NATO Ảrập tung hoành Trung Đông: Bình mới rượu cũ

NATO Ảrập là một tổ chức quân sự cấp thấp hơn NATO và được thành lập vẫn để phục vụ cho lợi ích của Mỹ các các nước phương Tây.

Mỹ đứng sau tất cả

Mới đây, Hội nghị thượng đỉnh Ả rập - Hồi giáo - Mỹ đã thông qua quyết định trọng tâm là thành lập một lực lượng chống khủng bố với nòng cốt là các quốc gia Trung Đông, được gọi là "NATO Ảrập" do Ảrập Saudi dẫn đầu.

"NATO Ảrập" là khái niệm được Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng để đặt tên cho tập hợp lực lượng mà ông đang gắng công gây dựng ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh.

Nhiều quan điểm cho rằng phiên bản NATO mang tính khu vực được thành lập tạm thời chỉ để giải quyết các sự vụ mang tính cấp bách và chuyên đối phó với những quốc gia không theo định hướng của phương Tây như Iran hay Syria.

Theo đó, một trung tâm chống khủng bố tại Riyadh đã được thành lập nhằm giám sát và chỉ huy chiến đấu chống khủng bố IS và cực đoan trong khu vực. Liên minh sẽ quy tụ số lượng ban đầu là khoảng 34 nghìn binh sĩ.

Liên minh "NATO Ả rập" sẽ do Ảrập Saudi lãnh đạo

Nét khác biệt lớn nhất của liên minh này là nó sẽ do Ảrập Saudi lãnh đạo với thành viên chủ chốt là các quốc gia Ảrập, cùng "một lực lượng quân sự cụ thể" để sẵn sàng tung vào cuộc chiến chống khủng bố, không phụ thuộc vào các lực lượng quân sự sở tại.

Mỹ là thành viên trụ cột nhưng lại không đảm nhận vai trò quân sự chủ chốt. Mức độ tham gia trực tiếp các hoạt động quân sự được Mỹ chủ ý hạn chế ngay từ đầu.

Với "NATO Ảrập", Mỹ không tham chiến trực tiếp mà chỉ đứng đằng sau hỗ trợ bằng vũ khí và hậu cần quân sự, thông qua không kích từ xa và thông tin tình báo để tránh thiệt hại về người.

"NATO Ảrập" chỉ là hiện tượng ''bình mới, rượu cũ'', vẫn mang bản chất của NATO, là một tổ chức quân sự cấp thấp hơn NATO và được thành lập vẫn để phục vụ cho lợi ích của Mỹ các các nước phương Tây.

Mục tiêu chính của "NATO Ảrập"

Giới phân tích nhận định rằng, rõ ràng là liên minh này được thành lập với mục đích để tung vào Syria, đánh bại khủng bố IS để chiếm đất Syria và đuổi các cố vấn quân sự Iran và nhóm vũ trang được Tehran hậu thuẫn (ví dụ như lực lượng Hezbollah của Lebanon hay các nhóm vũ trang người Shii’te khác) về nước.

Với sự thành lập của Liên minh này, tình hình Syria sắp tới đây sẽ càng phức tạp hơn nữa. Nếu chính quyền Assad không nhanh chóng giành lại những vùng đất bị IS chiếm đóng thì tới đây họ có thể sẽ mất chúng, bởi Liên minh NATO Ả rập sẽ lấy danh nghĩa chống khủng bố để xâm nhập nước này.

Trên thực tế, "NATO Ảrập" là khái niệm được Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng để đặt tên cho tập hợp lực lượng mà ông đang gắng công gây dựng ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh. Cốt lõi của nó là liên minh quân sự đa quốc gia như NATO, nhưng không chỉ là một liên minh quân sự thuần túy.

Chưa hết, "NATO Ảrập" bao gồm nòng cốt là các quốc gia Ảrập không thân thiện với Iran, Syria và các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni sẽ làm tất cả để khiến hai chính quyền dòng Shiite (chính quyền Syria do người Alawite lãnh đạo, là một nhánh của dòng Shiite) sụp đổ.

Trong thời gian tới, Mỹ và các đồng minh Ả rập sẽ tăng cường can thiệp trực tiếp vào Syria, không loại trừ khả năng họ sẽ điều động một lượng lớn binh lực xâm nhập vào đất nước này.

Nhiệm vụ bất khả thi

Giới quan sát nhận định, cho dù ý tưởng "NATO Ả rập" ra đời với sự dẫn đầu của Ả Rập Saudi nhằm mục đích chống lại Iran nhưng không dễ gì để có thể cô lập được Iran.

Trước hết, sức bền của liên minh Iran - Syria là khó thể phá vỡ trong nay mai. Liên minh giữa Iran và Syria đã trải qua nhiều thử thách và thời gian, và thực tế đã chứng minh rằng mối liên minh Iran - Syria chưa bao giờ tan vỡ, ngay cả khi Syria rơi vào vòng xoáy xung đột khủng hoảng.

Trong khi đó, hai cường quốc ngày càng chiếm vị thế quan trọng trên bản đồ thế giới là Nga và Trung Quốc có rất nhiều lý do để xích lại gần hơn với Iran.

Các nước Ả Rập vốn không có sự đoàn kết và những nỗ lực để tạo thành một khối như vậy sẽ dẫn đến mâu thuẫn sâu sắc giữa các quốc gia trong khu vực.

Tehran sẽ tận dụng những rạn nứt trong nội bộ liên minh mà Ảrập Saudi dẫn đầu, đồng thời tìm cách tăng cường hợp tác quân sự với các cường quốc bên ngoài Syria.

Như vậy có thể thấy rằng, để thành lập một "NATO Ảrập" dưới sự dẫn dắt của Ảrập Saudi và đạt được các mục đích đề ra là một điều hết sức khó khăn trong bối cảnh hiện nay...

Trường An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nato-arap-tung-hoanh-trung-dong-binh-moi-ruou-cu-3340827/