NATO được gì khi đối đầu với Nga?

Theo Ngoại trưởng Nga Lavrov, tình hình hiện tại giống như thời Chiến tranh Lạnh, các quốc gia thành viên NATO chống lại Nga trên mọi vấn đề.

Ngày 21/8, đài RT dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết đối đầu với Nga đã trở thành lý do chính cho sự tồn tại của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và điều này sẽ tạo thêm sự bất ổn và chia rẽ ở châu Âu.

Ông Lavrov nói với nhật báo Trud rằng do không có bất kỳ mối đe dọa thực sự nào đối với an ninh ở châu Âu nên NATO cần phải chọn ra một đối tượng để tổ chức này có thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình.

“Tình hình hiện tại giống như thời Chiến tranh Lạnh vậy, các quốc gia thành viên NATO chống lại Nga trên mọi vấn đề. Đây đã trở thành lý do tồn tại chính của tổ chức này”, ông Lavrov giải thích.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, Nga đã nhiều lần đề xuất lên NATO các biện pháp giúp giảm căng thẳng và nguy cơ xảy ra bất đồng ở châu Âu nhưng không nhận được phản hồi.

“NATO đã cho triển khai lực lượng quân đội rộng rãi ở khu vực phía đông gần biên giới của chúng tôi, bao gồm cả việc tiến hành các cuộc tập trận và phát triển cơ sở hạ tầng quân sự ở đó”, Ngoại trưởng Nga tiết lộ.

Ông cũng khẳng định “NATO đang cố gắng để mở rộng khu vực ảnh hưởng về quân sự và chính trị, tập hợp tất cả các quốc gia thành viên cùng tham gia với lý do nhằm bảo vệ họ khỏi nước Nga”.

“Mặc dù các quốc gia NATO luôn nói rằng mình tuân thủ phương pháp kiềm chế và đối thoại, nhưng ngược lại với Nga, NATO không hề tỏ ý định muốn thực hiện bất kỳ cuộc đối thoại thật sự nào để giải quyết các vấn đề cấp bách giữa hai bên”, ông Lavrov nói thêm.

Binh lính của lực lượng NATO. Ảnh: Reuters

Binh lính của lực lượng NATO. Ảnh: Reuters

Trước đó ngày 17/8, Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích việc Mỹ tăng cường lực lượng quân sự ở Ba Lan sẽ làm trầm trọng thêm tình hình gần biên giới Nga, đồng thời khẳng định NATO đã không còn đáng tin tưởng.

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng NATO đang “nỗ lực bóp méo sự thật” khi tuyên bố việc Mỹ mở rộng lực lượng ở Ba Lan là không có vấn đề gì đáng kể và quan trọng.

“Những cuộc hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây đang ngày càng hướng đến việc chống lại nước Nga, tạo ranh giới chia rẽ và làm trầm trọng thêm căng thẳng ở châu Âu, đồng thời từ bỏ mục tiêu hình thành một không gian hợp tác và tin cậy chung trên toàn khu vực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói.

“Điều này hoàn toàn khiến NATO mất uy tín khi các quan chức tổ chức này tuyên bố rằng NATO được thành lập để bảo đảm an ninh và giảm thiểu căng thẳng ở châu Âu. Trong khi đó, những lời đề nghị cụ thể của Nga về cách giảm căng thẳng trong khu vực vẫn chưa được giải đáp”, bà Zakharova chỉ trích.

Theo RT, chính phủ Nga cũng đã kêu gọi các quốc gia thành viên NATO từ bỏ lập trường đối đầu với quốc gia này.

Thành lập năm 1949, NATO là liên minh chính trị, quân sự của phương Tây, do Mỹ đứng đầu với mục tiêu chính là ngăn chặn sự phát triển mạnh mẽ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.

Để đối trọng với NATO, năm 1955, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu thành lập khối Hiệp ước Warszawa. Sự đối đầu quân sự giữa NATO và khối Warszawa đã trở thành “mặt trận chính yếu” trong cục diện đối đầu hai cực Mỹ - Liên Xô suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Sau khi Liên Xô tan rã (1991) cùng với việc khối Hiệp ướcWarszawa giải thể, trật tự thế giới hai cực cũng sụp đổ theo. Là bên giành chiến thắng mà không tốn một “mũi tên, viên đạn” nào, nhưng trên thực tế, theo nhiều chuyên gia nhận định, do không còn đối thủ xứng tầm nên NATO cũng lâm vào tình trạng “dở khóc, dở cười”, nội bộ lục đục, bất đồng, mâu thuẫn gay gắt, khiến cho liên minh này “đông mà không mạnh” hơn là một liên minh chính thống.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO đã bành trướng sang phía Đông, thu nhận một loạt quốc gia từng nằm trong quỹ đạo của Kremlin, giúp biên giới NATO mở rộng tiến sát Liên bang Nga - nước mà NATO coi là đối thủ thế chân Liên Xô.

