NATO đoàn kết để sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc?

Trả lời các phóng viên sau cuộc họp trực tuyến của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Loyd Austin ca ngợi điều mà ông gọi là 'quan điểm độc đáo' trong việc ngăn chặn Trung Quốc từ một số quốc gia thành viên chủ chốt bao gồm Phần Lan, Thụy Điển và Liên minh châu Âu.

NATO nay coi Trung Quốc là đối thủ lớn nhất?

NATO nay coi Trung Quốc là đối thủ lớn nhất?

“Tôi hoan nghênh nỗ lực của NATO đối với Trung Quốc và tôi đã nói rõ rằng Mỹ cam kết bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, thứ mà Trung Quốc đã liên tục phá hoại vì lợi ích của chính họ”, ông Austin nói, theo biên bản của Lầu Năm Góc về cuộc thảo luận, theo National Interest.

Tất nhiên, mặc dù ban đầu được thành lập để chống lại Liên Xô cũ trên lục địa châu Âu, NATO đã chứng tỏ khả năng đáp trả ở các khu vực khác trên thế giới, chẳng hạn như Afghanistan sau vụ 11/9 theo Điều 5 của NATO về phòng thủ nhằm bảo vệ tất cả các thành viên khỏi một cuộc tấn công. Với khả năng kết nối toàn cầu ngày càng tăng cùng với những tiến bộ trong công nghệ vệ tinh và mạng, không có lý do gì khiến phạm vi tiếp cận và lớp vỏ bảo vệ mà NATO đưa ra lại không thể tác động đến Thái Bình Dương.

Có nhiều động lực dẫn đến điều này, bao gồm việc các nước ngày càng nhận ra chủ nghĩa bành trướng toàn cầu của Trung Quốc ở những nơi như châu Phi, nơi chính phủ Trung Quốc đang theo đuổi cái mà một số người gọi là một loại “chủ nghĩa đế quốc kinh tế” nhằm tăng ảnh hưởng, quyền sở hữu và quyền lực ở khu vực. Ngoài ra, quân đội Trung Quốc (PLA) đã mở căn cứ quân sự gần một căn cứ của Mỹ ở Djibouti và tăng cường sự hiện diện của lực lượng này trong khu vực. Ở nhiều khía cạnh chính, châu Phi không chỉ nằm trong tầm ảnh hưởng của các lực lượng NATO, mà biên giới phía bắc còn song song với Biển Địa Trung Hải, nơi NATO có thể có sự hiện diện lớn trên mặt nước, dưới biển và trên không.

“Tôi rất vui khi thấy rằng nhiều đồng minh của chúng tôi đạt hoặc vượt Cam kết đầu tư quốc phòng năm 2014 của NATO,” ông Austin nói thêm.

NATO có thể có tác động như thế nào ở Thái Bình Dương? Đó là các cuộc tập trận chung trong khu vực, các hoạt động triển khai toàn cầu từ các nước thành viên. Cũng có một thực tế rõ ràng rằng không gian và không gian mạng không có ranh giới, nghĩa là các thành viên NATO có thể có tác động theo những cách đáng kể mà không nhất thiết phải dựa vào khoảng cách địa lý. Các vệ tinh của đồng minh NATO, đặc biệt nếu hoạt động trong các mạng lưới toàn cầu, có thể giúp xác định vị trí các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc, theo dõi các chuyển động và triển khai binh lực của Trung Quốc ra bên ngoài, điều mà Trung Quốc đang ngày càng theo đuổi khi nước này nhanh chóng vượt ra khỏi một khu vực thống trị sức mạnh để trở thành cường quốc toàn cầu.

Ông Austin nói: “Chúng tôi ở đây, tại Lầu Năm Góc, coi Trung Quốc là thách thức chính ngày càng gia tăng và chúng tôi tin rằng NATO có thể giúp chúng tôi suy nghĩ tốt hơn về các khái niệm hoạt động và chiến lược khi đối mặt với thách thức đó.”

“Mối quan tâm số một và công việc số một của tôi là bảo vệ đất nước này và bảo vệ lợi ích của chúng ta. Và vì vậy chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng chúng tôi có các khái niệm hoạt động phù hợp, các kế hoạch phù hợp và chúng tôi đã cung cấp nguồn lực cho các kế hoạch đó với khả năng phù hợp để đưa ra một lời răn đe đáng tin cậy không chỉ đối với Trung Quốc hay bất kỳ đối thủ nào khác muốn đối đầu với chúng ta, ”ông Austin nói.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/nato-doan-ket-de-san-sang-doi-dau-voi-trung-quoc-1796917.tpo