từ đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sang hành động áp đặt thực sự các lệnh trừng phạt.

Vào ngày 14 tháng 10, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã khởi động chuyến đi tới Ankara để thể hiện tình đoàn kết và sự hỗ trợ "mà Hy Lạp có được từ Liên minh châu Âu và Đức". Ông cũng nhắc người nghe rằng, cuộc khủng hoảng NAVTEX với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới, một gợi ý về các biện pháp trừng phạt tiềm năng.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là một “hành động khiêu khích có tính toán”. Người phát ngôn Morgan Ortagus cho biết: “Tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và cố tình làm phức tạp việc nối lại các cuộc đàm phán quan trọng giữa các đồng minh NATO là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ”. Bà nhấn mạnh, sự ép buộc, dọa nạt và hoạt động quân sự sẽ không giải quyết được căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nato-eu-se-cung-ran-voi-tho-nhi-ky-3423029/