Tuy nhiên, số lượng thành viên tăng nhanh cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, trong đó, sự gắn kết, thống nhất, vốn được coi là nhân tố sống còn của NATO ngày càng bị suy giảm. Điển hình là cuộc chiến dưới danh nghĩa chống khủng bố nhằm vào Iraq nă m2003 đã làm NATO bị chia rẽ chưa từng thấy khi một bên ủng hộ, còn một bên gồm những đồng minh chủ chốt của Mỹ như Đức, Pháp, Ý kịch liệt phản đối.

Trong quan hệ với Nga, nhiều thành viên chủ chốt của NATO lại cho rằng, những đòn trừng phạt của khối này đối với Kremlin thời gian qua đều phản tác dụng. Theo họ, NATO cần có quan niệm và cách tiếp cận linh hoạt hơn đối với Nga.

Phớt lờ sức ép từ Mỹ, Đức vẫn gia tăng hợp tác với Nga, phát triển dự án Nord Stream II (Dòng chảy phương Bắc II), đồng thời khẳng định, không chỉ Đức, Nga mà cả châu Âu đều được hưởng lợi từ dự án chiến lược này.

Cùng với Đức, Pháp cũng đề cao vai trò của Nga trong lĩnh vực an ninh và phát triển của châu Âu và Paris. Vì vậy, Moscow đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác về kinh tế, chính trị và an ninh với các quốc gia này.

Khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền ở nước Mỹ với chính sách “nước Mỹ trên hết” đã khiến cho rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu ngày càng lớn hơn. Nhiều tuyên bố và chính sách của ông khiến các đồng minh NATO ở châu Âu lo ngại. Ông Trump là vị tổng thống Mỹ đầu tiên công kích kịch liệt liên minh xuyên Đại Tây Dương, vốn được coi là biểu tượng của phương Tây.

Ông Trump cho rằng, thật phi lý khi Mỹ là nước phải gánh vác quá nhiều gánh nặng tài chính còn các đồng minh châu Âu được hưởng lợi. Ông chỉ trích các đồng minh châu Âu là “những kẻ ăn bám”, đồng thời đe dọa, nếu các nước NATO không tăng chi tiêu quốc phòng (lên 2% GDP) thì Mỹ sẽ không đảm bảo an ninh cho họ.

Tổng thống Trump còn cho áp thuế cao đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ châu Âu, đáp lại, châu Âu (trong đó có nhiều đồng minh của Mỹ) cũng đánh thuế cao nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, khiến cho quan hệ Mỹ và châu Âu đứng bên bờ của cuộc chiến thương mại.

Không chỉ vậy, Washington luôn thể hiện vai trò độc đoán, quyết định các vấn đề quốc tế mà không đếm xỉa đến an ninh, lợi ích của các nước đồng minh. Nhiều nước NATO ở châu Âu đã phản đối gay gắt việc chính quyền Mỹ không tham khảo ý kiến của các đồng minh trước khi quyết định đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân giữa I-ran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức) được ký vào năm 2015; tiếp đó, là rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ và Nga (Liên Xô) đã ký năm 1987.

Theo các nước này, việc Mỹ hủy bỏ các cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân quốc tế sẽ đẩy thế giới vào nguy hiểm; trong đó, châu Âu có thể trở thành “chiến địa” đối đầu của các cường quốc hạt nhân - viễn cảnh làm cả châu Âu lo sợ. Ngoài ra, nhiều đồng minh NATO cũng phê phán các quyết định của Tổng thống Trump ở Trung Đông, nhất là việc rút quân khỏi Syria là khó hiểu và đi ngược lại các cam kết của Mỹ đối với họ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố NATO đang "chết não" và từ lâu đã thúc giục châu Âu nên tự định vị mình là một thế lực có chủ quyền và quyền tự quyết trong khi cố gắng giữ Mỹ ở gần châu Âu nhất có thể kể từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng. Đã đến lúc NATO nên nhìn thẳng vào những vấn đề nội bộ, thừa nhận những điểm yếu để cùng cải thiện.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nato-duoc-gi-khi-doi-dau-voi-nga-3417685/