NATO chia rẽ lớn ở tuổi 70

Trong bối cảnh Anh đang chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập NATO vào ngày 3-4/12, liên minh quân sự này đang đối mặt với những 'rạn nứt' lớn chưa từng thấy.

Các lãnh đạo của 29 nước thành viên sẽ cố gắng thể hiện một sự đoàn kết trong suốt hội nghị thượng đỉnh, song liên minh vẫn đang đối mặt với những nghi vấn xung quanh tính thích đáng và thống nhất của mình, đặc biệt là sau vụ Mỹ rút các lực lượng của mình khỏi Syria hồi tháng 10 vừa qua, một động thái mà ông Trump đã thực hiện mà không tham vấn NATO. Gary Schmitt, một chuyên gia phân tích NATO thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định: “Rõ ràng là sau quyết định đó thì chúng ta thấy Tổng thống Pháp đã nói về việc liên minh này giống như đã ‘chết não’ và ám chỉ sự thiếu khả năng lãnh đạo của Mỹ theo nghĩa điều hành một tổ chức và không tự hành động theo ý mình”.

Việc các nhóm quân của Mỹ rút khỏi Syria đã kích động Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một cuộc tấn công vào lực lượng dân quân người Kurd ở Bắc Syria. Động thái này đã kích động sự bức xúc của ông Macron về cái mà giới ngoại giao Pháp gọi là sự thiếu hợp tác ở cấp độ chính trị của NATO, đồng thời làm dấy lên lo ngại của các đồng minh rằng vụ tấn công này sẽ làm suy yếu cuộc chiến chống lại các phần tử thuộc lực lượng “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.

Trong khi đó, một cuộc chiến sục sôi giữa Nga và Ukraine đã trở thành “phông nền” cho cuộc luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó ông bị cho là đã trì hoãn khoản tài trợ trị giá hàng trăm triệu USD cho Ukraine nhằm gây áp lực buộc Chính phủ nước này tiến hành một cuộc điều tra cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, một ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sắp tới.

Hai cuộc xung đột tại sườn Đông và Nam Âu càng gia tăng sự phức tạp trong mối quan hệ vốn đã rất căng thẳng giữa Mỹ và các thành viên còn lại trong NATO. Trong khi đó, bất chấp những nỗ lực của Mỹ nhằm đảm bảo với các lãnh đạo châu Âu về sự duy trì bổn phận của Washington, sự giận dữ đối với việc Mỹ bỏ bê NATO vẫn còn tồn tại. Nhiều quan chức Mỹ đã xoa dịu các nước châu Âu rằng không nên quá nghiêm túc về những đăng tải trên Twitter của Tổng thống Trump mà hãy tập trung vào những gì đang diễn ra trên thực địa, đặc biệt là sự củng cố quân sự tại khu vực sườn Đông của NATO. Tuy nhiên, từ năm ngoái, các nước châu Âu đã bắt đầu nhận ra rằng “điều đó là chưa đủ” và rằng hiện nay họ đang phải đối mặt với “thực tế của sự khủng hoảng trong NATO”. Một số người châu Âu đang hy vọng “việc Mỹ rút dần khỏi châu Âu có thể sẽ không còn tiếp diễn nếu ông Trump không tái đắc cử”.

Karen Donfried, Chủ tịch Quỹ Marshall Đức của Mỹ, nhận định: “Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO sắp tới sẽ được đánh dấu bởi những chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ liên minh, không chỉ là liên Đại Tây Dương, mà cả trong châu Âu”. Ông Donfried cho biết tại Paris, quan điểm bao trùm là “tự chủ chiến lược”, khi mà hầu hết dư luận ở Pháp nhận định rằng không còn dựa vào sự đảm bảo an ninh của Washington được nữa. Warsaw thì đẩy mạnh sự “kết nối chiến lược”, phát triển mối quan hệ song phương thân thiết với Mỹ nhằm đảm bảo an ninh cho riêng mình, còn Berlin lại ủng hộ “kiên trì chiến lược”. Chuyên gia Donfried nhận định các đồng minh NATO đang tiếp cận với hội nghị thượng đỉnh ở London với tâm lý hiểu rõ rằng họ sẽ phải gánh vác trách nhiệm gắn kết mục tiêu chung của khối với tính thích đáng của khối hiện nay. Bà nói: “Nếu không làm như vậy, Tổng thống Nga Putin sẽ ăn mừng tại Moscow vì liên minh NATO ở tuổi thứ 70 của mình đang phải đối mặt với đầy rẫy bất ổn”.

Vĩnh Hà

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nato-chia-re-lon-o-tuoi-70-116359.html