NATO càng phá đám, 'mối tình' Nga-Serbia càng thêm khăng khít

Sau khi được tặng chiến đấu cơ MiG-29, tăng T-72, Serbia đang lựa chọn mua sắm các hệ thống phòng không của Nga, trong đó có S-300, Buk-M2…

Serbia tiếp tục mua hệ thống phòng không Nga

Trong buổi họp báo công bố chuyến thăm Moscow-Nga từ ngày 18 đến 20 tháng 12, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã cho biết, quân đội nước này dự kiến sẽ mua sáu máy bay trực thăng và một hệ thống tên lửa phòng không hiện đại tầm trung-xa của Nga.

Lúc này, dư luận chỉ có thể phán đoán về hệ thống phòng không mà nước này muốn mua.

Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, nhà báo của tờ Politica, chuyên gia quân sự Miroslav Lazanski nhận định rằng, phương án S-300 không phù hợp với Serbia.

Chúng đã được trang bị cho các nước NATO láng giềng là Bulgaria và Hy Lạp, có nghĩa Belgrade cần cái gì đó hiện đại hơn.

Nếu nói về các phiên bản của S-300, theo ông là nên lưu ý đến S-300VM (Antey-2500) của hãng Almaz-Antei. Nó hơn hẳn các phiên bản S-300 và có lẽ ở mức độ nào đó có thể sánh được với S-400. Tuy nhiên, đó không phải là thứ đồ rẻ tiền - ông Lazanski nói.

Theo chuyên gia, Serbia không nên cố mua hệ thống phòng không quá đắt tiền và chứng tỏ mình là một thủ lĩnh quân sự ở Balkans, bởi nguồn ngân sách chi cho mua sắm vũ khí của nước này quá hạn hẹp.

"Chúng tôi không có nhiều tiền, mà chỉ mua một hệ thống phòng không thôi không đủ. Nếu mua bất kỳ phiên bản S-300 nào thì cần ít nhất là một sư đoàn, tức là ba khẩu đội, gồm 18 xe và 4 bệ phóng cho mỗi xe. Cộng với tên lửa, cộng với radar… Tất cả sẽ là một khoản rất lớn” - ông giải thích.

Theo ông, tốt nhất nên là ZRPK Pantsir-S1 và Buk-M2 vì nó tương thích với hệ thống phòng không ZRK Kub mà Serbia đang có, đồng thời, nguồn ngân sách này đủ cho lực lượng phòng không nước này mua một vài hệ thống phòng không tầm trung đáng tin cậy.

Chuyên gia cho biết, về trực thăng sự lựa chọn chính xác là máy bay Nga vì Serbia đã có ba chiếc Mi-17 (hai chiếc được mua của Nga năm 2016 năm) và một số Mi-8 cần sửa chữa.

Nước này có cơ sở hậu cần cần thiết, nhà máy Moma Stanojlovic có đầy đủ công cụ sửa chữa, các các nhân viên kỹ thuật của Serbia đã học trên mô hình này, các phi công sẽ không khó từ Mi-8 chuyển sang ngồi trên Mi-17. Ngoài ra, đây là lựa chọn có lợi nhất từ quan điểm kinh tế.

Theo vị chuyên gia này, Mi-17 hiện tại là máy bay trực thăng vận tải tốt nhất trên thế giới, giá thành thấp hơn so với các đối thủ phương Tây - ông Lazansky kết luận.

Nga đã sử dụng hiệu quả con bài cung cấp vũ khí để thắt chặt quan hệ với Serbia, trước sự lôi kéo của NATO

Nga đã sử dụng hiệu quả con bài cung cấp vũ khí để thắt chặt quan hệ với Serbia, trước sự lôi kéo của NATO

NATO khiến quan hệ Nga-Serbia thêm khăng khít

Trong thời gian qua, Nga chuyển giao cho Serbia hàng loạt vũ khí với điều kiện ưu đãi. Năm 2016 Nga và Serbia đã nhất trí việc chuyển nhượng trong khuôn khổ sự hỗ trợ quân sự-kỹ thuật 6 máy bay MiG-29MS và 30 xe tăng T-72S trang bị giáp phản ứng nổ, 30 xe thiết giáp BRDM-2.

Trong đó, Nga biếu không MiG-29 và xe tăng, thiết giáp; Serbia chỉ phải trả tiền đại tu, nâng cấp mà thôi. Do đó, chính quyền Serbia đã rất hoan hỉ trước sự “hậu đãi” của chính quyền Moscow.

Được biết, việc Nga cũng cấp miễn phí các loại vũ khí tối tân cho Serbia là nằm trong chiến lược của Moscow nhằm “giữ chân” nước này trong bối cảnh các nước NATO đang ra sức lôi kéo Belgrad gia nhập Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Thời gian qua, quan hệ giữa Nga và Serbia đang trong giai đoạn hết sức nhạy cảm khi Belgrad tiếp tục nhận những lợi ích kinh tế, quân sự từ Nga, nhưng trong chính quyền nước này đang có luồng tư tưởng đòi cắt đứt quan hệ với Moscow để đi theo EU và gia nhập NATO.

Những người theo trường phái về với Nga như "Khối Yêu Nước" gồm Đảng Dân chủ Serbia (DSS), đảng "Những cánh cửa" và các nhà trí thức độc lập đang phản đối ý tưởng tiếp tục các đàm phán với Liên minh châu Âu bởi hiện nay, phần lớn dân chúng nước này hoặc phản đối, hoặc rất hoài nghi về sự gia nhập của Serbia vào EU.

Trong khi đó, phe thân phương Tây cũng đang thúc giục Liên minh châu Âu và NATO đang tăng cường các động thái ngoại giao, kinh tế và quân sự nhằm lôi kéo chính quyền Belgrade ngả về phía mình, tạo dựng “một khu vực Balkan không ảnh hưởng của Nga”.

Do đó, trong thời gian qua Nga cũng tăng cường đầu tư kinh tế, viện trợ quân sự, kết hợp với các hoạt động ngoại giao nhằm lôi kéo nước này thoát khỏi vòng vòng tay của EU và NATO. Do đó, việc Nga cung cấp máy bay, tên lửa phòng không cho Serbia là nhằm thắt chặt quan hệ giữa hai nước.

Hợp tác này đều có lợi cho hai bên, Nga thì đẩy được một số lợi vũ khí không còn nhyu cầu sử dụng, đồng thời thắt chặt quan hệ với “đồng minh Balkan”; còn Serbia được cung cấp một số vũ khí vẫn tương đối tiên tiến, còn sử dụng được vài chục năm với giá siêu rẻ.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nato-cang-pha-dam-moi-tinh-nga-serbia-cang-them-khang-khit-3348923/