NATO 'chết não' ở tuổi 70?

Người ta nói rằng chắc chắn sẽ có những tràng vỗ tay khi lãnh đạo các quốc gia thành viên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng tới London kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh quân sự này.

Một đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ trên đường tiến vào Syria hồi tháng 10 ảnh: pbs.org

Một đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ trên đường tiến vào Syria hồi tháng 10 ảnh: pbs.org

Nhưng với một tổng thống Pháp nói NATO “chết não”, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho quân tấn công đồng minh của Mỹ và mua vũ khí Nga, và một tổng thống Mỹ đặt dấu hỏi đối với vai trò bảo vệ phương Tây của Mỹ, tương lai chính trị của NATO trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết.

“Câu hỏi là, trong khi chúng ta kỷ niệm 70 năm, liệu chúng ta đang vẫy tay chào mừng hay liệu người ta có nghĩ rằng chúng ta đang chìm dần”, một nhà ngoại giao NATO kỳ cựu nói với Reuters.

Trong lúc đó, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng mặc dù có bất đồng, tranh cãi, liên minh này vẫn “khỏe mạnh” và đã củng cố năng lực thực hiện các nhiệm vụ chủ chốt bảo vệ châu Âu sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Chúng tôi đang đối diện với nghịch lý”, ông Stoltenberg nói. “Vâng, chúng tôi có một số khác biệt, nhưng thực tế là chúng tôi làm việc cùng nhau nhiều hơn so với nhiều năm trước”.

Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada được nói là sẽ cam kết 400 tỷ USD chi tiêu quốc phòng đến năm 2024 với mục đích xoa dịu tổng thống Mỹ Donald Trump, người từ lâu nói các đồng minh của Mỹ cần phải xùy ra nhiều tiền hơn cho quân sự của khối.

Lãnh đạo các nước được cho là sẽ thông qua kế hoạch ngân sách mới cho giai đoạn 2021-2024 với phần đóng góp của Mỹ được giảm đi. Họ cũng sẽ thông qua chiến lược mới nhằm lần đầu tiên thực hiện giám sát các hoạt động quân sự ngày càng gia tăng từ Trung Quốc, xác định không gian vũ trụ là một chiến trường mới, bên cạnh chiến trường trên biển, trên bộ, trên không và chiến tranh mạng.

Tuy nhiên, với một tổng thống Trump khó đoán định, nay lại có thêm hai lãnh đạo khác là tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cùng chỉ trích NATO, chưa rõ hội nghị lần này sẽ đi đến đâu.

Nguyên tắc cốt lõi bị đặt dấu hỏi

Ông Macron tháng trước đã khiến các thành viên NATO rúng động khi công khai đặt dấu hỏi với nguyên tắc căn bản của khối, là “một cuộc tấn công nhằm vào một thành viên NATO cũng được xem là cuộc tấn công nhằm vào cả khối”.

Sự tức giận của ông Macron trước việc Mỹ rút quân ở Syria hồi tháng 10, mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương tấn công vào miền bắc Syria đã lên đến mức khiến ông phải mô tả NATO “đang trải qua giai đoạn chết não”, chỉ trích khối thiếu chiến lược. Ông cho rằng NATO không thể dựa vào Mỹ được nữa.

Còn ông Erdogan thì tìm mọi cách đánh bại người Kurd ở Syria vốn đã chiến đấu bên cạnh quân Mỹ, thậm chí trì hoãn phê chuẩn kế hoạch bảo vệ các nước vùng Baltics và Ba Lan của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp ngăn cản từ các đồng minh, bất chấp đe dọa trừng phạt của Mỹ, vẫn mua hệ thống tên lửa phòng không từ Nga.

Một nhà ngoại giao kỳ cựu nói các quốc gia Đông Âu đang cân nhắc việc đối đầu với tổng thống Erdogan tại sự kiện ở London, nhưng họ vẫn cần sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đối phó với Nga, quốc gia đã phát triển một số loại tên lửa mới có thể tấn công châu Âu.

“Lãnh đạo liên minh đến London với linh tính về một điểm gở”, CNN dẫn ý kiến của Karen Donfried, chủ tịch quỹ Marshall Đức. “Ít ai thấy trước đó là một cuộc tụ họp đoàn kết và hàn gắn các rạn nứt. Lãnh đạo liên minh có trách nhiệm phải củng cố mục tiêu chung của NATO vì nếu không, sẽ là thảm họa”, ông Donfried nói và nhắc đến nước Nga. “Nếu NATO thất bại trong việc thiết lập một tầm nhìn gắn kết, tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow sẽ nâng cốc ăn mừng”.

“Chúng ta có một hành động gây hấn không phối hợp do một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ, thực hiện ở một khu vực mà các lợi ích của chúng ta bị đe dọa”. Tổng thống Pháp Macron nói với tờ Economist sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ấn công vào Syria

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/nato-chet-nao-o-tuoi-70-1493898.tpo